Trên thế giới ngày càng có nhiều trẻ gặp phải các vấn đề về hô hấp như ho, khó thở và hen suyễn. Mặc dù nguyên nhân khách quan chủ yếu của những bệnh này đã được xác định từ lâu (khí thải từ công nghiệp & từ các phương tiện giao thông), nhưng trước đây vẫn chưa có phương pháp phân biệt rõ ràng giữa tác động từ hai yếu tố này để từ đó có những biện pháp ngăn chặn cụ thể.
Các nhà khoa học thuộc trung tâm nghiên cứu môi trường Helmholtz (UFZ) và đại học Leipzig đã tiến hành một nghiên cứu cùng các đồng nghiệp đến từ đại học La Plata. Giờ đây, họ có thể xác nhận rằng ô nhiễm không khí từ các nhà máy công nghiệp có tác động nguy hiểm hơn chất thải từ các phương tiện giao thông.
Khảo sát mới đây về “Tác động gộp của chất khí ô nhiễm với vai trò là một yếu tố rủi ro trong các bệnh liên quan tới môi trường" đã được tiến hành trong khuôn khổ hợp tác giữa trung tâm Nghiên cứu Môi trường Helmholtz (UFZ), trường đại học Leipzig và đại học La Plata tại Achentina, với sự hỗ trợ của văn phòng quốc tế bộ Giáo dục & Nghiên cứu cộng hòa liên bang Đức. Các kết quả đã được công bố trên một vài mặt báo, trong đó có tờ Journal of Allergy and Clinical Immunology and Toxicology.
Các nhà nghiên cứu thuộc trung tâm UFZ tập trung vào ba vấn đề phân tích chủ yếu: “Trước hết, chúng tôi sử dụng các kĩ thuật đo đạc để rút ra những kết luận chính xác về mức độ ô nhiễm thực tế trong không khí con người hít thở. Chúng tôi lọc ra những vật chất dạng hạt có kích thước khác nhau, các hợp chất thơm đa vòng, ví dụ như benzo pyren, bám chặt vào những hạt này, và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi ví dụ như benzen và hexan. Thứ hai, chúng tôi kiểm tra mức độ độc tính cũng như tính chất biến đổi của các chất trên. Chúng tôi lựa chọn bốn khu vực để so sánh: một khu dân cư nằm trong vùng phụ cận giáp ranh với nhà máy lọc dầu lớn nhất Achentina, một khu vực có mật độ giao thông cao ở trung tâm La Plata, một khu ngoại ô và một khu nông thôn.”
Có khoảng 1200 bé cả trai và gái ở độ tuổi từ 6 tới 12 tham gia vào nghiên cứu trong hai năm liền. Bố mẹ của trẻ sẽ điền vào một bảng câu hỏi các thông tin liên quan tới biểu hiện sức khỏe của các em, ví dụ như ho, thở khò khè, viêm phổi và hen suyễn. Một số trẻ đến từ một trong bốn khu vực khảo sát kể trên cũng được đề nghị tham gia vào cuộc kiểm tra hoạt động của phổi tiến hành bởi bác sĩ nhi khoa địa phương tham gia vào dự án. Trong suốt cuộc kiểm tra, trẻ được yêu cầu thở vào các thiết bị đo – ban đầu thở nhanh và sau đó chậm lại. Điều này giúp kiểm tra được chính xác ống cuống phổi hẹp và bị hạn chế hoạt động tới mức nào.
Ô nhiễm không khí ở thành phố Santiago, thủ đô của Chile. Các nhà khoa học giờ đây có thể xác nhận rằng ô nhiễm không khí từ các nhà máy công nghiệp có tác động nguy hiểm hơn chất thải từ phương tiện giao thông. (Ảnh: André Künzelmann/UFZ) |
Khi những phép đo này được phân tích cụ thể tại trường đại học La Plata cuối năm 2006, hàng ngàn mẩu dữ liệu được xử lí và ghép nối lại với nhau. Có thể rút ra một số kết luận đáng lưu ý từ những cột số liệu và các biểu bảng. Ví dụ, các biểu hiện bệnh đường hô hấp khác nhau gây ảnh hưởng cho ¼ tới 1/3 trẻ ở các khu công nghiệp trong khảo sát. Ở vùng ngoại ô và vùng nông thôn, số trẻ chịu ảnh hưởng chỉ bằng một nửa con số trên. Ngay cả ở trung tâm thành phố tỉ lệ trẻ có vấn đề về hô hấp cũng chỉ lớn hơn 1% - 2% so với vùng không bị ô nhiễm. Hoạt động của phổi ở trẻ thuộc khu công nghiệp bị sút kém một cách đáng kể. Đây là kết quả tương phản rõ rệt mà bản thân các nhà khoa học cũng không ngờ tới trước khi tiến hành nghiên cứu.
Thủ phạm chính cho các vấn đề hô hấp ở trẻ em đã được chỉ ra. “Với việc sử dụng các kĩ thuật thống kê mới, chúng tôi đã xác định được tác động lớn của ô nhiễm khí thải công nghiệp ở tất cả các khu vực khảo sát,” tiến sĩ Uwe Schlink, nhà khí tượng học thuộc đại học Leipzig giải thích. “Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm cũng thay đổi theo mùa, khoảng cách và điều kiện thời tiết. Với mật độ trung bình hàng năm 20 microgam benzen trong mỗi m3 không khí đo được tại khu vực công nghiệp La Plata, nhưng chỉ 2,9 microgam ở các nút giao thông trong thành phố và 1,9 ở khu nông thôn, nguy cơ chất thải công nghiệp gây hại cho sức khỏe còn người là quá rõ ràng.”
Tuy nhiên, nghiên cứu không chỉ dừng lại ở việc kết luận chất thải nào là nguồn hại chính cho sức khỏe. Nhóm nhà khoa học thuộc đại học Leipzig cùng các đồng nghiệp người Achentina đã và đang nỗ lực nâng cao nhận thức của cộng đồng về các kết quả nêu trên. Họ tổ chức các cuộc gặp mặt với phụ huynh tại các trường học có liên kết với dự án, và các bài giảng tại đại học La Plata, cũng như công bố thông cáo quốc tế và vận động hành lang nhà chức trách cùng doanh nghiệp. “Ít nhất chúng tôi cũng đã làm được điều đó cho trẻ em La Plata,” Andrea Müller vui vẻ thông báo. Các công ty hóa chất phải chịu áp lực, và giờ đây họ đang hiện đại hóa nhà xưởng của mình. “Điều thú vị là chờ xem ô nhiễm không khí sẽ giảm đi với tốc độ nào và sức khỏe trẻ em theo đó được cải thiện ra sao. Câu hỏi lớn đặt ra là liệu tổng lượng hạt ô nhiễm hay mật độ những hạt này trong mỗi cm3 không khí là quan trọng hơn, và chúng ta có thể thay đổi các tác động khí hậu theo cách nào,” tiến sĩ vật lý Ulrich Franck cho biết. “Dù sao đi nữa, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu về chủ đề này ở các thành phố khác trên thế giới.”
Journal references:
1. Wichmann et al. Increased asthma and respiratory symptoms in children exposed to petrochemical pollution. Journal of Allergy and Clinical Immunology, 2009; 123 (3): 632 DOI: 10.1016/j.jaci.2008.09.052
2. . Combined effects of airborne pollutants as risk factors for environmental diseases. Journal of Allergy and Clinical Immunology and Toxicology, (in press)
3. Wichmann et al. Different immunomodulatory effects associated with sub-micrometer particles in ambient air from rural, urban and industrial areas. Toxicology, 2009; 257 (3): 127 DOI: 10.1016/j.tox.2008.12.024