Giải mã căn bệnh kỳ lạ của vua Anh Henry

  •   3,52
  • 6.156

Lịch sử Hoàng gia Anh vốn chứng kiến không ít sự thăng trầm qua các thời đại, nhưng điều làm công chúng không chỉ quan tâm đến đời sống của các thành viên trong Hoàng gia Anh mà còn rất chú ý theo dõi mọi di biến động về sức khoẻ của họ.

Trong số các vị vua Anh có vấn đề về sức khoẻ phải kể đến vua Henry VIII. Trong cuộc đời mình, vị Hoàng đế này đã bị mắc đến 2 chứng bệnh vô cùng hiếm gặp mà có thể giải thích rằng, bệnh tật ảnh hưởng đến nhà vua từ lúc cuối đời sau khi cả hai bà vợ của ngài đều bị sảy thai và không sinh hạ cho ngài được những hoàng nam mà ngài luôn mong ước.


Chân dung độ tuổi trung niên của vua Henry VIII do hoạ sĩ Hans Holbein vẽ .

Tính khí thất thường và sinh nở liên tục thất bại

Trong một bản danh sách dài dằng dặc những thói quen cá nhân và cảm giác xúc động không thể dự báo trước, nhà vua Anh Henry VIII còn nổi tiếng bởi việc hình thành những ám ảnh về sức khoẻ mà y văn Anh thời đó cũng như mãi đến đầu thế kỷ 21 vẫn bó tay chưa tìm ra được căn nguyên của vấn đề. Những ảnh hưởng sức khoẻ tồi tệ đã xảy ra cho vua Henry VIII vào lúc giữa thời kỳ trung niên của Ngài và tiếp sau đó là một chuỗi các vụ sảy thai cho hai bà vợ yêu của ngài.

Một cuộc nghiên cứu mới đây, các nhà nghiên cứu đề xuất giả thiết rằng, vua Henry đã bị một chứng bệnh liên quan đến gen X và trên cơ thể ngài tồn tại một nhóm máu lạ và có thể giải thích vì sao tính khí của ngài hết sức cổ quái cũng như những ảnh hưởng sức khoẻ kỳ lạ không thể dự báo trước được nguồn cơn. Bằng cách nghiên cứu về các nguyên nhân sinh học tại các sự kiện lịch sử quan trọng, cuộc nghiên cứu đã đem đến những hướng đi mới để nghĩ về cuộc đời đầy tai tiếng của vị vua Anh nổi tiếng nhất thế kỷ 16 này.

Bà Catarina Whitley, một chuyên gia khảo cổ sinh học, người đã hoàn tất một đề tài nghiên cứu khoa học hết sức công phu tại Đại học Nam Methodist (SMU – Dallas, Taxes, Mỹ) cho biết: “Điều gì làm cho chúng tôi hướng về vua Henry? Đó là chúng tôi biết rằng, ông ấy có hơn 1 bà vợ và rằng, người đàn bà ấy đã từng có những vấn đề về sinh nở và cả một lịch sử sản khoa hết sức xấu. Chúng tôi đang suy nghĩ đến một kết quả khác: Phải chăng, vấn đề sinh nở của các bà vợ chính là xuất phát từ bản thân nhà vua Henry VIII?”. Hiện bà Catarina Whitley đang làm việc tại Bảo tàng New Mexico.

Một nhóm máu lạ, hiếm… dẫn đến sảy thai cho các bà vợ?

Rất nhiều sử gia đã viết khá chi tiết về những vấn đề sức khoẻ có liên quan đến nhà vua Henry VIII. Bởi lúc còn thanh niên, Henry là một chàng trai rất mạnh mẽ và sung sức. Nhưng vào thời điểm trước khi qua đời, vua Henry VIII trở thành một vị vua quá khổ với trọng lượng cơ thể gần 150kg! Chính bởi vì cơ thể quá mập cho nên ngài có những vết loét da ở các chân, cơ bắp yếu đi trông thấy và theo một số tài liệu y văn trong Hoàng cung thì tính cách của nhà vua đã có một sự thay đổi đáng kể ở độ tuổi trung niên, được thể hiện ở các triệu chứng như hoang tưởng nhiều hơn, âu lo vô cớ, trầm cảm và suy sụp tinh thần.

Trong số những giả thuyết trên, các chuyên gia còn cho hay rằng, vua Henry đã bị bệnh đái tháo đường týp II, bệnh giang mai và cả những trục trặc về nội tiết... Nhưng điều không thể nào cứu vãn trong cuộc đời của vị vua này là một chuỗi của những thất bại sinh nở từ phía các bà vợ của ngài. 2 trong số 6 các bà vợ và thê thiếp của vua Henry là Ann Boleyn và Katherine xứ Aragon – được cho là đã sảy thai nhiều lần nhất. Để giải thích cho quan điểm của mình về bệnh học của vua Henry VIII, Catarina Whitley và đồng nghiệp Kyra Kramer đã đưa ra một giả thuyết mới xem ra có vẻ rất khả thi, đó là vua Henry có thể đã từng tồn tại một nhóm máu lạ gọi là “Nhóm máu Kell tích cực”. Chỉ có 9% dân cư da trắng có nhóm máu này trong cơ thể của họ.


Vua Henry VIII và 6 người vợ

Khi người đàn ông có nhóm máu Kell tích cực thụ tinh với một phụ nữ có nhóm máu Kell tiêu cực, thì sẽ có khoảng 50% trường hợp gây ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể của người phụ nữ đó và trực tiếp tấn công đến thai nhi đang phát triển trong tử cung của người nữ. Em bé đầu tiên của người cha có nhóm máu Kell tích cực và người mẹ Kell tiêu cực thường là tốt. Nhưng trong lần mang thai tiếp theo, các em bé thường bị dư nước trong các mô của họ, chúng sẽ bị mắc các bệnh thiếu máu, vàng da, lá lách to hay chứng bệnh suy tim, thường dẫn đến tình huống xấu là sảy thai trong khoảng từ 24 - 28 tuần tuổi của thai kỳ.

Theo bà Catarina Whitley thì hoàng hậu Anne Boleyn là một minh chứng điển hình trong trường hợp này. Theo một số tài liệu, công chúa Elizabeth – con gái đầu tiên của hoàng hậu Anne với vua Henry VIII - khi sinh ra rất khoẻ mạnh và không hề có biến chứng nào. Nhưng lần sinh nở thứ hai và thứ ba của Anne Boleyn đều bị sảy thai trong khoảng từ 6 hoặc 7 tháng tuổi. Katherine xứ Aragon là bà vợ đầu tiên của vua Henry VIII, bà này ngay từ khi nhập cung làm hoàng hậu đã liên tục bị ám ảnh bởi những căn bệnh quái gở, một trong những căn bệnh làm phiền lòng các thái y trong hoàng cung chính là căn bệnh biếng ăn kỳ lạ của bà. Chính vì biếng ăn và ăn uống tùy tiện nên mang thai 6 lần thì cả 6 lần đều thất bại. Chỉ đến lần thứ 7, hoàng hậu Katherine lại may mắn xinh ra được một cô công chúa khoẻ mạnh tên là Mary.

Hội chứng bệnh McLeod và tính khí thất thường của nhà vua

Ngoài nhóm máu lạ gây trục trặc cho sức khoẻ của vua Henry VIII, các nhà nghiên cứu còn cho rằng, nhà vua đã mắc phải một chứng bệnh về gen khá hiếm gặp gọi là “Hội chứng McLeod”. Mang nhiễm sắc thể X, căn bệnh này thường chỉ ảnh hưởng đến nam giới và thường rõ bệnh từ độ tuổi 40 với những triệu chứng bao gồm bệnh tim mạch, các bệnh về đi lại và các hội chứng tâm lý chính bao gồm bệnh hoang tưởng và suy sụp tinh thần. Có lẽ “Hội chứng McLeod” là cửa ngõ để giải thích ra các dạng bệnh về tinh thần của vua Henry VIII. Nó cũng giải thích lý do tại sao Henry VIII trở nên độc tài hơn khi ông ngày càng lớn tuổi và tại sao ngài lại có hành vi chặt đầu Anne Boleyn, người vợ từng má ấp môi kề của nhà vua.

Bà Catarina Whitley nói: “Điều này đã đem đến cho chúng tôi một cách giải thích khác về vua Henry và vốn sống của ngài. Nó đem đến cho chúng ta một giải pháp mới trong việc hiểu ra các lý do khiến nhà Vua ngày càng hành động sai lầm hơn”. Tuy nhiên, nếu không có các bằng chứng về gen sẽ không có cách nào giúp cho chúng ta hiểu chắc chắn về các giả thuyết mới là đúng đắn, dẫn lời của bà Retha Warnicke, một sử gia tại Đại học Arizona (Mỹ) và là tác giả của quyển sách lịch sử “Sự thăng trầm của Anne Boleyn: Xu hướng gia đình chính trị tại triều đình của Henry VIII”.

Bà Retha Warnicke cho biết thêm rằng, còn có các điều kiện khác có thể khiến cho phụ nữ bị sảy thai. Vào cuối thế kỷ 19, các nữ hộ sinh thường không có thói quen rửa tay vệ sinh khi họ hành nghề. Và vào thời đại trị vì của vua Henry VIII, khoảng một nửa trẻ em trong vương quốc bị chết trước năm 15 tuổi. Đối với những tai ương mà vua Henry VIII gánh chịu, căn bệnh mất trí nhớ đã khiến cho ngài thay đổi nhân cách một cách chóng mặt. Chính việc thiếu rèn luyện thể dục, đặc biệt là sau khi hết thời thanh niên và bước vào tuổi trung niên, kết hợp với việc thèm ăn những món ăn thịnh soạn, sơn hào hải vị đã khiến cho vua Henry VIII ngày một béo phì và bệnh tật lạ cũng từ đây mà phát sinh.

Theo Sức khỏe Đời sống
  • 3,52
  • 6.156