Cái chết của e-mail

  •  
  • 624

Thời điểm năm 2002, tất cả các thành viên trong gia đình tôi đều thần tượng email "ngất ngây". Thế hệ già tin rằng đăng ký một tài khoản email là việc làm bắt buộc và cần thiết - nếu không gọi được điện thoại cho con trẻ, họ sẽ gặp được chúng qua mạng, bằng email. 

Đứa cháu họ của tôi là một ví dụ. Nó không bao giờ nói quá 2 câu trong điện thoại, vì cứ như bị dính keo trước màn hình máy tính vậy. Mọi người chỉ có thể gửi tin nhắn cho con bé thông qua email, nhưng chẳng ai lấy đó làm điều phiền lòng.

Thực tế phũ phàng

2 năm sau, tức thời điểm năm 2004, tôi phát hiện ra sự thực "phũ phàng": Con bé đã bỏ xó email từ lâu. Thay vào đó, nó chỉ bận rộn gửi SMS và tin nhắn IM cho bạn bè mà thôi.

Tôi nhận ra rằng: Sử dụng email không còn là biểu tượng cho "người lớn sành điệu công nghệ" nữa. Trái lại, trông tôi giống như một bà lão lạc hậu vậy.

Chúng ta, những người trên 25 tuổi không thể tưởng tượng nổi một cuộc sống mà không có email. Thế nhưng với thế hệ MySpace, Facebook bây giờ, thật khó mà tưởng tượng một cuộc sống chỉ-có-email.

Tôi vẫn còn nhớ khoảnh khắc đầy kiêu hãnh năm 1996, khi tôi gửi đi bức email đầu tiên từ phòng thí nghiệm máy tính của trường đại học. Tôi đã từng nghĩ rằng: Sẽ không có gì có thể nhanh hơn, và dễ dàng hơn việc gửi email.

10 năm sau, email đang dần bị cô lập và hắt hủi. Theo một cuộc nghiên cứu từ năm 2005 của Pew, gần một nửa dân số Internet tuổi teen thích chat với bạn bè bằng IM hơn email. Năm ngoái, đến lượt comScore thống kê mức độ sử dụng email của dân teen giảm 8% so với một năm trước đó.

Giữa kỷ nguyên của ĐTDĐ và Facebook, Second Life, những tài khoản Yahoo! và Hotmail già nua ngày càng trở nên lạc lõng.

Nhưng tất yếu?

Nguồn: Infotech
Nhìn tình cảnh ấy, khó ai nghĩ được rằng mới chỉ cách đây chừng dăm năm, email còn là nền tảng cơ bản của ứng dụng Internet. Thư điện tử đã làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta kết nối, liên lạc với bạn bè, người thân, đồng nghiệp. Ngồi xuống bàn và soạn thảo một bức mail đã trở thành thói quen thường ngày của hàng trăm triệu con người.

Bạn có thể đổ lỗi cái chết của email cho bệnh "Sành điệu" nơi giới trẻ. Trong mắt chúng, không dùng Facebook hay MySpace thì không phải là dân chơi. Ai cũng muốn sở hữu mẫu điện thoại mới nhất, xịn nhất.

Thế nhưng, tôi nghĩ rằng vẫn còn một lý do nữa khiến cho email nhanh chóng bị thất sủng. Đó là bởi vì email không hoàn hảo. Cả IM, SMS, blog và mạng xã hội ảo đều cất cánh được là nhờ khai thác rất tốt những điểm yếu của email.

Hãy cố đặt mình vào vị trí của một dân teen. Đầu tiên, bạn sẽ không bao giờ gửi một bức email cho... 200 người bạn, với nội dung "Hôm nay thứ 6 đấy, tổ chức tiệc cái nhỉ?".

Nhưng chỉ cần một dòng status trên Yahoo Messenger hoặc trong mạng xã hội ảo Facebook, bạn đã có thể "phát sóng" thông điệp này tới tất cả bạn bè của mình mà chẳng mảy may tốn sức.

Muốn lên kế hoạch cho bữa tiệc cuối tuần ư? Sẽ là kẻ ngốc nếu gửi email cho hết thảy mọi người và dài cổ chờ hồi đáp. Sẽ nhanh hơn rất nhiều nếu bạn trao đổi IM với bạn bè.

Muốn bày tỏ tình cảm quý mến của mình với một ai đó, chỉ cần post thông điệp lên trang cá nhân của Facebook và MySpace, thế là cả thế giới sẽ biết.

Và cuối cùng, còn gì có thể nhanh, thường trực và trực quan bằng việc liên lạc qua ĐTDĐ nữa chứ? Bạn có thể tranh cãi với "bồ" cả đêm mà thậm chí chẳng cần phải rời bữa tiệc. Ngay sáng hôm sau, bạn đã có thể sửa lại "Trạng thái quan hệ" trong profile MySpace là "Độc thân, cần tìm bạn gái/bạn trai mới".

Vẫn đáng giá

Phân tích ra rồi, ta mới thấy cái chết của email chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Dân teen chỉ làm điều mà chúng vẫn làm: Tán tỉnh, buôn chuyện, tụ tập với nhau.

Ngoài email, tất cả những hình thức liên lạc kia đều mang tính "động" rất cao, trong khi email có gì đó khả yên ả, tĩnh lặng và bị động. Với chúng, sao lại phải "viết mail" (Một chuyện rất tốn thời gian) khi mà có thể "nói chuyện" thẳng với nhau?

Thế nên, dù chỉ mất vài giây để gửi đi một email thôi, bọn trẻ vẫn cứ coi hình thức liên lạc này là "chậm chạp và rùa bò".

Trở lại với đứa cháu họ của tôi. Nó kể là mỗi ngày, trung bình, ĐTDĐ của nó nhận được không dưới 50 tin nhắn, cả SMS lẫn IM. Bạn bè cùng lứa với con bé, đứa nào cũng lén đăng nhập vào Yahoo Messenger hoặc Facebook ngay trong giờ lên lớp, khi ở nhà và thậm chí là trên giường ngủ.

Mặc dù vậy, trong khối người trưởng thành, email vẫn là một thứ tài sản đáng giá. Thành công của dịch vụ email di động và dòng smartphone BlackBerry chính là minh chứng rõ ràng.

Nếu như IM và SMS chỉ có chất lượng truyền tải trung bình, nếu không muốn nói là thấp, thì email lại tràn đầy tình cảm. Nó giống như một cuốn nhật ký ghi lại cảm xúc và suy nghĩ, công việc hàng ngày của bạn.

Anh bạn đồng nghiệp của tôi vẫn còn lưu trong hòm thư những bức email "tán tỉnh" bà vợ từ thủa đầu tiên. Tôi có những bức email bố mẹ dặn dò mà chắc chắn sau này, tôi phải mở ra cho lũ con tôi đọc...

Khó tuyệt chủng

Nghĩ một cách thực tế hơn, dường như đang tồn tại "khoảng cách thế hệ" giữa lứa sử dụng Internet đời đầu và đời thứ hai.

Sinh viên ngày nay hầu như thờ ơ, hoặc là chẳng bao giờ thèm ngó tới email do nhà trường gửi tới. Những lời khuyên thông thái từ ông bà, cha mẹ forward cho chẳng bao giờ được lũ trẻ mở đọc.

Chỉ có ở chốn công sở, email mới chứng tỏ được sức mạnh của nó. Không một công chức nào là không sử dụng Microsoft Outlook ngay khi bật máy lên, chứ hoàn toàn không phải Facebook hay MySpace gì gì đó.

Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng việc từ bỏ thói quen dùng email cũng không phải là đau đớn, khó khăn gì cho lắm. Có thể email sẽ chẳng bao giờ tuyệt chủng hoàn toàn (Chúng ta vẫn cần có phương tiện để gửi đi những thông điệp dài hơi chứ, như CV chẳng hạn).

Bên cạnh đó, các dịch vụ email cũng đang rất tích cực cải tiến. Gmail tích hợp email với IM, cho phép bạn chat với bạn bè của mình ngay bên cạnh hòm thư.

Sẽ không khó để tưởng tượng về một màn hình PC tương lai, khi bạn có thể lựa chọn tùy ý giữa gửi đi một bức email, IM, Status hay post bài trên blog. Khi ấy, kể cả những tín đồ email như bố mẹ tôi cũng không cảm thấy lạc lõng như loài khủng long ngày xưa nữa.

Trọng Cầm
Theo Washington Post, VietNamNet
  • 624