Theo một nghiên cứu mới trên tạp chí The Lancet Public Health, một lệnh cấm bán thuốc lá cho những người sinh ra từ năm 2006-2010 có thể tạo ra một thế hệ không khói thuốc và cứu sống 1,2 triệu người tử vong do ung thư phổi từ nay cho tới năm 2095.
Nghiên cứu được đưa ra trong bối cảnh thuốc lá dường như đang quay trở lại thành một biểu tượng trong giới trẻ. Sau khi tỷ lệ hút thuốc đã giảm mạnh ở thế hệ 9x, thì gần đây, nó có xu hướng giảm rất chậm ở thế hệ GenZ và 2K, thậm chí còn tăng trở lại.
Chẳng hạn như ở Anh, năm 2011 chỉ có 25,7% thanh niên từ 18-24 tuổi hút thuốc. Con số giảm xuống đến 9,8% vào năm 2023. Nhưng một nghiên cứu của Đại học College London cho thấy sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ người hút thuốc chỉ giảm 0,3% mỗi năm so với 5,2% trước đây.
Một khảo sát của Independent cho thấy thuốc lá dường như đang xuất hiện trở lại nhiều hơn trong các sản phẩm văn hóa truyền thông nhắm đến giới trẻ. Chẳng hạn như khi ngôi sao Sam Thompson thoát ra được khu rừng trong show truyền hình sinh tồn thực tế "I'm A Celebrity... Get Me Out of Here!", điều đầu tiên mà anh nói mình muốn làm là hút một điếu thuốc.
Lily-Rose Depp, nữ diễn viên sinh năm 1999, con gái của nam tài tử Johnny Depp, cũng thường xuyên bị bắt gặp tại các thảm đỏ sự kiện với một điếu thuốc lá trên tay.
Hình ảnh tương tự cũng xuất hiện cùng với Jeremy Allen White, ngôi sao của loạt phim The Bear, ca sĩ nhạc pop Rosalía, diễn viên Paul Mescal và TikToker Victoria Paris.
Trong bộ phim Griselda từng đứng Top 1 Netflix toàn cầu tại 89 quốc gia hồi đầu năm, gần như tập nào cũng có đầy rẫy các phân cảnh mà nhân vật trong đó hút thuốc lá. Tháng trước, Lady Gaga, trong MV mới của mình cùng Bruno Mars, cũng vừa hút thuốc lá vừa đánh đàn và hát.
Trớ trêu thay, bài hát của cô ấy có tựa đề "Die With A Smile", tạm dịch là "Chết cũng mỉm cười", hiện nhận về hơn 133 triệu lượt xem trên toàn cầu.
Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết thuốc lá đang phải chịu trách nhiệm cho 85% các trường hợp mắc ung thư phổi, căn bệnh ung thư gây tử vong nhiều nhất trên thế giới.
Theo nghiên cứu mới từ Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) của WHO, nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, sẽ có gần 3 triệu ca tử vong do ung thư phổi ở những người sinh từ năm 2006 đến năm 2010.
Tuy nhiên, nếu có thể cấm bán thuốc lá cho 650 triệu người thuộc nhóm này, mô hình từ nghiên cứu trên tạp chí Lancet cho thấy hơn 1,2 triệu ca tử vong do ung thư phổi có thể được phòng ngừa từ giờ cho tới năm 2095.
Con số được đưa ra sau khi các nhà khoa học thu thập dữ liệu về tỷ lệ hút thuốc, tỷ lệ mắc ung thư phổi và tỷ lệ tử vong ở 185 quốc gia. Đây là nghiên cứu đầu tiên và toàn diện nhất để đánh giá tác động của việc tạo ra một thế hệ không khói thuốc.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã chọn nhóm thiếu niên Gen Z sinh từ năm 2006 đến 2010, vì thế hệ này hiện có độ tuổi từ 13 đến 18. Chỉ cần sang năm sau, những đứa trẻ này sẽ bắt đầu được mua thuốc lá hợp pháp ở nhiều quốc gia.
Các nhà khoa học cho biết nếu gia tăng độ tuổi cấm mua thuốc lá, lệnh cấm có thể ngăn ngừa được tới hơn 40% số ca tử vong vì ung thư phổi ở nhóm này sau 70 năm nữa.
Thuốc lá đang phải chịu trách nhiệm cho 85% các trường hợp mắc ung thư phổi.
Con số 1,2 triệu ca ung thư phổi phòng ngừa được có thể dịch được ra tính kinh tế. Ví dụ, một nghiên cứu trên Tạp chí Nghiên cứu Y học cho biết chi phí điều trị trung bình của người bệnh ung thư phổi giai đoạn III và giai đoạn IV lần lượt là 80,8 triệu và 117,5 triệu đồng mỗi năm.
Nếu lấy trung bình là 100 triệu VNĐ và các số liệu thống kê cho thấy tiên lượng của phần lớn bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn nặng là không quá 1 năm, lệnh cấm hút thuốc với thế hệ 2K có thể tiết kiệm ít nhất 120 nghìn tỷ đồng tiền điều trị ung thư phổi.
Đó là chưa kể đến các liệu pháp điều trị đắt đỏ như thuốc đích và liệu pháp miễn dịch, có thể tiêu tốn của người bệnh từ 1-3 tỷ VNĐ/năm.
"Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới và có tới hai phần ba số ca tử vong có liên quan đến thuốc lá, một yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa", tiến sĩ Julia Rey Brandariz, tác giả nghiên cứu đến từ Đại học Santiago de Compostela ở Tây Ban Nha cho biết.
"Mô hình của chúng tôi nhấn mạnh đến việc các chính phủ sẽ được lợi bao nhiêu khi cân nhắc thực hiện các kế hoạch đầy tham vọng hướng tới việc tạo ra một thế hệ không thuốc lá.
Điều này không chỉ có thể cứu sống rất nhiều người mà còn có thể giảm đáng kể gánh nặng cho các hệ thống y tế trong việc điều trị và chăm sóc những người bị bệnh do hút thuốc".
Đánh giá về nghiên cứu mới, Jennifer Stevens, giám đốc Trung tâm Kiểm soát Thuốc lá Northwell Health cho biết: "Không có gì phải nghi ngờ, việc ngăn ngừa và loại bỏ việc bán thuốc lá sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu".
Tuy nhiên, Stevens cho biết trong hàng thập kỷ, các nhà lập pháp đã cố gắng thúc đẩy một lệnh cấm thuốc lá cho người trên 18 tuổi nhưng không đạt được thành công đáng kể.
Ví dụ như vào năm 2022, New Zealand đã trở thành quốc gia đầu tiên cấm bán thuốc lá cho những người sinh sau năm 2008. Nhưng vào cuối năm ngoái, chính phủ bảo thủ mới của nước này đã tuyên bố kế hoạch bãi lệnh cấm này.
Nguyên nhân thuốc lá gây hại, nhưng không thể cấm vì ngành công nghiệp này đang đem lại nguồn thu lớn từ thuế ở nhiều quốc gia. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá đang nộp vào ngân sách hàng tỷ USD, nên việc cấm hoàn toàn sẽ gây ảnh hưởng lớn.
Ngoài ra, thuốc lá là một ngành công nghiệp có quy mô toàn cầu, mang lại việc làm cho hàng triệu người, từ nông dân trồng cây thuốc lá đến những người làm việc trong sản xuất và bán hàng. Vì vậy, lệnh cấm thuốc lá hoàn toàn cũng sẽ gây tác động lớn đến nền kinh tế và sinh kế của nhiều người.
Thuốc lá là một ngành công nghiệp có quy mô toàn cầu, mang lại việc làm cho nhiều người.
Ngành công nghiệp thuốc lá rất mạnh về tài chính và có sức ảnh hưởng lớn. Họ thường sử dụng luật pháp để bảo vệ lợi ích của mình, đồng thời có nhiều cách thức để ngăn chặn nỗ lực cấm hoàn toàn thuốc lá.
Dựa trên những tác động này, Stevens cho biết trọng tâm của chiến dịch phòng chống tác hại đến từ thuốc lá vẫn nên tập trung vào việc giáo dục, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, về mối nguy hiểm và tác động lâu dài của việc hút thuốc.
Một lệnh cấm bán và hút thuốc lá hoàn toàn, với người trên 18 tuổi, hiện vẫn rất khó thực hiện và đòi hỏi quyết tâm rất lớn từ chính phủ của các quốc gia.