Điều kỳ lạ ở đất nước giao thông an toàn nhất thế giới

  •   55
  • 8.609

Tại Hà Lan và các thành phố lớn như Amsterdam và The Hague, số lượng xe đạp thậm chí còn nhiều hơn số người dân cư trú ở đây và có tới 70% nhu cầu đi lại sử dụng phương tiện giao thông này. Vậy điều gì đã khiến mọi người quay lại với xe đạp?

Trước Thế chiến thứ 2, việc đi lại ở Hà Lan đều chủ yếu là nhờ xe đạp. Nhưng đến những năm 1950 và 1960, khi số lượng chủ sở hữu xe hơi tăng vọt, điều này đã thay đổi. Cũng như nhiều quốc gia khác tại Châu Âu, những con đường ngày càng trở nên tắc nghẽn và những người đi xe đạp bị ép sát vào lề đường.

Người dân Hà Lan rất thích đi xe đạp.
Người dân Hà Lan rất thích đi xe đạp.

Số lượng xe hơi tăng mạnh cũng là nguyên nhân gây ra sự gia tăng lớn về số lượng các ca tử vong vì tai nạn giao thông. Chỉ tính riêng trong năm 1971, hơn 3.000 người bị chết vì tai nạn xe hơi, và 450 nạn nhân trong đó là trẻ em.

Trước tình hình này, một phong trào xã hội đòi hỏi có được những điều kiện đi xe đạp an toàn hơn cho trẻ em đã được hình thành. Phong trào có tên "Stop de Kindermoord" (Hãy ngừng sát hại trẻ em) được lấy từ tiêu đề một bài viết của nhà báo Vic Langenhoff, người có con đã bị chết bởi tai nạn giao thông.

Ngoài ra, niềm tin của người Hà Lan đối với sự chắc chắn và bền vững của xe cơ giới cũng bị lung lay sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ ở Trung Đông năm 1973, khi các nước sản xuất dầu ngừng xuất khẩu sang Mỹ và Châu Âu.

Hai áp lực trên đã góp phần thuyết phục chính phủ Hà Lan đầu tư vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng cho xe đạp và các nhà quy hoạch đô thị tại Hà Lan bắt đầu chuyển hướng khỏi các chính sách xây dựng đường bộ tập trung cho xe hơi được tiến hành trong suốt quá trình đô thị hóa.

Phong trào "Stop de Kindermoord".
Phong trào "Stop de Kindermoord".

Đường tới vinh quang

Để giúp việc đi xe đạp được an toàn hơn cũng như thu hút thêm nhiều người Hà Lan tham gia xây dựng mạng lưới rộng lớn các con đường đi xe đạp. Có những dấu ấn rất rõ ràng, những mặt đường trơn nhẵn, các tín hiệu và đèn giao thông riêng biệt dành riêng cho loại xe hai bánh và đường đủ rộng để có thể đi xe ngang hàng nhau trong khi xe khác vẫn có thể vượt lên.

Tại nhiều thành phố các con đường cho xe đạp hoàn toàn tách biệt với giao thông cơ giới. Đôi khi, ở những nơi có không gian chật hẹp và cả hai hệ thống xe phải đi chung một con đường, bạn có thể thấy các biển báo thể hiện hình ảnh của người đi xe đạp với xe ô tô ở phía sau kèm theo dòng chữ "Phố xe đạp: Xe hơi chỉ là khách".

Tấm biển báo có nghĩa: "Phố xe đạp: xe hơi chỉ là khách".
Tấm biển báo có nghĩa: "Phố xe đạp: xe hơi chỉ là khách".

Cũng như vậy, tại các vòng xuyến, những người đi xe đạp luôn được ưu tiên.

Bạn có thể lái xe đạp quanh giao lộ vòng xuyến trong khi những chiếc xe hơi (thường xuyên) phải kiên nhẫn chờ để bạn đi qua. Ý tưởng "xe đạp luôn đúng" là một khái niệm xa lạ đối với khách du lịch bằng xe đạp và ban đầu nhiều người thường cảm thấy khá khó khăn để định hướng các tuyến đường và các giao lộ.

Tại các giao lộ vòng xuyến, xe đạp có đường riêng và thường được quyền ưu tiên hơn các loại phương tiện khác.
Tại các giao lộ vòng xuyến, xe đạp có đường riêng và thường được quyền ưu tiên hơn các loại phương tiện khác.

Nền tảng xã hội vào hệ thống giáo dục

Thậm chí ngay từ trước khi biết đi, những đứa trẻ Hà Lan đã sống trong một thế giới của xe đạp. Những em bé và trẻ mới tập đi thường được ngồi trong những chiếc ghế đặc biệt trên "bakfiets" - những chiếc xe đạp 3 bánh. Những chiếc ghế này thường được trang bị mái che để bảo vệ trẻ và một vài phụ huynh thậm chí còn chi một khoảng không nhỏ để nâng cấp các trang thiết bị của mình.

Các em bé được ngồi trong những chiếc ghế đặc biệt trên xe đạp 3 bánh.
Các em bé được ngồi trong những chiếc ghế đặc biệt trên xe đạp 3 bánh.

Khi trẻ lớn hơn, chúng sẽ tự mình đi xe đạp. Điều này khá là dễ dàng và an toàn bởi những làn đường xe đạp đủ rộng để trẻ có thể đạp xe với người lớn đi bên cạnh. Và bởi những người chưa đủ 18 tuổi sẽ không được phép lái xe nếu không có người giám sát nên xe đạp chính là sự lựa chọn cho sự tự do đi lại của giới trẻ Hà Lan.

Nhà nước cũng đóng vai trò trong việc giáo dục với các bài giảng dạy đi xe đạp thành thạo, một phần bắt buộc trong chương trình học tại các trường ở Hà Lan. Mọi trường đều có bãi giữ xe đạp và tại một số trường còn có tới 90% học sinh đi học bằng xe đạp.

Đằng sau những bãi gửi xe đạp

Tại trường đại học thành phố Groningen, nhà ga trung tâm có bãi để xe đạp dưới lòng đất đủ sức chứa 10.000 chiếc xe. Những người đi xe đạp cũng có chỗ để xe tiện nghi tương tự như những người đi xe máy ở những nơi khác, với các cổng điện tử tại mỗi cửa ra vào cho biết số lượng chỗ để xe còn trống trong bãi.

Các bãi đậu xe đạp rất phổ biến tại Hà Lan – bên ngoài các trường học, các cao ốc văn phòng và các cửa hiệu. Tuy nhiên người đi xe chỉ được để xe của mình tại những điểm được chỉ định. Những xe để sai chỗ sẽ bị chuyển đi và tịch thu và chủ xe phải nộp phạt khoảng hơn 25 euro để mang xe về.

Tại khu cư trú, kể cả những người sống trong các căn hộ không có nhà để xe đều được phép để xe đạp của mình trên hành lang đi lại.

Bãi để xe đạp kiểu Amsterdam.
Bãi để xe đạp kiểu Amsterdam.

Vào thế kỷ 16, những ngôi nhà ở Amsterdam đều bị tính thuế theo chiều rộng của nhà. Những người dân phản đối cách tính này bằng cách xây nhà cao tầng và thu hẹp nhà của mình lại. Vì vậy các hành lang luôn chật kín những chiếc xe đạp, nhưng vì có quá nhiều người đi xe đạp nên không ai thực sự bận tâm đến điều này, và họ đơn giản là trèo qua chúng.

Xe đạp – biểu tượng của tình yêu bền vững

Tại Hà Lan việc đi xe đạp phổ biến tới mức những người dân nơi đây không thích khi bị gọi là những người đi xe đạp – "Chúng tôi không phải là những người đi xe đạp, chúng tôi là người Hà Lan".

Xe đạp là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, chứ không phải là một phụ kiện của chuyên gia hay biểu tượng cho lối sống của một nhóm thiểu số, vì vậy người Hà Lan không mấy quan tâm đến những mẫu mã xe đạp mới nhất hay có những tiện ích công nghệ cao nào.

Họ coi xe đạp là người bạn đồng hành đáng tin cậy trong chuyến phiêu lưu của cuộc đời. Và trong mối quan hệ như vậy, tuổi thọ là vấn đề được quan tâm hàng đầu – càng già càng tốt. Vì vậy cũng không phải là hiếm khi bạn nghe thấy âm thanh của bộ phận chắn bùn cọ vào bánh xe của chiếc xe đạp đi ngay phía sau mình. Đó không phải là sự nghèo nàn mà những chiếc xe đạp cũ có ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn bởi nó là minh chứng cho một tình yêu lâu dài và bền vững.

Xe đạp 3 bánh chở đồ.
Xe đạp 3 bánh chở đồ.

Đạp xe không mồ hôi

Địa hình ở Hà Lan nổi tiếng là bằng phẳng với nhiều khu vực đông dân cư. Điều này có nghĩa là hầu hết các chuyến đi đều tốn ít thời gian và không quá vất vả.

Người Hà Lan thường thích đi xe đạp đi làm, tới các cửa hàng hay quán rượu trong bất cứ loại trang phục nào mà họ cho rằng nó phù hợp với điểm đến. Tất nhiên những con đường ở đây cho phép người ta có thể thong thả đạp xe trong những bộ trang phục mùa hè mát mẻ. Phần nào cũng bởi vì điều này mà mọi người không cần phải tắm lại tại công ty mỗi khi đi làm bằng xe đạp – đó là kinh nghiệm đạp xe không mồ hôi.

Người Hà Lan cũng không cần đội mũ bảo hiểm bởi họ được bảo vệ bởi những điều luật ưu tiên cho xe đạp trên đường cũng như hạ tầng đường bộ được thiết kế để dành cho người đi xe đạp. Nếu bạn thấy ai đó đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp tại Hà Lan, nhiều khả năng đó là khách du lịch hoặc một người đạp xe chuyên nghiệp.

Quyền lợi và trách nhiệm

Thực tế là tất cả mọi người đều đi xe đạp, hoặc quen biết ai đó đi xe đạp nên điều này đồng nghĩa với việc các lái xe đều cảm thông hơn cho những người đi xe đạp khi họ cùng nhau tham gia giao thông.

Ngược lại, những người đi xe đạp cũng cần phải tôn trọng và tuân thủ luật giao thông. Bạn sẽ bị phạt nếu lái xe bất cẩn, để xe sai vị trí, hay vượt đèn đỏ. Bạn sẽ bị cảnh sát (cũng thường đi xe đạp) phạt 60 euro nếu không bật đèn xe vào buổi tối và bạn thậm chí sẽ phải nộp phạt nhiều hơn nếu thiếu các đồ phản quang gắn trên xe đạp – thường là khá nhiều theo quy định của Hà Lan.

Tất nhiên các vụ tai nạn vẫn xảy ra nhưng trong trường hợp vụ việc liên quan đến người đi xe đạp, công ty bảo hiểm sẽ tham chiếu Điều 185 trong Bộ luật An toàn Đường bộ Hà Lan, quy định về cái gọi là "trách nhiệm tuyệt đối", nghĩa là tài xế thường sẽ phải chịu ít nhất 50% các phí tổn đối với người đi xe đạp và xe của họ.

Khi tham gia giao thông, những người đi xe đạp Hà Lan cảm thấy mình là người có quyền lực và luôn được bảo vệ. Điều này khiến toàn bộ trải nghiệm với xe đạp trở nên thú vị hơn rất nhiều. Tuy không tránh khỏi một vài vấn đề nguy hiểm trên đường nhưng hiếm khi liên quan đến những chiếc xe chở hàng cồng kềnh, những giao lộ bất tiện hay những tài xế nguy hiểm.

Cập nhật: 11/03/2016 Theo vntinhanh
  • 55
  • 8.609