Bóng đèn khử khói, khử mùi

  •  
  • 1.489

Sau bữa tiệc, phòng ăn và phòng vệ sinh đầy mùi và khói thuốc. Bà chủ nhà bật bóng đèn lên. Lát sau, không khí đã trong sạch trở lại như chưa hề bẩn. Tình huống này giờ đây hoàn toàn có thật, nhờ loại bóng đèn mới của tiến sĩ Nguyễn Văn Khải.

Loại bóng đèn này là sản phẩm hợp tác nghiên cứu giữa tiến sĩ Nguyễn Văn Khải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tiết kiệm điện và Dung dịch hoạt hoá điện hoá, Hà Nội, còn được gọi là Ông già ôzôn - với các chuyên gia Trung Quốc, được tạm gọi là đèn Khai Thông.

Đèn Khai Thông (trái) và đèn compact thường (phải).

Đèn có tính năng khử khói bụi, khử mùi và khử khuẩn, rất thích hợp để lắp cho bếp, nhà vệ sinh hay những không gian nhỏ thường xuyên bị khói, mùi hôi thối hay độc hại.

Về nguyên tắc, đây cũng là một bóng đèn huỳnh quang compact, song có cơ chế hoạt động khác với đèn compact thông thường.

Đèn compact thông thường dùng chấn lưu khiến cho dòng điện tử đi trong bóng đèn đổi chiều 100 lần/giây (nếu là chấn lưu sắt từ) hoặc từ 200.000 đến 400.000 lần/giây (nếu là chấn lưu điện tử). Đồng thời bóng đèn có chứa thuỷ ngân, vì vậy khi vỡ sẽ gây thoát thuỷ ngân độc hại ra môi trường.

Bóng đèn Khai Thông (nhờ phần điện tử đã được cải tiến) tạo ra điện từ trường với tần số lớn hơn rất nhiều lần, gây ra sự ion hoá các phân tử khí ôxi (O2) xung quanh bóng đèn. Kết quả là nó tạo ra các nguyên tử ôxi tự do (O) và các phân tử ôzon (O3). Chính hai thành phần này, do đặc tính ôxy hoá mạnh, đã khử khói, khử mùi trong môi trường.

Trong khói thường có CO, CO2, NO2, SO2, P2O5..., khi kết hợp với nguyên tử ôxi và phân tử ôzôn, chúng tạo thành chất lắng xuống thân bóng đèn. Vì thế, sau khi đã làm sạch nơi ở, người ta có thể tháo bóng đèn ra, dùng nước muối rửa sạch.

Trong môi trường có nhiều vi khuẩn, hôi thối (như nhà vệ sinh), các chất ôxi hoá trên cũng sẽ làm vi khuẩn chết khô đi, và làm sạch phòng, hết mùi.

Loại đèn này cũng ưu điểm hơn việc lắp quạt hút gió là có thể diệt khuẩn bám trên tường và trần nhà, những nơi ít được chú ý đến. Đèn cũng không chứa thuỷ ngân, nên khi vỡ không gây hại môi trường. Được hỏi liệu các chất ôxy hoá này có thể gây hại cho người, tiến sĩ Khải cho biết nồng độ ôzôn mà bóng đèn tạo ra luôn nhỏ hơn 0,1 ppm, đạt tiêu chuẩn quốc tế để người có thể ở được thường xuyên.

Thử nghiệm phun khói thuốc vào hộp hai ngăn, bên trái là đèn Khai thông, bên phải là đèn compact thường.

Sau vài giây, khoang hộp bên trái trở nên trong suốt. Khoang bên phải vẫn đục như cũ.

Khoang hộp bên trái trong trở lại, còn khoang bên phải vẫn vẩn đục khói thuốc.

Khác với bóng đèn compact thường, đèn Khai Thông có phần vỏ bảo vệ bộ phận điện làm bằng nhựa PVC trong, và có thêm một ống dẫn các nguyên tử ôxi và phân tử ôzôn. Mặt đế đèn làm bằng kim loại để giúp lau khói bám dễ dàng. Sau một thời gian sử dụng, nếu ống phóng điện già đi, có thể thay bằng ống khác mà vẫn sử dụng bộ điện (chấn lưu điện tử) cũ, hoặc ngược lại.

Trước mắt, tiến sĩ Khải cho biết sẽ tập trung sản xuất đèn cho nhà vệ sinh của các trường học. Sản phẩm ước tính có giá cao gấp 2 lần đèn compact thường, có tuổi thọ thử nghiệm đến 8.000 giờ, sẽ được tung ra thị trường từ ngày 1/1/2008.

Tiến sĩ Khải từng là người khởi xướng chiến dịch đèn chiếu sáng học đường, bảng màu xanh không loá, "nước ôzôn" để bảo quản hoa quả và nay là đèn ánh sáng sạch.

Liên hệ: TS Nguyễn Văn Khải, điện thoại 0904 183 670. Nhà 22/C3, tập thể Cục thông tin liên lạc - Định Công, Hà Nội, hoặc 42 Thợ Nhuộm.

Bài và ảnh Thuận An

Theo Vnexpress
  • 1.489