Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng như hiện nay ở các thành phố châu Á chủ yếu là do lượng xe máy gia tăng nhanh chóng.
Theo nghiên cứu "Ô nhiễm không khí đô thị ở các thành phố châu Á" do Liên Hiệp Quốc thực hiện, các nhà khoa học cảnh báo rằng tình trạng ô nhiễm không khí đang đe dọa tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân châu Á.
Trẻ em Indonesia làm việc trên một bãi rác (Ảnh: RRIndonesia) |
Qua khảo sát, các nhà khoa học phát hiện thấy rằng nồng độ tập trung chất PM10 (có hại cho sức khỏe và cuộc sống của con người) sản sinh từ khói xe máy trong không khí ở một số thành phố như Bắc Kinh và Thượng Hải (Trung Quốc), Jakarta (Indonesia) hay New Delhi (Ấn Độ) đã lên tới mức báo động.
Theo tác giả công trình nghiên cứu Dieter Schwela, nồng độ tập trung chất PM10 ở các thành phố châu Á cao hơn nhiều so với châu Âu và Mỹ. Do vậy, 22 nước châu Á là đối tượng nghiên cứu cần có biện pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí do chất PM10.
Trong ngày 13-12, Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ nhất của khu vực châu Á - Thái Bình dương bàn về vấn đề nhà ở và định cư con người do Chính phủ Ấn Độ và LHQ đồng bảo trợ đã khai mạc ở thủ đô New Delhi với lời kêu gọi giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường và nghèo đói ở các khu đô thị.
Giám đốc điều hành Chương trình Định cư con người của LHQ Anna Tibaijuka cho rằng châu Á - Thái Bình dương là khu vực đông dân cư nhất thế giới và được coi là động lực kinh tế của toàn cầu trong tương lai. Chính vì vậy, khu vực này cần thống nhất về tầm nhìn chung trong nỗ lực phát triển bền vững các thành phố như LHQ kêu gọi.
S.N.