Bí mật trong những ngôi mộ cổ được khai quật tại Việt Nam

  •   3,913
  • 45.980

Thời gian gần đây, các ngôi mộ cổ xuất hiện ngày càng nhiều và đang được lưu giữ ở các bảo tàng từ trung ương đến địa phương. Ngoài việc có giá trị về mặt khảo cổ học, những ngôi mộ cổ còn cung cấp nhiều tư liệu mà ở các loại hình di tích khác ít có hoặc không thể có.

>>> Những xác ướp bí ẩn ở Việt Nam

Việc có được những di cốt người còn tương đối nguyên vẹn, cách ngày nay hơn 2000 năm, giúp các nhà nghiên cứu có được nhận định hay giả thiết của mình. Qua các bộ di cốt, hộp sọ, các nhà nghiên cứu, các nhà khảo cổ học xác định được nguồn gốc dân tộc, đó là vấn đề giữ vị trí vô cùng quan trọng.

Mộ cổ Gò De được bảo tàng lịch sử VN bảo quản. (Ảnh: N.M.H)
Mộ cổ Gò De được bảo tàng lịch sử VN bảo quản. (Ảnh: N.M.H)

Đặc biệt, ngôi mộ Việt Khê (Hải Phòng), mà Bảo tàng lịch sử Việt Nam đang trưng bày bằng thân cây khoét rỗng và có kích thước dài, rộng hơn mộ cổ Châu Can. Trong ngôi mộ Việt Khê, đã tìm thấy hơn 100 cổ vật- một khối lượng cổ vật nhiều nhất trong các mộ cổ với nhiều loại hình như công cụ, vũ khí, các loại nhạc khí bằng đồng thau. Ngoài ra còn có một số đồ gốm, đồ da có sơn.

Toàn bộ di vật trong mộ cổ Việt Khê đã đóng góp lớn vào kho tàng Văn hóa đồ đồng thau ở Việt Nam và giúp các nhà nghiên cứu có thể đi sâu hơn vào giai đoạn lịch sử cách ngày nay khoảng 2500 năm. Trong các ngôi mộ cổ, các nhà khảo cổ còn tìm thấy vải thời xa xưa. Tại Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, TS Nguyễn Việt đã nghiên cứu, bảo quản thành công vải thời Đông Sơn và xác định được chất liệu sợi dệt là từ một loại cây đay.

Mộ xác ướp

Khái niệm xác ướp, theo các nhà khoa học, ở Việt nam chưa thấy nói đến bao giờ và kỹ thuật ướp xác không có bất kỳ tài liệu nào đề cập.

Tuy nhiên trong thực tế, nhiều ngôi mộ cổ khi khai quật lên còn giữ được xác. Theo ý nghĩa ướp xác là dùng các chất thơm thảo mộc hay dùng các chất hóa học tổng hợp để giữ xác không bị các vi khuẩn làm thối rữa thì đây là các xác ướp.

Hầu hết các mộ xác ướp đều do dân làm nương rẫy, làm các công trình thủy lợi bắt gặp. Theo các tài liệu khảo cổ học, ngôi mộ đầu tiên có xác ướp được giữ nguyên là ngôi mộ ở xã Dân Lực, Nông Cống (Thanh Hóa), vào năm 1958. Các nhà khảo cổ xác định, đây là mộ của bà phi dòng họ Trịnh.

Sau đó một thời gian, tiếp tục phát hiện các mộ xác ướp ở Hoằng Đức (Thanh Hóa), ngôi mộ Vân Cát (Nam Hà) của bà Phạm Thị Nguyên Chân, ngôi mộ ở Vụ Bản của Phu nhân Trần Quý Thị, ngôi mộ Ứng quận công phu nhân Bùi Thị Khang.

Dạng mộ xác ướp, từ những năm 50 đến những năm 70 còn khai quật mộ Đinh Văn Tả cùng 2 bà vợ ở Hàm Giang, Cẩm Giàng (Hải Hưng cũ), mộ thiếu phụ khoảng 20 tuổi ở Thụy Anh, Thái Bình; mộ của một hoạn quan(?) ở Thanh Liêm, Nam Hà.

Ngoài ra còn phát hiện gần 30 mộ hợp chất khác, chưa khai quật như mộ Trịnh quận công Hoàng Công Kỳ ở Quỳnh Côi, Thái Bình, mộ vua Lê Uy Mục (Hà Bắc), mộ tổng trấn Vũ Duy Chức cùng vợ ở Nam Trực, Nam Hà. Tất cả các ngôi mộ xác ướp đều vào thời nhà Lê –Nguyễn.

Xác ướp bà Phạm Thị Nguyên Chân. (Ảnh: N.M.H)
Xác ướp bà Phạm Thị Nguyên Chân. (Ảnh: N.M.H)

Vì đây là mộ của vua chúa, quan lại nên dân đồn đại trong các mộ này có thể có vàng bạc, châu báu chôn theo, nên nhiều người dân khi phát hiện đã tìm cách đào trộm. Bên cạnh, có một vài mộ bị bom đạn Mỹ ném vào. Vì vậy, một số mộ khi khai quật không còn nguyên vẹn, có xác đang bị hủy hoại, đồ tùy táng bị rách nát, hư hỏng, điển hình là ngôi mộ bà Bùi Thị Khang. Những ngôi mộ còn lại, khi khai quật xác còn nguyên vẹn. Thậm chí nhiều mộ da dẻ còn mềm mại, khớp xương co duỗi dễ dàng.

Đặc biệt, ngôi mộ của vua Lê Dụ Tông ở Bái Trạch, Thọ xuân (Thanh Hóa). Vào đầu năm 1958, một người dân trong vùng khi cuốc đất làm vườn trên đã chạm vào quách mộ, làm quách mộ bị vỡ à thấy ở bên trong có quan tài sơn son. Khi người dân này lấy xà beng chọc thủng quan tài, thấy có mùi thơm tỏa ra.

Cũng giống như nhiều ngôi mộ xác ướp đã khai quật trước đó, là dạng mộ hợp chất (do các nhà khảo cổ đặt). Loại hình mộ này gồm trong quan, ngoài quách. Phần quách bên ngoài được làm bằng một loại hợp chất rất chắc. Hợp chất này bao gồm cát, vôi được đốt từ con hàu, mật mía và nước ngâm cây niệt dó rồi trộn thật đều và nhuyễn. Còn quan tài bằng gỗ Ngọc Am, tên thường dùng là Hoàng Đàn rủ, ở Trung Quốc gọi là Bách Mộc. Cây Bách Mộc ở Trung Quốc có nhiều, phân bổ ở các tỉnh như Quế Châu, Hồ Nam, Trùng Khánh.

Tại Việt Nam, cây Bách Mộc chỉ có rải rác ở Hà Giang, trên độ cao khoảng 2000m. Theo các nhà khoa học, loại cây này ở Việt Nam đã tuyệt chủng. Chắc là nhiều khách tham quan còn nhớ triển lãm sinh vật cảnh tại Bảo tàng Hà Nội 2010, ở gian trưng bày tỉnh Hà Giang, chúng ta được thưởng thức một số tác phẩm lũa bằng gốc cây Ngọc Am, có mùi hương thơm ngào ngạt.

Đó là mùi thơm của một loại hương liệu bay ra từ gỗ Ngọc Am, một loại cây thuộc họ nhà thông. Và chúng tôi còn có thông tin, hiện nay đang còn một cây Ngọc Am ở vùng núi cao và sâu ở tỉnh Hà Giang.

Những ngôi mộ xác ướp nói chung, đều được khâm liệm rất cẩn thận. Lần lượt là lớp đại liệm, đến tiểu liệm và rất nhiều lớp quần áo cùng các loại gối chèn đầy kín lòng quan tài. Tất cả vải vóc đồ khâm liệm đều bằng gấm, lụa, the.

Riêng trong quan tài vua Lê Dụ Tông có một áo Hoàng bào thêu kim tuyến. Ở vạt áo trước ngực và vạt áo sau lưng là hai con rồng lớn, chân rồng năm ngón, còn lại là những rồng nhỏ và vân mây. Hai áo Long bào cũng thêu rồng kim tuyến. Trên mặt được phủ tấm gấm thêu rồng, có chữ thọ ở giữa và bốn chữ vạn ở bốn góc.

Ngoài ra còn chôn theo: một quạt giấy rất to, một bút lông đựng trong túi gấm, một quyển sách bìa gấm, không có chữ, một túi đựng cau trầu và một hộp gỗ tròn trong có chất sáp mềm.

Đây là những hiện vật vô cùng quý giá nhằm cung cấp cho kho tàng cổ vật Việt Nam thêm những tư liệu về Hoàng cung thời Lê. Tất cả những đồ tùy táng của vua Lê Dụ Tông đang được lưu giữ tại BTLSVN. Trong quan tài vua Lê Dụ Tông cũng như các quan tài có xác ướp đều có một lượng dầu thơm. Bằng các phương pháp phân tích khoa học, xác định thành phần chủ yếu là dầu thông có lẫn một ít dầu khuynh diệp hay dầu bạch đàn. Phía dưới tấm thất tinh, có lớp gạo rang và chè búp khô hoặc bông.

Xác ướp

Ở các ngôi mộ xác ướp, khi khai quật lên, xác còn nguyên vẹn và cơ, da vẫn mềm mại, các khớp xương co duỗi dễ dàng và có mùi dầu thơm. Ngôi mộ vua Lê Dụ Tông ở Bái Trạch, khi mở nắp quan tài, không có mùi dầu thơm như những ngôi mộ khác, trái lại có mùi hơi khăm khẳm. Bởi vì quách đã bị phá vỡ và quan tài bị đục thủng từ năm 1958, mãi đến năm 1964 mới khai quật, nên bị ảnh hưởng.

Xác ẩm ướt, gầy đét trông như một người gầy ốm mới chết. Da hơi xam xám, sau vài giờ da xám đen lại. Râu và tóc gần như còn nguyên vẹn. Thi hài vua Lê Dụ Tông, sau hơn 45 năm bảo quản tại BTLSVN vẫn giữ được nguyên hình. Tuy nhiên, phần cơ bị teo và da chuyển thành màu đen.

Xung quanh việc ướp xác, chúng ta còn biết về câu chuyện bí ẩn của Lạt ma vĩnh hằng- Đasi-Đopgio Ethighelop, chết năm 1927, ngồi thiền ở tư thế tọa hoa sen. Theo lời dặn dò của Lạt ma, các nhà sư bó thi hài Lạt ma bằng vải lụa và đặt vào hòm gỗ tuyết tùng ở tư thế ngồi thiền, đổ muối lên đầu và đem chôn tại nghĩa địa,ở độ sâu 1,5m. Thực hiện di huấn của Lạt ma, sau 75 năm, thi hài được đưa ra khỏi hòm gỗ, đặt vào quan tài thủy tinh, chuyển đến tu viện Ivol-Ghin.

Sau 77 năm, các nhà khoa học Nga lấy tóc, móng tay phân tích quang phổ không phát hiện sự khác nhau giữa tế bào người chết và người sống. Các cơ quan nội tạng còn nguyên vẹn. Riêng máu thì từ một chất lỏng biến thành chất đặc quánh, nhưng vẫn là máu. Các nhà khoa học thừa nhận là hiện tại họ không thể giải thích được. (Báo Hà Nội mới). Ngày nay, bằng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, thi hài Vladimia Ilich Lenin ở Nga (Liên Xô cũ) và ở Việt Nam thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được bảo quản, giữ gìn rất tốt.

Kỹ thuật ướp xác

Việc giữ được những xác còn nguyên vẹn sau hàng trăm năm trong những ngôi mộ cổ ở Việt Nam, phần nào đang được lý giải và các nhà khoa học đã làm các thí nghiệm nhỏ để minh chứng điều này.

Đồng chí Lê Khả Phiêu thắp hương tại phòng thi hai vua Lê Dụ Tông. (Ảnh: N.M.H)
Đồng chí Lê Khả Phiêu thắp hương tại phòng thi hài vua Lê Dụ Tông. (Ảnh: N.M.H)

Thực chất những ngôi mộ xác ướp ở Việt Nam hoàn toàn nằm ngoài ý muốn. Đã có một số ý kiến bàn tới và chúng tôi cho rằng hợp lý. Đó là người xưa có thể đặt yêu cầu giữ xác để quàn trong nhà một thời gian để cúng tế, làm lễ.

Thời gian quàn xác trong nhà phụ thuộc phong tục tập quán của từng vùng, từng dân tộc và gia đình. Vì vậy, quan tài phải được làm thật kín và để dưới tấm thất tinh một lớp gạo rang dày hay chè khô để hút nước trong thi hài chảy ra, không bị thấm ra bên ngoài. Ngoài ra còn dùng quan tài bằng gỗ thơm, dùng dầu thơm để phòng khi có mùi từ thi thể người chết bay ra thì làm dung hòa, không bị ảnh hưởng nhiều.

Những việc làm này của người xưa, đã để lại cho hậu thế những xác ướp trong các ngôi mộ cổ. Đặc biệt, khi những quan tài này được đặt trong lớp quách chắc, kín. Đứng về góc độ khoa học, đây là phương pháp bảo quản rất tốt. Bởi trong môi trường rất kín, không khí không lưu chuyển được, lượng ôxy cần thiết để duy trì sự sống không đủ nên các vi khuẩn không hoạt động được.

Bên cạnh, còn dầu thông, dầu khuynh diệp có khả năng diệt khuẩn, vì vậy các thi hài không bị phân hủy. Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, công nghệ ướp xác và bảo quản thi hài đạt ở trình độ cao, tiêu biểu là thi hài V. I. Lê-nin và thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguyên lý chung về bảo quản là bảo quản phòng ngừa và bảo quản trị liệu. Thi hài của V.I. Lê-nin, sau khi ông mất, Stalin quyết định ướp xác ông. Vạn sự khởi đầu nan, bao nhiêu nhà khoa học Liên Xô (cũ) lúc bấy giờ không dám nhận, bởi chưa có công trình nào nghiên cứu về ướp xác theo phương pháp khoa học. Rất may Giáo sư Sibarski là một người Do Thái đứng ra nhận trách nhiệm và ông mời Valuabov cùng tham gia. Họ đã sáng chế một loại dung dịch có thể đáp ứng rất tốt cho công việc. Sau đó họ bắt tay giải phẩu thi hài, làm sạch các cơ quan nội tạng, rồi truyền dung dịch vào hệ thống tuần hoàn. Cuối cùng dùng dung dịch để rửa sạch các bộ phận khác để ngăn chặn sự xâm nhập của các vi khuẩn. (Bảo quản thi hài Lê-nin).

Bảo quản thi hài xác ướp

Phải nói rằng, việc bảo quản, gìn giữ thi hài mộ xác ướp là một công việc vô cùng khó khăn. Những xác ướp, sau khai quật, mang về Hà Nội để nghiên cứu, đang bảo quản tại BTLSVN, được đầu tư, quan tâm rất tốt. Thi hài được đặt trong phòng điều hòa, có nhiệt độ và độ ẩm ổn định, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật bảo quản. Nhiệt độ mùa hè 25 độ C, mùa đông 20 độ C. Độ ẩm quanh năm giao động trên dưới 60%. Đây là thông số lý tưởng cho bảo quản chất liệu hữu cơ trong điều kiện khí hậu ở Việt Nam.

Hàng năm có chế độ kiểm tra bảo dưỡng định kỳ, dùng hóa chất để diệt trùng, diệt khuẩn và loại bỏ nấm mốc. Bằng cách kết hợp giữa bảo quản phòng ngừa và bảo quản trị liệu, thi hài của các xác ướp vẫn giữ được. Như vậy, việc bảo quản thi hài trong mộ trước đây và bảo quản hiện nay tại BTLSVN về nguyên lý hoàn toàn giống nhau. Đó là tạo một môi trường ổn định và dùng hóa chất hoặc dùng thảo dược để diệt vi khuẩn. Tuy nhiên, khi mới khai quật lên, không có điều kiện xử lý ban đầu, nên phần cơ bị teo, da đen và các liên kết ở các khớp xương rất yếu.

Tham khảo các tài liệu bảo quản thi hài ở các Lăng, chúng tôi thấy cách bảo quản thi hài xác ướp tại BTLSVN rất phù hợp.

Cũng bằng công nghệ bảo quản thi hài V.I. Lê-nin, bạn đã giúp Việt Nam bảo quản, gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí minh. Đến nay, thi hài Bác Hồ hơn 40 năm vẫn giữ được những nét đặc trưng ban đầu. Đây là công nghệ bảo quản thi hài đặc biệt, ngoài thi hài V.I. Lê-nin, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước đây còn thi hài G.M.Đi-mi-tơ- rốp.

Theo Đất Việt
  • 3,913
  • 45.980