Cận cảnh khu vực phát lộ 'hạt thóc 3.000 năm' nảy mầm

  •  
  • 2.261

Khu di chỉ Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội) những ngày gần đây thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới khoa học sau khi những hạt thóc được tìm thấy ở tầng đất có niên đại 3.000 năm nảy mầm. 

Chiều 18/5, rất nhiều nhà khoa học đã tìm đến di chỉ Thành Dền (xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Hà Nội) để mục sở thị nơi tìm thấy các hạt thóc nảy mầm. Trong ảnh là Giáo sư Nguyễn Lân Cường (phải) và ông Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (đội mũ cối).

Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung kể lại quá trình khai quật và tìm thấy các hạt thóc, cổ vật ở tầng văn hóa Đồng Đậu, Tiền Đông Sơn (khoảng 4.000 - 2.700 năm cách ngày nay). Quan sát hiện trường cũng như băng ghi hình, Tiến sĩ Dung khẳng định, những khả năng như thóc ở đâu đó lẫn vào trong khi khai quật, hố chuột đưa xuống, hoặc đất đá đã bị xáo trộn từ trước… đều bị loại trừ.

Giáo sư, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô Đào Thế Tuấn - chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp ở VN - chăm chú quan sát các hạt thóc, gạo cháy được đoàn khai quật lưu giữ. Những hạt thóc nảy mầm đã được chuyển cho Viện Di truyền nông nghiệp để nuôi cấy, chăm sóc và nghiên cứu.

Theo Giáo sư Tuấn, quan sát bằng mắt thường, những hạt tìm thấy có hình dáng của các giống lúa cổ: chiều dài ngắn, bề ngang hạt to.

Mẫu gốm thuộc tầng văn hóa Đồng Đậu còn in dấu các vỏ trấu được tìm thấy ở Thành Dền. Theo các nhà khoa học, việc tìm thấy thóc, gạo cháy ở Thành Dền từng được ghi nhận và không bất ngờ. Tuy nhiên, với các hạt thóc nảy mầm, hiện chưa thể có lý giải thuyết phục

Ngoài ra, để kết luận các hạt này có đúng có tuổi thọ 3.000, phải sau khoảng 5 tháng nữa, khi chúng kết thúc một vòng sinh trưởng, cho hạt. Lúc đó, các nhà khoa học sẽ tiến hành giải trình tự gene của hạt thóc, đối chiếu với trình tự gene của giống lúa hiện đại để có kết luận đó có phải là lúa cổ hay không.

Trong khi đó, đoàn khai quật vẫn tiếp tục công việc đã bắt đầu từ giữa tháng 4. Di chỉ Thành Dền có diện tích hơn 20.000 m2, được phát hiện năm 1970. Theo truyền thuyết, Thành Dền còn có tên gọi là thành Cự Triền, hay thành Trại, thành Cờ, được bà Trưng Nhị cho xây đắp để chống quân của Mã Viện. Hiện, di chỉ này nằm lọt giữa cánh đồng lúa của thôn Phú Mỹ (xã Tự Lập).

Thành Dền đã trải qua 2 lần thám sát, 6 lần khai quật với tổng diện tích khoảng 280 m2. Lần thứ 7 đang khai quật từ giữa tháng 4/2010 với tổng cộng 3 hố, mỗi hố rộng 100 m2. Khu vực được các nhà khảo cổ đặc biệt quan tâm trong hố khai quật là các hố đất đen (hố rác bếp), nơi lưu giữ rất nhiều tàn tích thức ăn như xương cá, vỏ ốc...

Với những di vật và di tích tìm được, các nhà khoa học xác định Thành Dền vừa là nơi ở vừa là nơi chế tác công cụ với các nghề thủ công như làm đồ đá, làm gốm, làm đồ xương, dệt vải, đan lát và chế tác vũ khí bằng đồng. Ngoài ra, Thành Dền được coi là trung tâm luyện kim và đúc đồng lớn nhất nước ta thời Tiền Đông Sơn.

Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung cho biết, đây có thể là dấu tích của một lò đúc đồng.

Đất tại các hố có chứa di vật được đánh dấu, để riêng trong từng bao tải mang đi sàng lọc.

Những công nhân khai quật, sàng lọc... đều là người ở thôn Phú Mỹ. Họ đều đã quen việc, làm rất cẩn thận, có nguyên tắc. Ngoài ra, chuyên gia của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân và Bảo tàng Hà Nội luôn có mặt để giám sát, hướng dẫn.

Tất cả các công nhân đều khẳng định, những hạt thóc nảy mầm đều được tìm thấy dưới các hố khảo cổ. Ai cũng ngạc nhiên và cho là "kỳ diệu" vì sau hàng ngàn năm các hạt thóc vẫn còn sức sống mạnh mẽ đến thế.

Theo VnExpress
  • 2.261