Các chuyên gia kêu gọi Lào từ bỏ đập thủy điện

  •  
  • 631

Sau khi Ủy hội sông Mekong (MRC) quyết định bàn thảo thêm về đập thủy điện gây tranh cãi của Lào, các nhà khoa học, tổ chức môi trường các nước trong khu vực tiếp tục kêu gọi Lào ngừng dự án này.

Hôm 19/4, cuộc họp cấp chuyên viên của MRC chưa đưa ra được kết luận về việc có phê chuẩn dự án Xayaburi, đập thủy điện của Lào trên dòng chính của sông Mekong hay không. Dự án sẽ được đưa ra bàn bạc ở cấp bộ trưởng.

Thái Lan, Campuchia, Việt Nam cho rằng cần có nghiên cứu sâu hơn về tác động xuyên biên giới của dự án, cho rằng con đập này nếu được thực thi sẽ gây hại tới nguồn cung cấp thực phẩm, nước và phù sa ảnh hưởng đến hàng chục triệu người sống hai bên sông.


Vị trí các dự án đập thủy điện dự kiến trên dòng chính sông Mekong. Đồ họa:
Đào Trọng Tứ.

Bà Ame Trandem, tổ chức Mạng lưới Sông ngòi Quốc tế (IRN) nói: "Sông Mekong là nguồn tài nguyên vô giá mà chúng ta không được hoang phí. Những tác động xuyên biên giới do đập Xayaburi gây ra cần được đánh giá một cách thống nhất giữa các chính phủ và nhân dân trong khu vực".

"Từ các tác động xuyên biên giới của đập Xayaburi, chúng tôi kêu gọi hủy bỏ dự án này".

Tuy quá trình tham vấn 6 tháng chưa có kết quả, theo một phóng sự điều tra của Thái Lan thì phía Lào đã bắt tay xây dựng các điều kiện hạ tầng cho công trình thủy điện gây tranh cãi từ cách đây 5 tháng.

Bà Pianporn Deetes, cũng thuộc IRN phát biểu rằng các hoạt động xây dựng của Lào cần phải dừng lại ngay lập tức, nhân sự và máy móc cũng cần phải được rút khỏi khu vực.

Nói về quyết định hôm 19/4 của Ủy hội Mekong, Chhith Sam Ath, thành viên Diễn đàn các tổ chức phi chính phủ tại Campuchia, cho biết: “Việc trì hoãn xây đập Xayaburi là một ghi nhận sự tác động lâu dài của con đập tới những hệ sinh thái sông Mekong và hàng triệu người trong khu vực. Chúng tôi hy vọng Lào sẽ tôn trọng quyết định của MRC".

Bà Ngụy Thị Khanh từ Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước Việt Nam (WARECOD) phát biểu: “Chúng tôi trông đợi các chính phủ trong khu vực cần tìm hiểu thêm về con sông trước khi một quyết định vội vã được đưa ra và có thể đe dọa tới hệ sinh thái sông và sinh kế của hàng triệu người”.

Jirasak Inthayos từ huyện Chiang Khong, tỉnh Chiang Rai, người đã tham gia một cuộc biểu tình hôm 19/4 tại Bangkok, Thái Lan chống lại việc xây dựng đập Xayaburi nói: “Chúng tôi vui mừng là dự án Xayaburi đã tạm dừng, nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh vì dòng sông Mekong. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy chính phủ Thái Lan hủy bỏ thỏa thuận mua điện từ đập Xayaburi".

Tổ chức bảo tồn bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) ủng hộ quyết định trì hoãn xây đập trên dòng chính sông Mekong, trong đó có đập Xayaburi, trong vòng 10 năm nữa để đảm bảo rằng tất cả tác động của việc xây dựng và vận hành đập được đánh giá một cách toàn diện.

Bất kỳ một quyết định nào được đưa ra cũng sẽ ảnh hưởng tới nhiều thế hệ tiếp theo”, tiến sỹ Jian-hua Meng, chuyên gia Thủy điện Bền vững của WWF Quốc tế nhận định.

Theo ông Đào Trọng Tứ, nguyên phó tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam, kết quả của cuộc họp hôm 19/4 có thể nói là thành công cho các nước thuộc hạ lưu sông Mekong.

"Lào chủ yếu bán điện cho Thái Lan và Việt Nam. Do đó, nếu hai nước cùng hợp tác kiên quyết không mua điện thì họ sẽ phải cân nhắc lại, vì mục đích chính của việc xây đập là để xuất khẩu điện", ông Tứ nói.

Xayaburi là một trong 11 công trình thủy điện của nhiều nước dự kiến đặt tại hạ du dòng chính của sông Mekong. Công trình này nằm hoàn toàn trên lãnh thổ của Lào, cách đồng bằng sông Cửu Long gần 2000 km. Đập thủy điện dự kiến dài 810 m, cao 32 mét, công suất dự kiến 1.260 MW. Hầu hết sản lượng điện của dự án trị giá 3,5 tỷ USD này sẽ được bán cho Thái Lan.

Theo Vnexpress
  • 631