Mỗi nước có một chính sách khác nhau trong việc mua sắm chuyên cơ cho các nhà lãnh đạo của mình. Nhưng không phải bao giờ việc này cũng gặp thuận lợi mà trường hợp tại Anh là một ví dụ.
Thủ tướng Anh Tony Blair đang làm việc trên một chiếc máy bay thuê khi đi công cán. (Ảnh: PA) |
Chính phủ nước này đang có kế hoạch mua hai chiếc máy bay đặc biệt chuyên đưa đón các VIP của hoàng gia và chính phủ. Giới truyền thông Anh gọi chúng là Blair Force One, ám chỉ Thủ tướng Tony Blair và chiếc Air Force One của tổng thống Mỹ.
Theo nhiều nguồn tin, một trong số những chiếc chuyên cơ trên sẽ là loại máy bay tầm xa có khoảng 70 chỗ ngồi. Còn chiếc thứ hai có kích thước nhỏ hơn, chỉ có trên dưới 15 chỗ và chuyên dành cho những chuyến bay ngắn.
Kế hoạch mua Blair Force One của Anh liên tiếp gặp sóng gió trên chính trường. Đề xuất về việc này được đưa ra vào năm 1998 và chính phủ của phe Công đảng kiên quyết ủng hộ việc mua một chiếc máy bay riêng cho các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên nó trở thành đề tài chỉ trích của nhiều chính trị gia vì vấn đề tài chính.
Năm 2003, kế hoạch mua chuyên cơ lại được nhen nhóm khi Ủy ban an ninh và tình báo của Quốc hội Anh ủng hộ dùng máy bay riêng cho thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng để đảm bảo an toàn. Tháng 12/2004 kế hoạch trang bị chuyên cơ được giao cho cố vấn Sir Peter Gershon nghiên cứu một cách tỉ mỉ.
Chiếc Boeing 777-236ER chở Thủ tướng Tony Blair thuê của hãng British Airways đang hạ cánh xuống Auckland, New Zealand. (Ảnh: Airliners) |
Theo đó chiếc máy bay mới phải được trang bị hệ thông liên lạc tối tân, có khả năng chuyên chở cả đội ngũ phóng viên tùy tùng cùng hệ thống an ninh hiệu quả nhất. Để giảm chi phí, những chiếc chuyên cơ này sẽ không được mua đứt mà là thuê dài hạn. Dự kiến nhanh nhất phải đến cuối năm 2007 chuyên cơ của Anh mới bắt đầu phục vụ.
Ước tính kế hoạch trên mỗi năm tiêu tốn 12,3 triệu bảng Anh và đắt hơn chi phí thuê máy bay hiện nay của giới lãnh đạo Anh khoảng 2,7 triệu bảng. Số tiền trả cho việc dùng các chuyên cơ mới nói trên sẽ do phía sử dụng chi trả, ví dụ văn phòng thủ tướng, Bộ Quốc phòng hay hoàng gia.
Tuy vậy, kế hoạch mua chuyên cơ vẫn tiếp tục bị nhiều nhóm chính trị “đánh đập” dữ dội. Đảng Bảo thủ chỉ trích đó là dự án lãng phí còn các chính trị gia khác lo ngại việc tiêu tốn tiền của người đóng thuế chỉ để giúp các quan chức đi lại cho “sành điệu”.
Bên cạnh đó, đảng Dân chủ Tự do và các tổ chức về môi trường như như Transport 200 và Friends of the Earth lên án kế hoạch trên vì lo ngại các tác động môi trường từ những chiếc máy bay phản lực riêng.
Cho đến nay Anh vẫn là nước duy nhất trong G8 chưa có chuyên cơ. Trong khi đó, báo cáo về kế hoạch mua máy bay mới cho lãnh đạo cũng chỉ ra rằng, phương thức dùng máy bay thuê hiện nay của Anh có nhiều rủi ro về an ninh và gây bất tiện cho chuyện công cán của các VIP như Thủ tướng Tony Blair.
Các chuyên cơ của Canada
Phi đội 437 thuộc Bộ tư lệnh không quân Canada đang điều hành một chiếc Airbus A310-300 đã được chuyển đổi thành máy bay chở VIP để phục vụ việc đi lại của thủ tướng, các quan chức chính phủ cao cấp và những thượng khách nước ngoài.
Đây là chiếc Bombardier Challenger do cựu thủ tướng Canada Jean Chretien thường sử dụng. (Ảnh: Airliners) |
Bên cạnh đó, phi đội số 412 của không quân Canada còn phụ trách 4 chiếc máy bay hiệu Bombardier Challenger 604 chuyên làm nhiệm vụ vận chuyển các VIP của nước này.
Đây là một sản phẩm nội địa của Canada do hãng Bombardier Aerospace chế tạo. Bombardier là nhà sản xuất máy bay thương mại lớn thứ tư trên thế giới sau Boeing, Airbus và Embraer.
Phi đội chuyên cơ của các nhà lãnh đạo Pháp
Các quan chức cấp cao của Pháp đi lại bằng máy may do phi đội ETEC (tức phi đội vận tải, huấn luyện và kiểm tra), một đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, phụ trách. ETEC sử dụng 6 chiếc Falcon 900 để các nhà lãnh đạo công cán bên trong lục địa châu Âu và 2 chiếc Airbus A319 cho các chuyến bay tầm trung và tầm xa.
Chiếc chuyên cơ Airbus của Tổng thống Pháp Jacques Chirac đang được chuẩn bị cho một chuyến công cán của ông. (Ảnh: Airliners) |
Mới đây Pháp còn mua thêm 2 chiếc Airbus A340-200 của hãng hàng không Áo Austrian Airlines để phục vụ các nhà lãnh đạo đi công tác xa. Bên cạnh đó, chính phủ Pháp còn thuê máy bay của hãng Air France để phục vụ các VIP. Khi Concorde vẫn còn tung hoành trên bầu trời thì đây là sự lựa chọn quen thuộc nhất.
Các chuyên cơ của Đức
Những quan chức cao cấp của Đức sử dụng hai chiếc Airbus 310-304 để đi lại. Trước đây những chiếc phi cơ này thuộc sở hữu của hãng hàng không Đông Đức Interflug. Sau đó chúng được tập đoàn Lufthansa Technik thiết kế lại để trở thành máy bay chuyên chở VIP trong những chuyến bay tầm trung và tầm xa.
Chiếc chuyên cơ mang tên Theodor Heuss thường được dùng để chở tổng thống Đức. (Ảnh: Airliners) |
Hai chuyên cơ Airbus 310-304 của Đức được đặt tên là Konrad Adenauer (thủ tướng đầu tiên của Tây Đức sau Chiến tranh thế giới II) và Theodor Heuss (tổng thống đầu tiên của Đức).
Bên cạnh đó, một đơn vị đặc biệt của không quân Đức Flugbereitschaft còn điều hành 6 chiếc phản lực Challenger 601 và 3 chiếc trực thăng Eurocopter Cougar AS532 để phục vụ nhu cầu đi lại cho các quan chức chính phủ, quốc hội và quân đội.
Việc đi lại của các nhà lãnh đạo Italy và Vatican
Không quân Italy sử dụng hai chiếc Airbus Corporate Jet làm chuyên cơ cho các nhà lãnh đạo nước này. Trong số đó một chiếc được thiết kế thành 30 chỗ ngồi dành cho thủ tướng hoặc tổng thống đi lại. Chiếc kia có 50 chỗ ngồi cũng được sử dụng cho nhu cầu di chuyển của các quan chức chính phủ khác.
Ngoài ra, Italy còn sử dụng những chiếc máy bay có kích thước nhỏ hơn là Dassault Falcon 50 và Dassault Falcon 900 làm chuyên cơ. Hai chiếc trực thăng hiệu Agusta SH-3D Sea King do Mỹ sản xuất cũng được dành riêng cho tổng thống, các quan chức chính phủ và cả giáo hoàng sử dụng.
Chỗ ngồi được chuẩn bị đặc biệt dành cho Giáo hoàng Benedict XVI trên chiếc Boeing 737-45D thuê của hãng hàng không Ba Lan LOT, khi ngài từ thành phố Krakow của Ba Lan trở về Vatican ngày 28/5/2006. (Ảnh: Airliners) |
Riêng trường hợp của giáo hoàng, tất cả những chiếc máy bay mà người đứng đầu tòa thánh Vatican có mặt đều được gọi là "Shepherd One". Theo truyền thống, giáo hoàng đến thăm một nước trên chiếc phản lực thuê của hãng Alitalia và khi trở về ngài sẽ đi trên chiếc máy bay thuê của hãng hàng không quốc gia vừa thăm viếng.
Ví dụ khi Giáo hoàng Benedict XVI trở về Vatican từ chuyến thăm thành phố Đức Cologne nhân Ngày Thanh niên thế giới năm 2005, ngài đã đi trên một chiếc Airbus A321 thuê của hãng hàng không Đức Lufthansa.
-------------------------------------------
Bí mật về chuyên cơ của các nguyên thủ (1)
Đình Chính