Cá đuối gai độc

  •  
  • 3.313

Cá đuối biển có gai độc (tên khoa học: Dasyatis Violacea) là sinh vật năng động nhất trong họ nhà cá đuối gai độc. Chúng ta rất dễ nhận ra chúng khi loại cá đặc biệt này di chuyển: Chúng thường hay “bay” trong nước với những cái vây chuyển động giống như là đôi cánh, hoặc bơi nhanh gần đáy biển với hoạt động của vây chuyển động theo hình gợn sóng. Những lúc đó trông chúng như là những chiếc phi thuyền bay êm ái trong lòng đại dương.

Thêm một điều đáng chú ý nữa của “chiếc phi thuyền dưới biển” này: Khi “hạ cánh” lên bề mặt đáy biển cá đuối gai độc biết quạt cho cát phủ lên thân mình để… ngụy trang.

Vài nét bề ngoài: Thân mình dẹt, gần giống hình tam giác. Có một cái mõm tròn. Mắt nằm trên đỉnh đầu. Thân mình con đực trưởng thành dài khoảng 0,8m, cân nặng khoảng 20kg.

Thức ăn chính của cá đuối Dasyatis Violace là động vật thân mềm và cá nhỏ.

Sở dĩ có cái tên “cá đuối gai độc” vì chúng được thiên nhiên ban tặng cho một thứ vũ khí rất lợi hại – gai độc, để bù lại cho cái thân mình trông có vẻ nhu mì, ẻo lả, dễ bị làm hại. Những cái gai nguy hiểm đó chẳng khác nào những mũi dao có tẩm thuốc độc, có thể gây ra những vết thương nghiêm trọng, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Ở một số nơi, người ta dùng những cái gai độc này gắn lên trên đầu vũ khí.

Cái đuôi của cá đuối trông giống như cái roi. Đuôi dài gần gấp 3 lần chiều dài thân mình. Trên đuôi có 2 cái gai, gai có các cạnh lởm chởm như răng cưa, nối với các tuyến tiết chất độc. Cá đuối gai độc thường điều khiển điệu nghệ cái đuôi của mình để đâm “những mũi dao đáng sợ” đó vào kẻ thù.

Chuyện sinh nở của loài cá “nguy hiểm” này cũng rất lạ: Thay vì đẻ trứng ra ngoài môi trường nước như những loại cá khác, cá Dasyatis Violacea mái vẫn giữ một trứng trong người mình. Ở trong bụng mẹ, trứng phát triển cho đến khi sắp nở. Đến lúc đó, cá đuối mang chửa liền đẻ ra một con cá đuối non trông chẳng khác gì một bản sao thu nhỏ của cá đuối gai độc trưởng thành.

Dasyatis Violacea sống lang thang trong các vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới.

T.H
  • 3.313