Cận cảnh giống vịt Trạc Nhật quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng

  •   3,54
  • 2.903

Được coi là sản vật “tiến vua” thời phong kiến, giống vịt Trạc Nhật ở huyện Thạch Thành từng được nhiều sách cổ ghi nhận như một đặc sản quý của xứ Thanh. Nhưng nay, loài vịt đặc trưng này chỉ còn chưa đầy 20 con, lại đang bị lai tạp, nếu không có biện pháp bảo vệ và khôi phục kịp thời, chắc chắn sẽ đi đến tuyệt chủng trong tương lai gần.

Cùng với phi cầu Sài, hến làng Giàng, chè Sánh Lược và hàng chục sản vật khác, vịt Trạc Nhật của huyện Thạch Thành được đề cập đến như một trong những đặc sản của xứ Thanh xưa. Hiện, “địa chỉ” sinh sống của giống vịt này được phân bổ ở 2 thôn của xã Thành Thọ, huyện miền núi Thạch Thành.

Giống vịt Trạc Nhật

Giống vịt Trạc Nhật có chân ngắn, màu lông đặc trưng.
Giống vịt Trạc Nhật có chân ngắn, màu lông đặc trưng.

Qua khảo sát, tại xã Thành Thọ hiện có một số gia đình ở thôn Đự và thôn Trạc còn nuôi tự phát giống vịt này. Tuy chưa xác định chính xác từng cá thể, nhưng tổng đàn vịt Trạc Nhật hiện còn không quá 20 con. Đó là chưa kể, có một số gia đình nuôi chung với vịt bầu và các giống vịt khác nên bị lai tạp, hiện chỉ là F1, F2 của vịt Trạc Nhật.

Một trong số những gia đình còn duy trì nuôi nhiều vịt Trạc Nhật nhất là hộ ông Bùi Xuân Hòa ở thôn Đự, xã Thành Thọ, tuy nhiên tổng đàn cũng chỉ có 5 con.

Đây là giống vịt chân ngắn, cổ nhỏ, thịt thơm ngon và có vị ngọt đặc trưng. Trọng lượng của loài vịt này khá nhỏ so với các loài vịt hiện nay, cá thể trống có thể đạt 2,5 kg, nhưng cá thể mái thường từ 1,5 đến 2 kg.

Các cụ cao niên ở thôn Đự và Trạc đều khẳng định, vịt Trạc Nhật là giống bản địa từ ngàn đời nay của địa phương. Nhiều thông tin từ UBND xã Thành Thọ cũng đề cập, tên loài vịt này được gọi theo địa danh của tổng Trạc Nhật trước kia, nay gồm các xã Thành An, Thành Thọ và Ngọc Trạo.

Những người còn nuôi giống vịt quý này cho biết, trứng vịt Trạc Nhật to hơn hẳn trứng vịt bầu và các loại vịt được nuôi tại địa phương, nhiều cá thể mái nuôi lâu năm có thể đẻ trứng to như trứng ngan. Đây cũng là lý do khiến một số gia đình vẫn duy trì để lấy trứng, chưa ý thức nhiều đến vấn đề nuôi để tránh tuyệt chủng.

Tuy môi trường chăn thả tự nhiên không còn nhiều, nhưng hoàn toàn có thể khuyến khích phát triển các mô hình nuôi vịt Trạc Nhật trong vườn, ao nhà ở nhiều thôn của xã Thành Thọ và vùng lân cận. Phó Chủ tịch UBND xã Thành Thọ Nguyễn Văn Cơi cũng bày tỏ quan điểm, nếu có được dự án khôi phục giống vịt quý này, có thể dùng cánh đồng giáp ranh thôn Đự và thôn Trạc làm nơi chăn thả, bởi nuôi vịt đặc sản có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa một vụ hiện nay.

Những tháng gần đây, UBND xã Thành Thọ đã cho cán bộ đến nhiều hộ còn nuôi vịt Trạc Nhật để vận động không giết thịt, tuyên truyền đây là giống vật nuôi quý đang có nguy cơ tuyệt chủng để nâng cao ý thức bảo vệ của người dân.

Cập nhật: 12/09/2024 vhds.baothanhhoa
  • 3,54
  • 2.903