Cá mặt trời

  •   4,33
  • 7.514

Cá mặt trời ở đại dương tên khoa học là Mola mola có nhiều đặc điểm kỳ lạ. Thân hình ngắn, trông gần giống với hình trái xoan hay hình tròn, nhìn từ xa trông giống cái đầu to, có những cái vây dài ngắn phía trên và phía dưới.

Cá mặt trời không có một cái đầu thực sự. Tuy to con nhưng miệng chúng lại rất nhỏ, mỗi hàm có hai răng dính nhau làm thành một cái mỏ. Với cái miệng đặc biệt như vậy nên chúng không thể nuốt mồi to mà chỉ chuyên ăn giáp xác nhỏ và các phiêu sinh vật khác.

Dù thân hình to lớn (con đực trưởng thành có chiều dài cơ thể trung bình khoảng 3,5m; cân nặng trung bình khoảng 1,7 tấn) nhưng với cấu trúc cơ thể cụt ngủn nên cá mặt trời bơi yếu ớt; hầu hết thời gian, chúng chỉ để cho cả khối thân mình đồ sộ trôi tự do theo các dòng nước. Những con trưởng thành thích trôi nghiêng một bên. Nhiều khi các dòng hải lưu đưa chúng từ vùng nhiệt đới sang hẳn vùng ôn đới.

Cá mặt trời xứng đáng là nhà vô địch trong thế giới đại dương về thành tích... đẻ trứng. Tuy thời gian mang thai chỉ kéo dài 3 tuần, nhưng cá mặt trời mái có thể đẻ mỗi lần đến 300.000.000 (ba trăm triệu trứng). Trứng cũng trôi lơ lửng theo các dòng hải lưu.

Hầu hết cuộc đời chúng sống cách xa đất liền. Cá mặt trời khi còn nhỏ cũng bơi bình thường như những loại cá khác, mãi cho đến khi trưởng thành, chúng mới bắt đầu "lười biếng" - chỉ thích trôi nghiêng theo các dòng hải lưu. Những con nhỏ thì tụ họp lại thành đàn. Nhưng khi đã to lớn, chúng chỉ thích sống một mình, trôi phiêu du đi khắp các đại dương bao la.

Chúng được đặt tên là "Cá mặt trời" bởi người ta tin rằng chúng "tắm nắng" trên mặt biển vì thường thấy chúng hay bơi ì ạch sát mặt nước.

Vây lưng và vây hậu môn đều dài, cao và nằm gần cuối thân mình; vây ức thì nhỏ và tròn, vây đuôi chỉ là một dải hẹp, ít có tác dụng bơi lội. Da dày, nhám và dai, bên trên thân mình có màu xám hay nâu, bên dưới có màu nhạt hơn.

H.T sưu tầm
  • 4,33
  • 7.514