'Bóng ma' ngày tận thế trở lại?

  •   44
  • 9.461

Việc ấn định thời gian tái khởi động chiếc máy gia tốc hạt khổng lồ LHC của Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu làm dấy lên lo lắng về ngày tận thế.

Theo thông báo của Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), cỗ máy gia tốc hạt khổng lồ LHC tái khởi động vào tháng 10/2009, sau gần một năm "đắp chiếu".

LHC được các nhà khoa học sử dụng để tiến hành các thí nghiệm với hạt hạ nguyên tử, nhằm khai phá nhận thức của nhân loại về thế giới vi mô. Thậm chí, giới nghiên cứu còn kỳ vọng, LHC giúp họ tạo ra điều kiện ban đầu của vụ nổ Big Bang để kiểm chứng lý thuyết về vật chất tối và giải đáp những thắc mắc thuộc lĩnh vực vật lý lượng tử. 

Vào thời điểm chính thức khởi động cỗ máy LHC, có nhiều giả thiết cho rằng cỗ máy sẽ tạo ra lỗ đen trên trái đất, lỗ đen tiêu diệt toàn bộ nền văn minh nhân loại và hệ mặt trời. Tại một số vùng ở Ấn Độ, thông tin này gây nên sự hoang mang, hoảng loạn, thậm chí, đã có trường hợp tự sát vì sợ ngày tận thế.

Đối phó với tình trạng trên, các nhà khoa học mở nhiều diễn đàn, tọa đàm, hội thảo để trấn an dư luận. Tuy nhiên, việc máy LHC gặp sự cố bất ngờ và mất nhiều thời gian để sửa chữa khiến việc bác bỏ tin đồn gặp khó khăn. Nếu cỗ máy hoạt động bình thường, rất có thể những lời đồn về sự hủy diệt không còn cơ hội tồn tại. Hiện những luận điệu xấu lại rình rập nhân dịp cỗ máy tái hoạt động.

Năm 2008, chưa đầy một tuần sau khi khởi động, cỗ máy trị giá gần 9,2 triệu USD gặp sự cố khiến mọi thí nghiệm bị đình lại. Tính đến tháng 10/2009, thời điểm mà các nhà khoa học tuyên bố sẽ tái khởi động LHC, việc sửa chữa kéo dài gần một năm.

Bình thản trước những tin đồn, Steve Myers, một chuyên gia làm việc tại nơi đặt máy LHC, giữa biên giới Pháp và Thụy Sỹ, nói về tiến độ của việc sửa chữa: "Nhiều hạng mục kiểm tra được hoàn thành cho thấy, các mối nối trong máy LHC ở trạng thái cho phép các nhà khoa học thực hiện công việc với nó".

Các nhà khoa học và chuyên viên kỹ thuật đang tiến hành kiểm tra hơn 10.000 mối nối trong đường hầm dài 27 km của cỗ máy. Ngoài sửa chữa, thời gian qua, các chuyên gia làm việc với máy LHC còn bổ sung thêm một số bộ phận cho máy như các van giảm áp, cải tiến công nghệ chân không..., nhằm đảm bảo cho cỗ máy không lặp lại những trục trặc như trước. Tổng tiền sửa chữa gấp ba lần chi phí chế tạo ra nó.

Theo Báo Đất Việt (Reuters)
  • 44
  • 9.461