Các “trận chiến công nghệ” lớn của năm 2005

  •  
  • 67

Trong năm 2005 xảy ra rất nhiều cuộc đấu đầy kịch tính giữa các đại gia trong lĩnh vực CNTT trên thế giới. Những trận chiến này thể hiện sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực được xem là thời thượng nhất hiện nay.

Microsoft trong xu thế mới

Đầu tiên có thể kể đến là là “cuộc chiến” giữa một bên là Microsoft và một vài đối thủ đáng gờm trong đó có Yahoo, Skype, Google…Có thể nói đây là một sự kiện nổi bật của năm khi nhà khổng lồ e ngại về Google trước những bước tiến của hãng này về các dịch vụ qua mạng, nhất là các phần mềm được bán trực tiếp qua mạng.

Ngài Bill Gates xem Google như “mối đe dọa đầy tiềm năng” đối với Microsoft. Trước đó, Microsoft cũng đã đâm đơn kiện Google khi hãng này thuê một nhân viên, vốn trước kia làm việc cho Microsoft, để hoạch định các hoạt động của mình ở Trung Quốc. Cỗ máy tìm kiếm của Google được gần 1/2 dân số Internet sử dụng, các dịch vụ của họ cũng đã có mặt trên rất nhiều máy PC, và sắp tới đây có thể là phần mềm Google, máy Google PC.

Thương hiệu Google ngày càng quen thuộc với người dùng Internet không thua gì Windows hay Microsoft. Cuộc chiến này thể hiện một xu thế mới của công nghệ thông tin toàn cầu khi người dùng yêu cầu những công cụ làm việc thân thiện hơn trong môi trường cộng tác. Sản phẩm mang tính chiến lược sắp tới của Microsoft chính là Windows Vista.

Oracle và SAP

Cũng góp mặt vào các tít báo, nhà khổng lồ Oracle trong cuộc chiến với SAP, công ty bán phần mềm phục vụ doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Oracle đã mua Siebel trong 1 hợp đồng trị giá 5,8 tỉ USD. Sự “thôn tính” Siebel, một công ty phần mềm CRM (Customer Relationship Managerment), đã đem lại cho Oracle thêm 4.000 khách hàng và 3,4 triệu người dùng CRM, thêm sức mạnh cho Oracle trong cuộc cạnh tranh với SAP.

Gần đây nhất, Oracle đã có một chiến lược giành thêm khách hàng khi hạ giá và hỗ trợ cho các máy tính sử dụng bộ vi xử lý hai nhân, vốn là xu thế của máy tính và máy chủ trong năm tới...

AMD và Intel: cuộc chiến về công nghệ sản xuất vi xử lý

Cuộc chiến này vẫn đang tiếp diễn, vô cùng thầm lặng nhưng cũng cực kỳ ồn ào. Một bước ngoặc quan trọng diễn ra vào tháng 6 khi AMD đâm đơn kiện Intel về tội độc quyền. Vụ kiện cáo này diễn ra trên rất nhiều nước và vẫn đang tiếp tục, gần đây nhất là tại Nhật Bản. AMD đã đưa ra những lý chứng cho thấy Intel đã sử dụng những biện pháp ”mạnh” để loại AMD ra khỏi đấu trường một cách không hợp pháp nhằm giữ thế độc quyền về giá, nhất là trong lĩnh vực sản xuất bộ vi xử lý. Intel chối bỏ những cáo buộc của AMD.

Trong công nghệ, bộ vi xử lý của AMD hiện nay được đánh giá là chiếm ưu thế hơn về tốc độ và giá cả. AMD đang từng bước giành những thị phần từ Intel. Rất nhiều hãng máy tính trước kia ngoảnh mặt với AMD giờ đã nồng nhiệt đón họ quay lại, có thể kể đến như HP, IBM... Vị thế của AMD trên thị trường ngày càng vững chắc hơn... Trong khi đó, Intel trông đợi nhiều vào dòng vi xử lý Yonah trong năm mới và coi như năm 2005 là một sự sút giảm không đáng kể... Thực chất đây là cuộc cạnh tranh về công nghệ sản xuất bộ vi xử lý.

Mặt trận khác

Gây rất nhiều sự chú ý, đó là một trận đấu trên "giấy tờ", giữa HP và SUN. HP cho rằng họ đã thu hút được rất nhiều khách hàng của SUN chuyển sang dùng máy chủ HP ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Trên mặt trận thông tin liên lạc, người khổng lồ trong ngành điện thoại di động (ĐTDĐ) của Phần Lan là Nokia đã mua IntelliSync (nhà phát triển công nghệ thư điện tử và tin nhắn vô tuyến) với giá 340 triệu USD, nhằm cạnh tranh với Research in Motion (RIM) trong lĩnh vực ĐTDĐ.

Những trận chiến vẫn đang tiếp diễn. Cán cân dù nghiêng về bên nào cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xã hội bởi vì họ là những nhà khổng lồ nắm giữ phương tiện vận động của xã hội loài người hiện tại.

Theo Tuổi Trẻ
  • 67