Hàng chục triệu tấn bụi từ châu Á bay qua đại dương hàng năm và gây ô nhiễm không khí ở Mỹ và Canada.
>>> Không khí Hà Nội "bẩn hạng nhất châu Á"
Một nghiên cứu của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), được công bố trên tạp chí Science, chứng minh khoảng một nửa các hạt bụi siêu nhỏ trong bầu khí quyển của khu vực Bắc Mỹ tới từ bên ngoài. Phần lớn lượng bụi đó có nguồn gốc từ tự nhiên, chứ không phải là sản phẩm của quá trình đốt than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác.
Bụi trong bầu không khí ở khu vực Bắc Mỹ trong một
bức ảnh do vệ tinh nhân tạo chụp. (Ảnh: wn.com)
Căn cứ vào dữ liệu của một vệ tinh theo dõi môi trường mang tên CALIPSO, các nhà khoa học của NASA tính toán rằng khoảng 64 triệu tấn bụi từ châu Á đã vượt qua đại dương và tới Bắc Mỹ hàng năm. Trong khi đó, tổng lượng bụi sinh ra từ các nhà máy, phương tiện giao thông và các quá trình tự nhiên vào khoảng 69 triệu tấn.
“Đánh giá lượng bụi trong bầu khí quyển là một giải pháp quan trọng để chúng ta hiểu rõ hơn cách thức di chuyển của bụi quanh hành tinh và tác động của chúng đối với biến đổi khí hậu cũng như chất lượng không khí”, AFP dẫn lời Hongbin Yu, một nhà nghiên cứu khí quyển của NASA.
Nhóm nghiên cứu khẳng định những nỗ lực giảm bụi trong khí quyển của Mỹ và Canada không đạt kết quả mong muốn do bụi có thể phát sinh bởi thời tiết khô, hạn hán và quá trình sa mạc hóa - những hậu quả của biến đổi khí hậu.
“Mọi quốc gia phải hợp tác với nhau để giảm lượng khí thải vào môi trường. Đó là cách duy nhất để giảm lượng bụi trong không không khí”, nhóm nghiên cứu khẳng định.
Bụi có thể gây nên tác động tiêu cực đối với môi trường do chúng chặn ánh sáng mặt trời, thay đổi cấu tạo của các đám mây, làm tăng tốc độ tan chảy của tuyết trên các núi. Ngày nay tuyết ở các dãy núi phía tây nước Mỹ đang tan chảy nhanh hơn so với trước kia. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, bụi từ châu Á khiến lượng ánh sáng mặt trời ở Bắc Mỹ giảm 1/3 mỗi năm.