Thật không ngờ đại quân Mông Cổ thiện chiến của Thành Cát Tư Hãn lại phải chùn chân tại châu Âu vì sinh vật bé nhỏ này.
Thành Cát Tư Hãn (1162 – 1227) là một trong những nhà lãnh đạo, quân sự lỗi lạc và có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử thế giới. Ông chính là người đã sáng lập ra Đế quốc Mông Cổ hùng mạnh sau khi tiến hành hợp nhất được các bộ lạc tại vùng đông bắc châu Á vào năm 1206.
Dưới sự lãnh đạo, hoạch định các chiến lược quân sự của Thành Cát Tư Hãn, đại quân Mông Cổ vô cùng thiện chiến từng làm khuynh đảo thế giới. Lãnh thổ của Mông Cổ trong thời kỳ trị vì của Thành Cát Tư Hãn cũng trải rộng từ Á sang Âu. Đại quân của vị khả hãn này không những tinh nhuệ, hung hãn mà còn nổi tiếng bách chiến bách thắng, trở thành nỗi ám ảnh của nhiều quốc gia lúc bấy giờ.
Thành Cát Tư Hãn là một trong những nhà quân sự lỗi lạc nhất trong lịch sử thế giới. (Ảnh: Alamy).
Thành Cát Tư Hãn tên thật là Thiết Mộc Chân. Ông từng trải qua thời thơ ấu vô cùng khó khăn vì người cha là thủ lĩnh quân sự Dã Tốc Cai đột ngột qua đời và gia đình của ông bị bỏ rơi trên thảo nguyên.
Trải qua nhiều khó khăn trong những năm tháng thời thơ ấu, Thiết Mộc Chân hiểu rằng để sống sót ở Mông Cổ, cần phải liên minh với những người khác. Từ đó, ông luôn mang trong đầu ý định về sự thống nhất của các bộ lạc ở Mông Cổ.
Trong quá trình hợp nhất các liên minh, phe phái, Thành Cát Tư Hãn đã phá vỡ truyền thống tồn tại bấy lâu của người Mông Cổ. Cụ thể, thay vì giết hoặc bắt những thua trận trở thành nô lệ, ông lại cam kết bảo vệ và thuyết phục họ tham gia vào các cuộc chinh phạt trong tương lai với các chiến lợi phẩm. Đặc biệt, khác với cách làm truyền thống, thay vì ưu ái các thành viên trong liên minh bộ lạc và gia tộc, Thành Cát Tư Hãn sẵn sàng trọng dụng và bổ nhiệm người tài có lòng trung thành, sự nhạy bén vào các vị trí quan trọng.
Thành Cát Tư Hãn có cách tổ chức quân đội riêng cùng những chiến thuật quân sự độc đáo, tạo nên thành công của đại quân Mông Cổ bất khả chiến bại.
Nhờ những tư tưởng khác biệt này đã giúp củng cố sự gắn kết, tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự trong liên minh của Thành Cát Tư Hãn ngày càng trở nên lớn mạnh. Đến năm 1206, Thành Cát Tư Hãn đã hoàn thành giấc mộng thống nhất các bộ lạc Mông Cổ, từ đó hình thành nên một trong những đế quốc lớn nhất trong lịch sử thế giới.
Sau khi thống nhất các bộ lạc Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn cùng đại quân thiện chiến của ông đã khởi xướng một loạt các chiến dịch quân sự ra từ Á sang Âu. Đại quân Mông Cổ là bậc thầy của chiến thuật tiến công chớp nhoáng. Khả năng cưỡi ngựa, bắn cung cùng tốc độ chiến đấu của kỵ binh Mông Cổ cũng trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người trên chiến trường.
Vào năm 1220, Thành Cát Tư Hãn chia đại quân của mình làm hai ngả. Cụ thể, đạo quân chủ lục do đích thân Thành Cát Tư Hãn chỉ huy đánh qua Afghanistan và phía bắc Ấn Độ để trở về Mông Cổ. Đại quân thứ hai gồm khoảng 30.000 kỵ binh do Tốc Bất Đài và Triết Biệt chỉ huy, dẫn quân qua vùng Kavkaz và vào Nga…
Ngoài ra, Thành Cát Tư Hãn cũng đã cử một cánh quân nhỏ thực hiện trình sát tại Ba Lan và Hungary với tham vọng có thể tiến quân về phía tây và tiến vào châu Âu. Tuy nhiên, vào mùa hè năm 1223, cánh quân này nhanh chóng rút lui về Mông Cổ.
Vì sao đại quân Mông Cổ lại quyết định từ bỏ xâm chiếm châu Âu? Đây là một chủ đề gây nhiều tranh luận. Theo các nhà sử học, đại quân Mông Cổ tuy bất khả chiến bại, nhưng lại bất lực khi bị muỗi tấn công. Loài muỗi gây bệnh sốt rét tấn công vào cánh quân đóng tại vùng Kavkaz và dọc theo Biển Đen.
Hơn nữa, trong thời gian này, bản thân Thành Cát Tư Hãn cũng mắc phải bệnh sốt rét triền miên. Minh chứng là hầu hết các nhà sử học đều đồng tình rằng, Thành Cát Tư Hãn qua đời ở tuổi 65 (năm 1227) là do nhiều căn bệnh khác nhau vì hệ miễn dịch của ông bị suy yếu kể từ sau khi mắc bệnh sốt rét.
Cho đến nay, nơi chôn cất của Thành Cát Tư Hãn vẫn còn là một điều bí ẩn.
Sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, con trai thứ ba của ông là Oa Khoát Đài là người kế vị và nắm quyền, đã phát động một chiến dịch chinh phạt châu Âu từ năm 1236 – 1242. Theo đó, Đại quân Mông Cổ đã chọn đường qua phía đông nước Nga, và chiếm các quốc gia vùng Baltic, đồng thời tiến quân đến Budapest, Hungary và sông Danube vào tháng 12/1241.
Sau đó, từ Budapest, đại quân Mông Cổ tiếp tục tiến sâu vào nước Áo, đánh xuống phía nam, và cuối cùng trở về phía đông tại vùng Balkan vào năm 1242.
Ông Winston Churchill, cố thủ tướng Anh, từng chia sẻ: "Có lúc dường như toàn bộ châu Âu sẽ rơi vào tay của người Mông Cổ từ phương Đông. Đại quân Mông Cổ có những kỵ binh có tài cưỡi ngựa, bắn cung thành thạo, đã tràn qua Nga, Ba Lan và Hungary vào năm 1241, đồng thời đánh bại người Đức và kỵ binh châu Âu gần Buda, nhưng họ lại đột ngột rút lui. Tây Âu may mắn thoát nạn".
Đại quân Mông Cổ vô cùng thiện chiến.
Theo các chuyên gia, sở dĩ đại quân Mông Cổ quyết định không tiến sâu vào Tây Âu vì hai nguyên nhân sau đây.
Sự ra đi đột ngột của Oa Khoát Đài là một trong những nguyên nhân đại quân Mông Cổ bỏ lỡ cơ hội biến châu Âu trở thành thuộc địa. (Ảnh: Public Domain).
Đại quân Mông Cổ tuy thiện chiến, nhưng điểm yếu là họ khó thích nghi với những vùng đất có điều kiện khí hậu nóng ẩm. Hơn nữa, do mưa lớn nên khiến vùng đồng cỏ Magyar nằm ở phía đông châu Âu trở thành vùng đầm lầy. Đây cũng trở thành môi trường sống lý tưởng cho loài muỗi truyền bệnh sốt rét. Chính những con muỗi gây bệnh này là một phần nguyên nhân cản bước đại quân Mông Cổ xâm chiếm khu vực Tây Âu.
Mặt khác, do lượng mưa cao bất thường ở Đông Âu trong mùa xuân và mùa hè năm 1241 đã vô tình cướp đi những bãi chăn thả và đồng cỏ thiết yếu cho vô số ngựa chiến của đại quân Mông Cổ. Đây vốn được coi là mấu chốt trong sức mạnh quân sự của đại quân bất khả chiến bại này.
Dù đại quân Mông Cổ đã đặt được một số thành công nhất định trong quá trình chinh phạt châu Âu, tuy nhiên những binh sĩ thiện chiến này cũng nhiều lần buộc phải rút lui khi đối mặt với căn bệnh sốt rét và dịch bệnh khác, cùng với sự phòng thủ của liên minh các nước châu Âu.
Nhà sử học John Keegan, người từng dành nhiều năm để nghiên cứu về Mông Cổ, chia sẻ: "Đại quân Mông Cổ đã thất bại trong việc đưa sức mạnh quân sự từ vùng bán ôn đới và hoang mạc đến các vùng mưa lớn ở châu Âu. Họ đã phải chấp nhận thất bại".
Đến năm 1368, bên cạnh sự chia rẽ và xảy ra nội chiến, loài muỗi gây bệnh sốt rét hoành hành vẫn được nhắc đến như là một trong những nguyên nhân chính khiến đế quốc Mông Cổ hùng mạnh tan rã.