Ngày 27/9, phi hành gia người Mỹ Frank Rubio và hai phi hành gia người Nga đã bắt đầu hành trình từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trở lại Trái đất, chậm hơn 6 tháng so với kế hoạch.
Nhà du hành Frank Rubio của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) lên tàu vũ trụ Soyuz MS-22 tại sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan, ngày 21/9/2022. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN).
Tập đoàn vũ trụ của Nga Roscosmos cho biết tàu Soyuz MS-23 đã rời ISS sớm hơn 1 phút so với dự kiến và bay vòng quanh quỹ đạo Trái đất, sau đó lao xuống bầu khí quyển lúc 10h55 GMT ngày 27/9 (tức 17h55 giờ Hà Nội). Ngay sau khi đi vào bầu khí quyển, tàu sẽ bung dù và hạ cánh xuống vùng thảo nguyên của Kazakhstan lúc 11h17 GMT (tức 18h17 theo giờ Hà Nội).
Trên tàu có phi hành gia người Mỹ Rubio, 47 tuổi, cùng 2 phi hành gia người Nga là Sergey Prokopyev, 48 tuổi, và Dmitry Petelin, 40 tuổi. Chuyến bay trở về Trái đất của họ đã chậm 6 tháng vì tàu vũ trụ dự kiến ban đầu trục trặc kỹ thuật và một tàu khác thay thế được cử lên ISS. Tình huống này đã tạo cơ hội cho 3 phi hành gia nói trên một sứ mệnh kéo dài bất ngờ, lên tới 371 ngày trên quỹ đạo.
Vào ngày 11/9, phi hành gia Rubio đã vượt qua kỷ lục trước đó - 355 ngày liên tục trên vũ trụ - của người đồng nghiệp và đồng hương hiện đã nghỉ hưu, ông Mark Vande Hei. Rubio cũng trở thành người Mỹ đầu tiên dành trọn 1 năm trên không gian. Đáng chú ý đây cũng là chuyến thám hiểm vũ trụ đầu tiên của phi hành gia này.
Dù nhà du hành vũ trụ Rubio đã phá kỷ lục của các phi hành gia Mỹ, nhưng ông và các đồng nghiệp người Nga vẫn còn cách xa kỷ lục của phi hành gia Nga Valeri Polykov với 437 ngày và 18 giờ liên tục trong sứ mệnh trên trạm vũ trụ Mir từ tháng 1/1994 đến tháng 3/1995. Nhà du hành vũ trụ Polykov đã qua đời vào tháng 9/2022 ở tuổi 80.