Chính não bộ và khả năng suy nghĩ vô thức đã khiến ý tưởng của bạn luôn "chết yểu" trước khi bước tới thành công.
Hẳn ai trong chúng ta cũng luôn mong muốn những ý tưởng sáng tạo, sản phẩm của mình sẽ đạt được thành công. Tuy nhiên, thực tế lại "không như là mơ". Theo ước tính, có khoảng 75% ý tưởng khởi đầu đã gặp thất bại và có đến 90% ý tưởng thất bại "toàn diện" sau khi thực thi.
Vậy điều gì khiến cho một lượng lớn các ý tưởng đều bị "chết yểu"? Các nhà khoa học đã nghiên cứu và tìm ra lời giải cho vấn đề này, nó nằm ở não bộ - chính xác hơn là khả năng suy nghĩ vô thức của chúng ta.
Sau khi tiến hành một nghiên cứu với 8.000 người, các khoa học gia nhận thấy, con người ta có xu hướng tìm kiếm các kết luận mà họ đã tin sẵn nhiều gấp 2 lần thông thường.
Đây được gọi là hiện tượng “kết luận thiên vị”. Một nghiên cứu khác cũng được tiến hành tại bang Ohio (Mỹ) cũng cho kết quả tương tự, hơn 36% số người tham gia cuộc thử nghiệm tìm kiếm các thông tin phù hợp với quan điểm cá nhân, thay vì các thông tin trái ngược và mang tính khách quan hơn.
Các chuyên gia lý giải rằng, khi đưa ra các ý tưởng và xây dựng nó, nếu chỉ tự “bao bọc” bản thân và suy nghĩ bằng những thông tin chủ quan, bạn sẽ khó có thể tiếp thu các ý kiến trái ngược. Điều này dẫn đến việc không thể tự nhận ra tính thiết thực và tiềm năng của ý tưởng, từ đó khiến khả năng thành công bị giảm đi trông thấy.
Nghiên cứu sâu hơn, các chuyên gia nhận thấy những người có quan điểm này thường sở hữu bộ não với phần hạch hạnh - trung khu gắn liền với việc kiểm soát các trạng thái cảm xúc và sự lo lắng lớn hơn. Tuy nhiên, vành não trước của họ - khu vực gắn liền với sự dũng cảm và lạc quan - lại nhỏ hơn.
Khi tung một đồng xu, giả sử như 10 lần liên tiếp đều ra mặt sấp thì lần thứ 11 liệu bạn có kỳ vọng kết quả ra mặt ngửa? Hay khi mua xổ số, liệu cứ tiếp tục mua thì bạn có thể trúng ít nhất một lần? Nếu câu trả lời là có thì bạn đã sai lầm hoàn toàn, vì đối với đồng xu, tỉ lệ ở bất kì lần gieo nào cũng chỉ là 50%, còn đối với xổ số thì nhỏ hơn rất rất nhiều.
Ngay cả đối với các ý tưởng khởi đầu, chúng ta luôn chịu ảnh hưởng từ thông tin trong quá khứ hình thành nên kỳ vọng tương lai. Trước khi đưa ra quyết định, vùng liên hợp khứu hải mã trước của não bộ sẽ chịu trách nhiệm khơi gợi lại kỷ niệm từ trong quá khứ. Vùng não này còn làm nhiệm vụ thu thập và lắp ráp các tín hiệu về một thông tin lâu ngày từ các phần khác nhau của não bộ, khiến bạn đưa ra dự đoán của mình.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tính toán rằng, với mỗi ý tưởng lớn, khả năng thành công ở lần đầu tiên chỉ là 18% và chỉ tăng lên 20% đối với những người đã từng thất bại trong quá khứ. Và để có được sự thành công, bạn cần phải có khá nhiều phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Bạn có thể dành hàng giờ chơi game, ngủ nướng, xem TV… thay vì làm việc, tuy nhiên nếu thời gian lãng phí hàng ngày được cộng dồn, bạn sẽ thấy năng suất làm việc bị giảm đi trông thấy, khiến khả năng thành công theo đó tụt xuống con số 0.
Theo một thí nghiệm của giáo sư tâm lý Joseph Ferrari thuộc ĐH DePaul (Mỹ), khoảng 20% số người tham gia có thể mắc chứng “trì hoãn mãn tính”. Với mức độ stress tăng dần, độ trễ nải công việc càng trở nên đáng báo động. Ngoài ra, điều này thực sự nguy hại vì đó là thói quen vô cùng khó bỏ.
Hai nhà nghiên cứu người Mỹ - Dan Arielyvà Klaus Wertenbroch đã đưa ra một vài cách để khắc phục tình trạng này. Đó là bạn tự đặt ra “deadline” (kỳ hạn) cho chính bản thân, điều này phần nào giúp bạn làm giảm tính trì trệ trong não bộ. Sự tập trung cao độ để chạy kịp "deadline" sẽ khiến não phải hoạt động nhiều hơn.
Ngoài ra, giáo sư Tim Pychyl thuộc ĐH Carleton (Canada) cho biết, chính tính vị tha, độ lượng với lỗi lầm trong quá khứ và hướng về tương lai cũng có thể khắc phục được điều này. Theo nghiên cứu mới đây của ông, những sinh viên tha thứ cho những lần trì trệ trong quá khứ đã có kết quả tốt hơn ở bài kiểm tra tiếp theo.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, não bộ của mỗi người đều có xu hướng so sánh bản thân với những người xung quanh và tự định giá thông qua sự so sánh đó. Tuy nhiên, sự so sánh với những đối thủ quá mạnh và từng trải có thể làm giảm “nhuệ khí” của bản thân lẫn những người xung quanh. Điều này thậm chí gây hệ lụy cho những ý tưởng sau này.
Các nhà khoa học phát hiện ra, khi tương tác với thế giới bên ngoài và "ngầm" so sánh mình với người xung quanh, phần vỏ não trước trán (medial prefrontal cortex) và vùng ghi nhớ như đồi hải mã (hippocampus) sẽ hoạt động mạnh. Ở mức độ vừa phải, nó sẽ giúp bạn nhận ra được những điểm mạnh của "đối thủ" và học hỏi, tuy nhiên nếu sự so sánh này lặp đi lặp lại sẽ khiến bạn trở nên tự ti và ngày một thụt lùi.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc so bì với các đối thủ không phải là xấu nhưng đừng quá phụ thuộc vào nó. Khi so sánh, thay vì tự định giá bản thân, hãy tìm cách khắc phục những gì còn thiếu và đưa ra những ý tưởng độc đáo, nhằm nâng cao khả năng thành công của mình.