Bức ảnh tuyệt đẹp chụp siêu tân tinh cách 500 triệu năm ánh sáng

  •  
  • 511

Kính viễn vọng của Đài thiên văn Nam Âu (ESO) chụp được bức ảnh tuyệt đẹp về SN 2021afdx, một siêu tân tinh loại II trong thiên hà Cartwheel.


Siêu tân tinh 2021afdx rực sáng ở rìa thiên hà Cartwheel. (Ảnh: ESO)

Nằm cách Trái đất khoảng 500 triệu năm ánh sáng trong chòm sao Ngọc Phu, Cartwheel từng là một thiên hà xoắn ốc thông thường, cho đến khi va chạm trực diện với một thiên hà khác nhỏ hơn cách đây vài triệu năm, khiến nó hợp nhất và trở thành thiên hà thấu kính có hình dạng giống như một bánh xe khổng lồ.

Hình dạng không phải điều thú vị duy nhất về Cartwheel. "Có một sự kiện đặc biệt đang diễn ra ở góc dưới bên trái trong hình ảnh cập nhật chụp bởi Kính viễn vọng Công nghệ Mới (NTT). Đó là một siêu tân tinh", ESO cho biết trong một báo cáo vào tuần trước.

Được đặt tên là SN 2021afdx, vụ nổ thảm khốc này được xếp vào nhóm siêu tân tinh loại II, xảy ra khi một ngôi sao lớn tiến đến giai đoạn cuối trong quá trình tiến hóa của nó.

Nhóm nghiên cứu đã so sánh ảnh chụp mới với dữ liệu cũ từ Kính viễn vọng Rất Lớn (VLT) và nhận thấy SN 2021afdx chưa xuất hiện trong quan sát vào tháng 8/2014, vì vậy đây là một sự kiện mới.


Thiên hà Cartwheel chụp bởi VLT vào năm 2014. (Ảnh: ESO)

Siêu tân tinh có thể khiến một ngôi sao tỏa sáng hơn toàn bộ thiên hà chủ và người quan sát có thể nhìn thấy nó trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Trên thang đo thiên văn, khoảng thời gian đó chỉ như "cái chớp mắt".

Những vụ nổ siêu tân tinh là một trong những lý do khiến các nhà thiên văn học nói rằng tất cả chúng ta đều được tạo ra từ bụi sao. "Chúng giải phóng vào không gian các nguyên tố nặng do ngôi sao tiền thân tổng hợp nên, góp phần tạo ra các ngôi sao mới, nơi có các hành tinh quay quanh và sự sống có thể tồn tại trên đó", ESO giải thích.

Việc phát hiện và nghiên cứu những sự kiện không thể đoán trước này đòi hỏi sự hợp tác quốc tế. SN2021afdx được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 11/2021 trong cuộc khảo sát của ATLAS và sau đó được theo dõi bởi ePESSTO+ (cuộc khảo sát quang phổ ESO công khai cho các đối tượng tạm thời). ePESSTO+ được thiết kế để nghiên cứu các vật thể chỉ xuất hiện trên bầu trời đêm trong khoảng thời gian ngắn, chẳng hạn như siêu tân tinh. Nó thực hiện điều đó bằng cách sử dụng các công cụ EFOSC2 và SOFI trên NTT, đặt tại Đài quan sát La Silla của ESO ở Chile.

Cập nhật: 17/03/2022 Theo VnExpress
  • 511