Cách phân biệt USB “nhái” với hàng thật

  •  
  • 1.794

Giảm giá chỉ còn 25 - 50% so với trước đây, USB đang là đồ phụ kiện máy tính đắt khách. Tuy nhiên hàng nhái, kém chất lượng nhưng bề ngoài y chang hàng thật cũng theo đó xuất hiện tràn lan khiến người mua rất dễ bị nhầm lẫn.

Hiếm hàng chính hãng

Từ cuối năm 2006, khi các nhà sản xuất giảm mạnh giá thành USB, thị trường của thiết bị lưu trữ mini này sôi động hơn hẳn. Không những thế, USB với nhiều kiểu dáng, màu sắc và các loại dung lượng khiến người mua tha hồ lựa chọn. 

Tuy nhiên theo nhận định của anh Nguyễn Đức Thịnh, nhân viên kinh doanh của Siêu thị USB, 811 La Thành, Hà Nội thì hàng chính hãng USB đang khá hiếm dù cho thị trường của nó đang rất phong phú và muôn màu, muôn vẻ.

USB đang là phụ kiện máy tính "hút" khách.

Nguyên nhân chính là sự chiếm lĩnh ngày càng hùng mạnh của USB “nhái” kém chất lượng nhưng mẫu mã y như hàng chính hãng.

Chị Thủy, quản lý cửa hàng linh kiện máy tính 97 Lý Nam Đế, cho biết mấy tháng trước, chị nhập về một lô hàng USB hãng Adata Jorg với giá trên dưới 200.000 đồng đối với các loại 512 MB, 1 GB, 2 GB. Số hàng này được tiêu thụ rất nhanh nhưng ngay sau đó, lượng người mua kéo đến bảo hành khá đông khiến chị “phát sợ”. Từ đó, để giữ uy tín với khách hàng, chị chỉ nhập về cửa hàng duy nhất USB của hãng Imation mà theo chị “ít bị làm nhái nhất”.

Theo những người kinh doanh phụ kiện máy tính, USB “nhái” chính là hàng Tàu rẻ hơn hàng chính hãng từ 3 - 5 USD, hình thức bao bì mẫu mã giống y hệt nhưng chất lượng là kém hơn hẳn. Để kiếm lời, không ít người bán hàng đã nhập loại hàng này về.

Cách Phân biệt hàng thật, hàng giả

Dọc những con phố chuyên bán linh kiện, phụ kiện máy tính như Lý Nam Đế, Thái Hà, Lê Thanh Nghị, mặc dù các chủ cửa hàng đều cam đoan “hàng chính hãng đảm bảo chất lượng” nhưng quan sát kỹ ở một số hàng vẫn thấy USB “nhái” nằm điềm nhiên bên những USB “xịn”, rất khó phân biệt mà giá cả ngang nhau.

Anh Phạm Quốc Cường, nhân viên bán hàng có kinh nghiệm của công ty máy tính Trần Anh chia sẻ cách phân biệt “trắng đen” hàng USB: "USB hay được làm nhái nhất các hãng Adata Jorg, Kingston, Transcend vì những loại này thông dụng và được người tiêu dùng biết đến hơn cả. 

USB chính hãng có serial của nhà sản xuất, trước kia serial được dán bằng giấy bóng lên sản phẩm nhưng hiện tại một số hãng đã dập thẳng code bằng mực chống nhòa lên sản phẩm, trong khi đó, hàng “nhái” thường không có serial, thông số.

Đối với USB của hãng Adata Jorg, hàng thật có vỏ bọc nhựa bên ngoài liền khối trong khi hàng nhái là 2 mảnh ghép nối rời, màu đậm hơn.

Đối với USB của hãng Kingston, khách hàng cần chú ý đến viền của chúng. Tất cả đều thân trắng, không hỗ trợ đĩa drive cho Win 98. 128 MB viền đỏ, 256 MB viền xanh lá cây, 512 MB viền xanh tím than, 1 GB viền xám, 2 G viền xanh nõn chuối. Hàng nhái thường có viền khác màu hay có hỗ trợ đĩa drive".

Trần Linh

Theo VTC
  • 1.794