Cách con người xây "tháp băng khổng lồ" ngay giữa sa mạc

  •   52
  • 1.776

Ở phương xa nơi phía bắc Ấn Độ, hiên ngang sừng sững giữa một sa mạc hiu quạnh là một bảo tháp băng với các cấu trúc tinh thể băng lạ nhất từ trước đến giờ.

Vùng đất này vô cùng khắc nghiệt, lượng mưa vô cùng khan hiếm và nhiệt độ khi nóng như thiêu đốt, khi lại lạnh đến thấu xương. Người dân địa phương nơi đây thường nói bông đùa với nhau rằng, đây là nơi duy nhất trên thế giới mà một người khi ngồi dưới ánh nắng mặt trời và đặt chân của mình trong bóng râm, họ sẽ vừa bị phỏng nắng và tê cóng người vì lạnh.

Đây là khu vực Ladakh - có nghĩa là "vùng đất lọt thỏm" - bị kẹp giữa hai dãy núi cao nhất thế giới, dãy Himalayas và Côn Lôn. Nơi đây rất ít khi có mưa. Lượng nước cần thiết phục vụ cho việc tưới tiêu ruộng đất và sinh hoạt của người dân địa phương chủ yếu là do tuyết tan ra.

Nhưng chính sự thay đổi thời tiết thất thường này làm vùng đất này trở nên khô cằn hơn, gây ra thiếu nước trầm trọng vào những vụ mùa quan trọng vào tháng Tư và tháng Năm, ngay trước lúc các sông băng tan trong nắng mùa hè. Vậy giải pháp của những người địa phương là gì? Tạo ra nhiều sông băng hơn.

Bảo tháp băng

Năm 2014, một kĩ sư cơ khí địa phương tên Sonam Wangchuk đã tìm ra những biện pháp giải quyết tình trạng thiếu nước trầm trọng ở Ladakh. Các sông băng tự nhiên đang bị thu hẹp lại do nhiệt độ toàn cầu tăng lên. Do đó, chúng cung cấp ít nước hơn vào mùa xuân, nhưng lại trào như vũ bão vào mùa hè nóng nực. Điều tệ hơn là chúng càng ngày càng co hẹp lại.

Wangchuk nghĩ ra một ý tưởng đơn giản: "ông muốn cân bằng lượng thâm hụt tự nhiên này bằng cách lấy nước từ tuyết tan vào những mùa đông lạnh (thời điểm này chúng thường sẽ bị bỏ phí) và dự trữ chúng đến mùa xuân khi những người nông dân bắt đầu mùa cày cấy".

Ông chia sẻ với đài CNN chúng tôi rằng: "Tôi đã từng nhìn thấy băng tuyết dưới một cây cầu vào tháng Năm và chợt nhận ra rằng mặt trời sẽ làm băng tan, nhiệt độ của môi trường xung quanh chẳng liên quan gì hết. Và tôi nhận ra rằng chúng ta hoàn toàn có thể dự trữ băng tuyết, dù ở độ cao thấp thế nào đi chăng nữa".

Sau đó ông đã cho xây dựng một "bảo tháp băng" nguyên mẫu với cấu trúc hai tầng, một kiểu dáng hình nón đá mà ông đặt tên theo các di tích truyền thống thiêng liêng như các dãy núi được tìm thấy ở khắp châu Á.

Sonam Wangchuk chụp hình ở vùng Ladakh, phía bắc Ấn Độ.
Sonam Wangchuk chụp hình ở vùng Ladakh, phía bắc Ấn Độ.

Cớ sao lại là hình nón mà không phải khối lập phương?

Wangchuk chia sẻ rằng bảo tháp băng được tạo ra mà không cần sử dụng năng lượng hay máy bơm, chỉ là những tính chất vật lí đơn giản: hạ lưu, thượng lưu và độ dốc.

Đầu tiên, một đường ống sẽ được đặt dưới lòng đất, nối từ chỗ lưu trữ nước đến nơi đặt tháp băng (thường ở gần ngôi làng). Dòng nước phải chảy từ nơi có độ cao hơn, thông thường cao 60 mét trở lên. Vì chất lỏng trong hệ thống luôn muốn duy trì mực nước ổn định, nước chảy từ độ cao 60 mét về phía thượng nguồn sẽ phun xuống những ống ở hạ lưu. Điều đó giúp tạo ra một vòi phun nước.

Và đợt không khí lạnh sẽ lo phần việc còn lại. Nước khi gặp không khí lạnh sẽ kết tinh thành băng tuyết và rơi xuống dưới, tạo thành một hình tháp nón. Wangchuk nói thêm: "Hình tháp nón sẽ rất dễ dàng với băng tuyết, bởi vì bất cứ dạng nước nhỏ giọt nào đều sẽ tạo ra hình nón ở bên dưới - các trụ băng sẽ có hình nón đảo ngược".

Nhưng tháp hình nón còn mang đến những tính năng vượt bậc khác nữa: "Nó có diện tích bề mặt nhỏ so với lượng nước chứa trong băng tuyết".

Điều này có nghĩa nó sẽ tan rất chậm: "bảo tháp băng cao 6 mét và chứa 150.000 lít nước sẽ duy trì từ mùa đông đến giữa tháng Năm, vừa đúng thời điểm khi nước cần cho việc tưới tiêu, trong khi những khối tuyết xung quanh đã tan chảy vào đầu tháng Ba".

Đây là "bảo tháp băng" kì lạ giữa sa mạc cằn cỗi.
Đây là "bảo tháp băng" kì lạ giữa sa mạc cằn cỗi.

Tháp băng trụ vững đến cuối cùng

Một khía cạnh tạo nên tính đột phá cho tháp băng chính là khả năng tồn tại của nó dù ở bất kì độ cao nào và ngay cả trong điều kiện thời tiết ấm áp. Đây không phải là loại sông băng nhân tạo đầu tiên trong khu vực này, nhưng những nỗ lực trước đây trong khu vực này chỉ có thể tồn tại ở độ cao hơn 4000 mét bằng cách đóng băng các dòng nước trong kênh lớn. Điều này đòi hỏi bóng mát và sự bảo quản liên tục, và được đặt quá xa những cánh đồng trồng trọt.

Thay vào đó, hình dạng nón của tháp băng có thể chịu được sức nóng của ánh sáng mặt trời trực tiếp và có thể cung cấp nước nhanh chóng khi cần thiết. Tuy nhiên, đó không phải là sự duy trì bình thường. Wangchuk nói rằng hiện nay cần nhiều sự can thiệp của con người, vì đôi khi vòi phun nước có thể bị đóng băng khi các ống nước bị đóng băng, đại loại vậy.

Ông hi vọng rằng bằng một phương pháp công nghệ nào đó, tháp băng sẽ trở nên đáng tin cậy hơn. Đó là lí do ông chuẩn bị bắt đầu thử nghiệm mô hình này ở Peru vào mùa hè này bằng cách lợi dụng mùa đông ở Nam bán cầu. "Chúng tôi đang ở giai đoạn tương tự như xe ô tô vào những năm 1950, khi người lái xe phải thường xuyên mở nắp đậy ca-pô để sửa chữa những cái bị hư. Thế nhưng, những người lái xe ngày nay thậm chí còn không biết bên trong nắp đậy đó có những gì".

Quả là một kì tích khi cây cối có thể được trồng ở vùng đất khô cằn này,
Quả là một kì tích khi cây cối có thể được trồng ở vùng đất khô cằn này, phục vụ cho việc lấy gỗ và làm đa dạng thiên nhiên nơi đây.

Đây là một dự án cần nhiều người gây quỹ

Do những yêu cầu về cơ sở hạ tầng của các đường ống, sự đầu tư ban đầu có thể sẽ gặp nhiều trở ngại. Wangchuk ước tính ông sẽ cần đến 125.000 đô-la (khoảng 3 tỉ đồng) để xây dựng mô hình tháp băng hoàn chỉnh đầu tiên, có thể sẽ cao đến 24 mét và có thể cung cấp tưới tiêu cho khoảng 10 héc-ta đất. "Dường như điều này hơi quá sức với bất kì chính phủ nào, nhưng tôi tin rằng mọi người trên thế giới sẽ ủng hộ dự án này".

Ông quyết định kêu gọi gây quỹ dự án, huy động mọi người cùng đóng góp thông qua Indiegogo, một nền tảng gây quỹ phổ biến. Chiến dịch đã thành công và thu hút sự quan tâm của các tổ chức địa phương. "Ý tưởng đã gần như hoàn thiện, và chính phủ Ladhaki đang kết hợp những kế hoạch phát triển của tôi".


Cách mà tháp băng được hình thành.

Tháp băng đã mang đến cho Wangchuk giải thưởng Rolex cho Doanh nghiệp năm 2016, với giá trị tiền thưởng 100,000 Franc Thuỵ Sĩ (khoảng hơn 1 tỉ đồng).

Nhưng Wangchuk còn mong muốn biến bảo tháp băng trở thành một địa điểm thu hút du lịch bằng cách xây dựng các quán bar và khách sạn bên trong chúng. "Đó sẽ là một trải nghiệm độc nhất cho những người sẵn lòng chi trả để tận hưởng nó, và số tiền thu được sẽ trang trải cho nông dân hạn chế sự thiếu hụt nước vào mùa xuân, điều mà những người nông dân luôn nơm nớp sợ". Điều này giống như trộn lẫn giữa thánh thần và trần tục, nhưng Wangchuk hoàn toàn tin rằng tháp băng sẽ là một cầu nối giữa những nền văn hoá khác nhau.

Cập nhật: 24/07/2017 Theo Trí Thức Trẻ
  • 52
  • 1.776