Các chuyên gia tại Đại học Hồng Kông đã phân lập thành công siêu biến chủng Omicron
Đây là nhóm nghiên cứu đầu tiên ở châu Á phân lập và nuôi cấy thành công biến thể Omicron. Chủng virus đã phân lập có thể được sử dụng để phát triển và sản xuất vaccine.
Hình ảnh miễn dịch huỳnh quang để phát hiện protein NP của virus biến thể, nhóm không bị nhiễm (trái) và nhóm bị nhiễm 48 giờ (giữa, phải). (Nguồn: Đại học Hong Kong).
Đại học Hồng Kông cho biết, nhóm nghiên cứu đã phân lập thành công chủng Omicron vào ngày 29/11, 4 ngày sau khi vùng lãnh thổ này ghi nhận 2 trường hợp nhập cảnh nhiễm Omicron và 5 ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận được báo cáo về biến thể này từ Nam Phi.
Hiện nhóm đang tiếp tục phân lập và nuôi cấy để thu được nhiều virus hơn nhằm sử dụng vào các thí nghiệm tiếp theo. Virus sau khi nuôi cấy sẽ được sử dụng vào các mô hình động vật để đánh giá khả năng lây truyền, thoát miễn dịch và khả năng gây bệnh. Nhóm cũng đang tích cực tìm kiếm các khả năng để hợp tác phát triển và bào chế virus bất hoạt toàn tế bào.
Giáo sư Viên Quốc Dũng thuộc Đại học Hồng Kông, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, đã ngay lập tức nhận thức được “mối đe dọa tiềm tàng mạnh mẽ của biến thể Omicron và việc phân lập chủng virus này là bước đầu tiên trong các nghiên cứu khẩn cấp tiếp theo”.
Được biết, Hồng Kông là một trong những vùng lãnh thổ đầu tiên trên thế giới ghi nhận các ca Covid-19 nhiễm Omicron, ngoài Nam Phi. Hiện đã có 3 trường hợp nhập cảnh vào Hồng Kông được xác nhận nhiễm biến thể này.
Chính quyền đặc khu đã quyết định thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao nhất, như siết chặt các yêu cầu đối với những người đến từ các khu vực nguy cơ cao, tăng cường xét nghiệm và giải trình tự gen, nhằm ngăn chặn virus đột biến xâm nhập vào cộng đồng.
Hiện nay, Hồng Kông đã ra lệnh dừng nhập cảnh với những người không phải là cư dân vùng lãnh thổ này đến từ các quốc gia ghi nhận những trường hợp nhiễm Omicron.