Bộ não đang làm gì khi chúng ta mơ?

  •   53
  • 2.602

Những giấc mơ thường rất kỳ lạ và có nhiều ý nghĩa đến nỗi lắm lúc chúng ta muốn kể cho ai đó nghe những cuộc “phiêu lưu” về đêm này. Nhưng nếu chúng ta hiểu được những thứ đang diễn ra trong bộ não khi chúng ta đang mơ, chúng ta sẽ biết được rằng giấc mơ thật sự có ý nghĩa nhiều hơn những gì trước đây chúng ta nghĩ.

Dưới đây là một số câu hỏi phổ biến về những ảo giác ban đêm mà chúng ta gọi là giấc mơ.

1. Tại sao những giấc mơ thường kỳ quái?

Có một lý do khá thuyết phục giải thích cho việc những giấc mơ của chúng ta thường khó hiểu và kỳ lạ. Những kí ức về các sự kiện trong đời sống được lưu trữ trong một phần của bộ não được gọi là hồi hải mã, và trong chuyển động mắt nhanh (REM). Khi chúng ta ngủ, những tín hiệu từ vũng hồi hải mã bị tắt đi.

Điều đó có nghĩa là chúng ta không thể truy cập vào những ký ức cụ thể đã xảy ra trong quá khứ trong khi chúng ta mơ, nhưng chúng ta vẫn có thể tiếp cận được những ký ức chung về con người và nơi chốn - những thứ là “xương sống” của các giấc mơ. Đồng thời, hoạt động ở các vùng não liên quan đến cảm xúc được khởi động, tạo thành một câu chuyện đan kết các kí ức lại với nhau.

Ví dụ, gần đây bạn mơ thấy có một cơn lũ đang bao quanh ngôi nhà thời thơ ấu của mình, và bạn cố gắng bay ra ngoài cửa sổ để trốn thoát nhưng lại không biết bay. Sợ hãi và lo lắng áp đảo bạn vì nước lũ đang dâng lên rất nhanh trong khi bạn đang mắc kẹt trong căn nhà.

Lúc này, vỏ não trước trán chịu trách nhiệm về lý luận logic và ra quyết định của chúng ta cũng ngừng hoạt động. Đó là lý do khiến tôi không đặt câu hỏi là tại sao nước lũ lại dâng lên quá nhanh hay vì sao tôi lại ở trong nhà thuở nhỏ của hình hay vì sao bay ra ngoài theo đường cửa sổ mới là một lựa chọn an toàn.

Sự khác biệt trong hoạt động của bộ não lúc ngủ và lúc thức giải thích cho việc vì sao chúng ta thấy mình không thể kiểm soát những giấc mơ và khi những chuyện kì lạ xảy ra chúng ta chỉ có thể quan sát mà không làm được gì.

2. Chúng ta chỉ có thể mơ trong giấc ngủ REM?

Trong nhiều thập kỉ, những nghiên cứu về giấc mơ giống như những lời giải thích mang đầy tính tưởng tượng hơn là những kết quả khoa học. Nhưng mọi thứ đã thay đổi vào năm 1953, khi nhà nghiên cứu Eugene Aserinsky và Nathaniel Kleitman tại Đại học Chicago tiến hành đo điện não đồ của các tình nguyện viên và đánh thức họ trong những giai đoạn ngủ khác nhau. Sau đó, họ phát hiện ra mối liên quan giữa giấc ngủ REM và giấc mơ.

Các thí nghiệm gần đây đã chỉ ra rằng chúng ta mơ trong suốt giấc ngủ chứ không chỉ trong giấc ngủ REM, nhưng phần lớn chúng ta đều quên mất chúng. Những giấc mơ xảy ra trong giấc ngủ sâu thường nhàm chán, không sống động và thường chỉ liên quan đến những điều đơn giản, và khó để nhớ. Nhưng trong giấc ngủ REM những giấc mơ kì lạ xuất hiện: những cuộc cạnh tranh kì lạ, những thành tựu không tưởng, những câu chuyện phi logic và khó hiểu…

Cũng có nhiều người thắc mắc rằng, liệu trong giấc ngủ REM mắt của chúng ta có chuyển sang “nhìn” những hình ảnh đang diễn ra trong giấc mơ không? Một số thí nghiệm gần đây cho thấy điều này có thể xảy ra.

3. Vì sao chúng ta lại khó nhớ các giấc mơ?

Một số người cứ khăng khăng cho rằng mình không bao giờ mơ, nhưng thực chất họ nhầm! Điều này đã được chứng minh trong thí nghiệm về việc đánh thức các tình nguyện viên trong những giai đoạn ngủ khác nhau: mọi người đều mơ nhưng không phải ai cũng nhớ được những giấc mơ.

Điều này có thể là do hoạt động của não. Những người có thể nhớ các giấc mơ thường có các hoạt động (cả trong lúc ngủ và tỉnh) ở hai phần não liên quan đến việc ghi nhớ hình ảnh và lưu giữ kí ức tốt hơn so với những người không nhớ nổi đêm qua mình mơ gì.

Nó cũng liên quan đến cách bạn ngủ. Trong giấc ngủ REM, chúng ta cố gắng tạo ra những kỷ ức mới - nhà nghiên cứu Robert Stickgold ở Trường Y khoa Harvard Medical cho biết. Nếu chúng ta tỉnh giấc trong giấc mơ hoặc ngay sau một giấc mơ, chúng ta có thể nhớ được nó - nói cách khác, chúng ta có thể đưa nó vào kho lưu trữ kí ức dài hạn.

Vì vậy, nếu bạn thức dậy vào ban đêm, có thể bạn sẽ nhớ được những gì bạn vừa mơ, nhưng nếu đồng hồ báo thức đánh thức bạn dậy và cắt ngắn giấc ngủ REM, bạn sẽ không giữ được những kí ức đó. Sự thay đổi từ việc ngủ và mơ sang việc thức dậy và tắt đồng hồ báo thức đã cản trở quá trình ghi nhớ.


Đặt đồng hồ báo thức có thể khiến bạn quên những giấc mơ. (Ảnh: Thuocthang.vn).

4. Tại sao chúng ta mơ?

Có rất nhiều lý giải xoay quanh vấn đề tại sao con người lại mơ. Một trong số đó cho rằng giấc mơ đóng vai trò là một chức năng tiến hóa, giúp thử nghiệm các kịch bản có thể quan trọng đối với sự sống còn của chúng ta. Điều này có thể giải thích cho việc có nhiều người thường kể là họ hay mơ thấy mình bị săn đuổi hay bị tấn công.

Cũng có nhiều người đã chứng minh rằng giấc mơ có sức mạnh thúc đẩy tư duy sáng tạo. Ví dụ như Paul McCartney đã nói rằng giai điệu "Yesterday" đến với ông trong một giấc mơ và theo lời kể của nhà hóa học Dmitri Mendeleev thì ông đã mơ thấy cấu trúc của bảng tuần hoàn nguyên tố.

Có một thí nghiệm ủng hộ cho ý tưởng này. Nghiên cứu cho thấy những người có một giấc ngủ ngắn bao gồm giấc ngủ REM ghi được số điểm cao trong bài kiểm tra về tính sáng tạo ngay sau đó.

Khi ngủ các hoạt động của cơ thể diễn ra qua 5 giai đoạn: ru ngủ, ngủ nông, ngủ sâu, ngủ rất sâu và ngủ mơ (REM), các giai đoạn diễn ra thứ tự tạo thành một chu kỳ và chu kỳ này được lặp đi lặp lại trong suốt thời gian kể từ khi bạn nhắm mắt ngủ vào buổi tối hôm trước đến khi thức dậy vào sáng ngày hôm sau.

5 giai đoạn của giấc ngủ được chia thành 2 nhóm: giấc ngủ REM (rapid eye movement) và giấc ngủ NREM/Non-REM (non rapid eye movement). Cụ thể, giấc ngủ NREM gồm giai đoạn ru ngủ, ngủ nông, ngủ sâu và ngủ rất sâu. Giấc ngủ REM chỉ bao gồm giai đoạn ngủ mơ.

Cập nhật: 21/04/2018 Theo khampha
  • 53
  • 2.602