Các nhà khoa học tìm ra cách diệt ung thư trong vài giây

  •  
  • 1.306

Công nghệ mới giúp làm giảm thời gian xạ trị và mang lại hiệu quả cao so với phương pháp điều trị ung thư truyền thống.

Phòng thí nghiệm gia tốc Quốc gia Mỹ (SLAC) do Đại học Stanford điều hành đang phát triển loại công nghệ tăng tốc mới nhằm làm giảm tác dụng phụ của liệu pháp xạ trị ung thư, bằng cách rút ngắn thời gian các phiên chiếu xạ từ vài phút xuống còn vài giây.

Đại điện của SLAC cho biết họ nhận được kinh phí để triển khai 2 dự án nghiên cứu phương pháp điều trị các khối u là sử dụng tia X và sử dụng proton.

Ý tưởng đằng sau đó là để các tế bào ung thư biến mất nhanh đến nỗi các cơ quan và các mô khác không có thời gian di chuyển trong quá trình phơi nhiễm. Điều này làm giảm nguy cơ bức xạ tấn công và làm tổn thương các mô lành mạnh xung quanh các khối u, giúp cho liệu pháp bức xạ chính xác hơn.

Phương pháp mới có thể giúp các phiên trị xạ rút ngắn thời gian từ vài phút xuống còn vài giây.
Phương pháp mới có thể giúp các phiên trị xạ rút ngắn thời gian từ vài phút xuống còn vài giây.

“Sử dụng một tia sáng trong vòng chưa đến vài giây trong một buổi trị liệu sẽ là cách tối ưu để quản lý các chuyển động liên tục của các cơ quan và các mô. Đây là một tiến bộ lớn so với các phương pháp mà chúng ta đang áp dụng”, Billy Loo, phó giáo sư về ung thư bức xạ tại Trường Y khoa Stanford cho biết.

Ông Sami Tantawi, giáo sư vật lý làm việc tại SLAC cho biết, để cung cấp một bức xạ cường độ cao đủ hiệu quả, cấu trúc tăng tốc mới mà ông và các cộng sự nghiên cứu trong 2 dự án cần phải mạnh hơn hàng trăm lần công nghệ hiện nay. “Các khoản kinh phí tài trợ sẽ giúp chúng tôi xây dựng các cấu trúc này”, ông này nói thêm.

Dư án trên được gọi là PHASER. Trọng tâm của nó là phát triển một hệ thống phân phối đèn flash cho tia X.

Trong các thiết bị y tế sử dụng hiện nay, các electron sẽ bay qua một cấu trúc tăng tốc có cấu tạo giống như một đoạn ống dài 1 m, thu năng lượng từ một trường tần số vô tuyến đi qua ống trong cùng một thời điểm và theo cùng một hướng. Năng lượng của các electron sau đó được chuyển thành tia X.

Trong vài năm trở lại đây, nhóm nghiên cứu PHASER đã phát triển và thử nghiệm các cấu trúc tăng tốc mới để đưa các trường tần số vô tuyến vào trong ống.

“Tiếp theo, chúng tôi sẽ xây dựng cấu trúc tăng tốc và kiểm tra các rủi ro của công nghệ. Trong vòng 3 tới 5 năm tới, nghiên cứu này có thể cho ra một thiết bị thực tế đầu tiên có thể sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng”, ông Tantawi nói.

Với phương pháp điều trị mới, các phiên trị xạ sẽ kéo dài từ hai đến ba phiên trước khi bệnh nhân được chuyển sang chế độ phục hồi.

Cập nhật: 06/12/2018 Theo VTC
  • 1.306