Từ lâu người ta đã cho rằng con người và các loài động vật có xương sống sẽ sống thọ hơn nếu có nhiều mối quan hệ xã hội. Nay điều này đã được chứng minh trên ruồi dấm.
|
(Ảnh: imbresources.org) |
Chun-Fang Wu và Hongyu Ruan tại Đại học Iowa, Mỹ, đã làm giảm tuổi thọ của các con ruồi bằng cách can thiệp vào một enzyme có chức năng loại bỏ các gốc tự do nguy hiểm. Enzyme này cũng liên quan tới những bệnh tuổi già ở người như Alzheimer hay Parkinson.
Những con ruồi bị biến đổi gene sống chung nhà với các con trẻ hơn thì có cuộc sống kéo dài và năng động hơn những con sống chung nhà với ruồi cùng tuổi. Chúng cũng chống đỡ tốt hơn trước tác động của stress, cái nóng và những biến đổi thể chất khắc nghiệt.
Hạn chế hoạt động của những con ruồi trẻ cũng làm giảm hiệu ứng đối với ruồi già. Điều này cho thấy các tương tác xã hội với ruồi trẻ tuổi như tán tỉnh, chăm sóc, xung đột... đóng một vai trò quan trọng trong việc gia tăng tuổi thọ của ruồi già.
"Các hoạt động xã hội chính là chìa khóa", Wu nhận định. "Nghiên cứu này cho thấy tuổi thọ con người có thể được điều chỉnh bởi các tương tác xã hội. Người già bị bệnh sẽ cải thiện tình hình rất nhiều thông qua môi trường giao tiếp hợp lý".