Biển mây sao Mộc tuyệt đẹp bốc mùi khó ngửi

  •  
  • 1.788

Bề mặt nhiều màu tuyệt đẹp của sao Mộc được tạo nên bởi các suối mây… khí amoniac và những luồng khí cực mạnh tương tự hiện tượng "dòng tia" trên Trái đất.

Tàu vũ trụ Juno của NASA vừa thu thập được nhiều dữ liệu thú vị trong chuyến tiếp cận gần nhất biển mây đa sắc tuyệt đẹp của sao Mộc.

Sao Mộc
Sao Mộc - (ảnh: NASA).

Các nhà khoa học phát hiện có những luồng khí cực mạnh di chuyển trên hành tinh này từ tây sang đông. Nó tương tự các dòng tia (jet stream) của trái đất, là những luồng gió thổi cực nhanh xung quanh hành tinh, giống như những dòng hải lưu nhưng có khác là nó "chảy" trong không khí.

Trái đất của chúng ta có 5 dòng tia, gồm 2 dòng tia lạnh ở 2 địa cực và 3 dòng tia nóng ở khu vực xích đạo – cận xích đạo. Dòng tia có tốc độ gió lên tới 100-400km/giờ và rộng vài trăm km, ảnh hưởng rất lớn đến thời tiết và khí hậu.

Sao Mộc dưới một góc độ và tông sáng khác
Sao Mộc dưới một góc độ và tông sáng khác - (ảnh: NASA)

Các dòng tia trên sao Mộc di chuyển dễ dàng hơn trái đất bởi bên dưới biển mây của sao Mộc không hề có các lục địa, đồng nghĩa với việc các luồng không khí không bị ảnh hưởng bởi các ngọn núi hay địa hình phức tạp.

Minh họa về dòng tia trên Trái đất
Minh họa về dòng tia trên Trái đất - (ảnh: Internet).

Theo ghi nhận của tàu vũ trụ Juno, những dòng không khí cực mạnh này có độ sâu lên đến 3.000km bên dưới bề mặt biển mây của sao Mộc. Chúng gây những xáo động từ bên trong, kết hợp với ánh sáng tạo nên những suối mây amoniac – NH3, loại khí nổi tiếng có mùi khai - tạo ra những đường vân tuyệt đẹp, thường có màu trắng, đỏ, cam, nâu và vàng.

Bên dưới biển mây chủ yếu là amoniac, sao Mộc là một hành tinh hoàn toàn bằng khí với thành phần chủ yếu là hydrogen và helium.

Tàu vũ trụ Juno của NASA
Tàu vũ trụ Juno của NASA - (ảnh: NASA).

Tiến sĩ Navid Constantinou, nhà khoa học trái đất tại Đại học Quốc gia Úc, cho biết sự phát hiện ra các dòng không khí cực mạnh này đã giải quyết bí ẩn về màu sắc kỳ ảo tuyệt đẹp của "người khổng lồ" mà bấy lâu con người quan sát được.

Tiến sĩ Jefferey Parker, đồng tác giả đến từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore (Mỹ), nhận định con người có thể ứng dụng các hiểu biết về hành tinh khí khổng lồ này để nghiên cứu sâu hơn về khí quyển và các luồng không khí chuyển động trên các hành tinh. Những điều này có thể cung cấp nhiều dữ liệu có ích cho việc nghiên cứu khí quyển của Trái đất.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal.

Cập nhật: 13/08/2018 Theo NLĐ
  • 1.788