Một admin trên diễn đàn TTVNOL than rằng từ khi blog lan rộng ở Việt Nam, số bài viết có chất lượng trong site giảm đáng kể. Nhiều người không còn đăng những bài tâm huyết lên forum bởi có gì hay họ cũng đưa lên web cá nhân trước tiên.
Theo trang tìm kiếm Technorati, thế giới có hơn 44,2 triệu blog và mỗi ngày xuất hiện thêm 75.000 blog mới, trong đó có cả những site mang tính tôn giáo được gọi là Godblog. Còn ở Việt Nam, hiện chưa có bất cứ thống kê nào về tình hình sử dụng web cá nhân, nhưng có thể khẳng định Yahoo 360 là dịch vụ số một.
Không nhiều tính năng, thậm chí có phần nghèo nàn so với Blogger của Google hay Movable Type của Six Apart, Yahoo 360 "ghi điểm" nhờ sự đơn giản và khả năng tự động thông báo những thay đổi mới của blog qua Yahoo Messenger theo thời gian thực. Đặc biệt hơn, nó tương thích với trang chia sẻ ảnh ứng dụng tổ hợp công nghệ AJAX được cho là xuất sắc nhất thế giới hiện nay mang tên Flickr. Bên cạnh đó, con số 360 còn phản ánh rõ nét tính cộng đồng của blog. Lang thang trên các blog lạ, bấm vào một vài đường kết nối, nhiều người đã reo lên "đúng là trái đất tròn" khi vô tình gặp người quen... của người quen của người quen.
Blog nghiêng 23,5 độ
"Nhật ký thân yêu, mình là con bé bất hạnh nhất thế gian. Anh ấy đã nói với bạn bè rằng mặt mình trông như một quả dưa". 15 năm về trước, một cô bé 20 tuổi đã thổn thức như thế trong cuốn sổ xinh xắn của mình. Còn giờ đây, Hoài, 35 tuổi, cảm thấy rất thú vị khi giới trẻ hồn nhiên đưa những biến cố xảy ra với họ lên mạng với lời mở đầu "hi everybody" (mọi người ơi) chứ chẳng chào hỏi blog lấy một câu như cô ngày xưa. Cô cũng quyết định lập web cá nhân để đăng lại tâm sự một thời. "Tôi không gặp rắc rối khi thổ lộ về những khiếm khuyết, lỗi lầm hồi trẻ bởi tôi đã qua cái tuổi đó rồi", Hoài nói.
Đa phần cộng đồng blogger (người lập blog) ở Việt Nam không hề định hướng nội dung trước khi tạo blog. Có người lập vì tò mò, vì bắt chước bạn bè hoặc vì có cơ hội "viết bất cứ điều gì mình thích". Một số còn lập blog chỉ vì muốn bình luận (comment) cho bài viết hấp dẫn mà họ đọc được trên trang nào đó. Sau khi mở một trang riêng, các blogger mới bắt đầu hình thành ý tưởng cho blog của họ. Không ít người duy trì như một cuốn nhật ký trực tuyến theo đúng nghĩa ban đầu, những người khác biến nó thành kênh tin tức tin riêng nhưng cũng có vô số blog đang trong tình trạng bị "bỏ hoang".
"Hầu hết bạn bè tôi đều xây dựng blog chỉ để cho vui và chia sẻ tài nguyên họ có như nhạc, phim ảnh, e-book, kinh nghiệm... cho nhau. Nhưng những bài viết kiểu nhật ký vẫn là nội dung được comment (bình luận) nhiều nhất vì bản thân nó đã có tính chia sẻ cảm xúc rất cao", anh Ngô Vũ Anh Tú, một kỹ sư CNTT ở Hà Nội, cho hay.
Blog cũng giống âm nhạc, album chất lượng cao chưa chắc đã là album bán chạy nhất. Web cá nhân của blogger xinh xắn (hoặc đẹp trai) với nội dung giải trí bao giờ cũng thu hút lượng truy cập đông đảo và nhận được đến hàng chục, có khi cả trăm lời khen ngợi, trong khi những bài viết mang tính triết lý lại chỉ nhận được vài đoạn nhận xét như "cậu dạo này suy nghĩ… vĩ mô nhỉ".
Nội dung về điện ảnh, âm nhạc và sách trên các blog nhiều đến mức có người phải thốt lên "người người bình phim, nhà nhà bình nhạc". Tuy nhiên, chủ yếu các bài viết đều mang tính chủ quan, tán dương những gì họ thích kiểu "hấp dẫn không... bàn phím nào tả xiết". Một trong những blog đánh giá tương đối khách quan và sâu sắc là của Exorcist - nickname lấy cảm hứng từ bộ phim kinh dị The Exorcist. Với kiểu xưng hô thân mật và ngôn từ vừa giản dị, vừa tếu táo, anh giúp người đọc dần khám phá những tác phẩm kinh điển như The sound of music, Casablanca đến các ca khúc sống mãi với thời gian của nhạc sĩ Lê Thương, Văn Cao...
Lại có blog được lập ra để ghi lại kỷ niệm về những miền đất đã đi qua như của Trang Hạ, cây bút nổi danh một thời trên báo Hoa Học Trò. Web của chị gồm các bài viết đã đăng trên báo, hành trình chuyến đi và những trải nghiệm trong cuộc sống. Còn blog của Ngọc Binô, sinh viên khoa Kinh tế trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học quốc gia Hà Nội, lại "hút khách" nhờ các bài viết hồn nhiên, trong trẻo và "dài thậm thượt" về trường lớp, bạn bè với lời giải thích ngộ nghĩnh rằng: "Ở ngoài em ăn nói dài dòng kiểu bố tằm đi kiếm lá dâu gặp mẹ tằm, cưới nhau rồi đẻ ra tằm, cứ gọi là còn khướt mới đến đoạn nhả tơ nên khi 'văn bản hóa' thì cũng dài …sêm sêm".
Nick ảo, tâm sự thật
Người ta có thể lập cả chục tài khoản Yahoo Messenger, tham gia đủ mọi diễn đàn bằng những tên gọi khác nhau. Có khi trong cùng một forum, ở chủ đề (topic) này, họ đóng vai cô bé dịu dàng và dễ bị tổn thương, còn tại topic kia, họ dùng một nick mới viết bài với giọng tửng tưng, hoặc hăm hở đăng ký vài nick để tranh luận cho rôm rả. Ngược lại, dù tham gia VietSpace, Blogger hay 360, chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện xây dựng tới 5, 6 blog trong cùng một dịch vụ cả.
Nói như thế không có nghĩa rằng diễn đàn không "thật" như blog. Gần 54% bạn đọc tham gia một khảo sát của VnExpress vẫn lựa chọn chia sẻ thông tin và bày tỏ cảm nhận của bản thân trên các diễn đàn.
Một thành viên thuộc diễn đàn WTT (Web trẻ thơ) tâm sự: "Qua WTT, tôi như cảm nhận được ánh mắt lấp lánh yêu thương của người mẹ đang chăm chút đứa con yêu và như hòa trong nỗi đau của những người vợ bất hạnh. Mỗi khi gia đình có chuyện, tôi lại vào WTT tìm lời động viên ấm áp và cũng tự an ủi rằng mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác". Thành viên trong WTT gọi nhau bằng những cái tên "mẹ Tũn", "mẹ Bống", "mẹ Nhím" và các bài viết chỉ xoay quanh chuyện chồng con nhưng thu hút cả những người chưa lập gia đình. "Topic 'đơn giản thế thôi... nhưng đó là hạnh phúc' kể về những khoảng khắc thân thương trong gia đình, thế mà khi đọc mình cứ rơm rớm nước mắt. Nhờ WTT, mình học được nhiều điều từ bí quyết nấu ăn ngon đến cách cư xử sao cho đúng với hai bên nội ngoại", Khánh, cô sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân, cho hay.
Không phải ai cũng dũng cảm thừa nhận mình là người đồng tính trên web cá nhân như một du học sinh VN ở Mỹ hay tuyệt vọng kể về quá trình ly dị của bố mẹ qua Yahoo 360 như cô bé tự xưng là "I me mine". Khi cần sự chia sẻ nhưng không thể tâm sự trực tiếp với bạn bè, càng không dám đăng lên blog, người ta sẽ tìm đến forum. "Blog mang tính cá nhân, thể hiện cái tôi cao hơn diễn đàn, bởi nó bộc lộ tính cách, con người của chủ nhân. Forum là nơi bạn hoà nhập cái tôi ấy vào một cộng đồng", anh Tú nhận xét.
Đối với một số người, diễn đàn còn là kho thông tin khổng lồ, điển hình như Trái tim Việt Nam, với những kiến thức về gần như mọi lĩnh vực từ văn hóa, lịch sử, thiên văn học, âm nhạc đến kinh doanh, du lịch... "Tôi từng nghĩ vào forum chỉ mất thời gian với những thư rác (spam) vô nghĩa, nhưng thực sự đó là sai lầm. Ở đây có nhiều điều tốt đẹp cần chia sẻ và cảm thông. Tôi trưởng thành hơn sau những bài tản mạn của thành viên Lalala trên QuynhonCity - nơi gặp gỡ của giới trẻ đất võ", Nguyễn Thùy Trinh, nhân viên hành chính tổng hợp của một công ty tổ chức sự kiện, bày tỏ. "Với tôi, viết blog là để cho và chia sẻ những gì mình biết, còn tham gia diễn đàn là để nhận và học hỏi từ người khác".
Chia sẻ thông tin 'hạng sang'
Khác với các hình thức miễn phí như 'chat chit', tham gia diễn đàn, mở blog hay tâm sự ở chuyên mục Bạn đọc viết trên nhiều báo điện tử, không ít người đam mê Internet sẵn sàng bỏ tiền ra mua tên miền (domain) riêng và đầu tư thời gian, công sức tạo nên một không gian của riêng họ. Khảo sát của VnExpress cho thấy số người này chiếm tới 14,2%, đông đảo chẳng thua kém blog là bao (19,4%).
Vốn ấp ủ ý tưởng về một website riêng dành cho những người yêu thích chiếc alô, phóng viên Lê Duy chuyên viết về mảng công nghệ và điện thoại di động đã không ngần ngại đầu tư cho ledmobile.net. Người điều hành website này cho biết: "LeD Mobile được lập đơn giản chỉ để phục vụ sở thích và đây cũng là cách chia sẻ, cập nhật thông tin, học hỏi lẫn nhau trong thế giới mạng".
Còn chị Lê Thị Kim Châu, kỹ sư điện tử viễn thông, là người đặc biệt thích socola và những câu chuyện sống đẹp nên quyết định mua tên miền socola.com.vn. "Tôi dự định học thiết kế website để tự tay dựng lấy ngôi nhà chung cho bạn bè và những người cùng sở thích. Chi phí ban đầu cũng đáng ngại nhưng dù sao được làm và chia sẻ điều mình yêu thích đã là một hạnh phúc", chị Châu tâm sự.
Thông thường, người sử dụng website có domain độc lập thường chọn tên miền quốc tế như .com, .net, .info, .org vì giá chỉ 10 USD so với tên miền Việt Nam là 60 USD. Hiện nay, chi phí xây dựng một trang thông tin cá nhân bao gồm cả domain, host là khoảng 300 USD. Do vậy, nếu một người đã chịu bỏ tiền tạo web thì trang đó thường phải kiêm nhiệm thêm một số chức năng khác, như giới thiệu sản phẩm, quảng cáo...
Theo anh Lương Văn Trí, học viên cao học ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Mở - Bán Công TP HCM, người khai sinh ra ý tưởng lập trang web riêng cho lớp, thì website sẽ là chất keo liên kết mọi người với nhau dù ở bất cứ nơi đâu. Mỗi thành viên chỉ cần góp 100.000 đồng là có thể dựng được mái nhà trên mạng với đầy đủ thông tin cá nhân như một quyển kỷ yếu, vừa có thể quản lý tài liệu học, hộp thư và những tin tức liên quan. "Hầu hết sinh viên trong lớp ủng hộ ý kiến này và tình nguyện hỗ trợ ban quản trị. Bước đầu site chỉ phục vụ cho thành viên của lớp, còn giai đoạn tiếp theo là tạo kho học liệu mở từ các khóa MBA, phục vụ mọi đối tượng", anh Trí cho biết.
Hải Nguyên - Ngọc Hằng