Cần gì lên sao Hỏa cho xa, ngay ở Trái đất cũng có 50 loài "quái vật ngoài hành tinh" này đây (Phần 1)

  •  
  • 1.946

Theo Viện khoa học Trái đất của Đại học Columbia, các nhà khoa học biết về không gian ngoài vũ trụ còn nhiều hơn những gì dưới đại dương ngay trên hành tinh của chúng ta. Vì vậy, dưới đại dương cũng còn rất nhiều sinh vật bí ẩn không kém những gì ta liên tưởng về sự sống ngoài hành tinh. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Dalhousie ở Nova Scotia, Canada tin rằng 91% loài động vật biển vẫn chưa được biết đến.

Trong số 235.000 loài mà chúng ta biết, nhiều loài đã thích nghi với môi trường sống của chúng với thói quen ngụy trang, phát quang sinh học và giao phối đặc biệt - dẫn đến một số có vẻ ngoài độc đáo, số khác thì có khuôn mặt “chỉ mẹ chúng mới thương nổi”. Đây là 50 sinh vật biển sâu kỳ lạ nhất.

1. Tôm bọ ngựa (Peacock mantis shrimp)

Tôm bọ ngựa

Được tìm thấy ở Ấn Độ Dương và vùng nhiệt đới phía tây Thái Bình Dương, tôm tít công, hay còn gọi là tôm bọ ngựa, là loài giáp xác có màu sặc sỡ nổi tiếng với khả năng nhanh chóng "đấm" con mồi bằng hai càng phụ phía trước. Theo Oceana, nhóm vận động bảo tồn đại dương quốc tế, cú đấm của loài tôm này là một trong những chuyển động nhanh nhất trong thế giới động vật - đến mức nó đủ mạnh để phá vỡ bức tường kính của bể cá. Chúng hầu như chỉ dùng “nắm đấm thép” để phá vỡ vỏ của các loài động vật mà chúng ăn, như cua, sò.

2. Hải sâm Pink See-Through Fantasia

Hải sâm Pink See-Through Fantasia

Cái tên “Hồng xuyên thấu” nghe giống như bộ đồ lót gợi cảm, nhưng đừng để bị lừa: Đây là một loài hải sâm, được tìm thấy sâu khoảng 2,5 km dưới biển Celebes ở phía tây Thái Bình Dương, phía đông Borneo. Nó chỉ mới được phát hiện cách đây hơn một thập kỷ, vào năm 2007, nhưng loài hải sâm này có một chiến thuật sinh tồn cho thấy quá trình tiến hóa lâu đời của nó: phát quang sinh học để xua đuổi những kẻ săn mồi. Pink See-Through Fantasia được đặt tên theo lớp da trong suốt của nó, qua đó có thể nhìn thấy miệng, hậu môn và ruột.

3. Cá vây chân (Frogfish)

Cá vây chân

Cá vây chân có khả năng ngụy trang cực tốt với môi trường xung quanh chúng, chủ yếu là các rạn san hô. Nhìn sơ qua, chúng giống như bọt biển hoặc đá phủ tảo và có khá nhiều màu sắc, hình dáng. Một số loài cá vây chân thậm chí còn sử dụng cách ngụy trang của chúng không phải để che giấu mà thay vào đó, để bắt chước loài sên biển độc. Bất kể hình dáng bên ngoài thế nào, một điểm chung của tất cả các loài cá vây chân là phương thức di chuyển kỳ lạ của chúng. Mặc dù chúng có thể bơi, nhưng hầu hết chúng đều dùng vây để đi trên đáy biển, chúng đã phát triển thành các chi giống như cánh tay, bao gồm cả một khớp giống như khuỷu tay.

4. Cá chình ruy băng (Ribbon Eel)

Cá chình ruy băng

Thường ẩn mình trong hang xung quanh các rạn san hô, cá chình ruy băng (đôi khi được gọi là cá chình mũi lá) sống ở vùng biển Indonesia từ Đông Phi, đến miền nam Nhật Bản, Australia và Polynesia thuộc Pháp. Những con non ban đầu có màu đen, với một dải màu vàng nhạt dọc theo các vây, và khi chúng lớn lên, chúng chuyển sang màu xanh và vàng tươi. Những con cá chình này được coi là "lưỡng tính nguyên sinh", nghĩa là chúng thay đổi giới tính từ đực sang cái nhiều lần trong suốt cuộc đời.

5. Cá mập mang xếp (Frilled shark)

Cá mập mang xếp

Cá mập mang xếp, Chlamydoselachus anguineus, là một trong những sinh vật trông ghê rợn nhất biển cả. Nó trông giống một con quái vật cổ đại và có lý do cho điều đó: nguồn gốc của sinh vật tiền sử này có từ 80 triệu năm trước. Cá mập mang xếp có thể dài tới khoảng 2 m và được đặt tên vì vẻ ngoài có nhiều nếp gấp ở mang của nó. Mặc dù có tên là cá mập, nhưng những con vật này bơi theo kiểu ngoằn ngoèo, giống như một con cá chình. Chúng chủ yếu ăn mực, thường nuốt trọn con mồi.

6. Giun “Cây thông Noel” (Christmas Tree Worm)

Giun "Cây thông Noel"

Các nhà khoa học đã tìm thấy sinh vật kỳ lạ này tại Đảo Thằn lằn (Lizard Island) thuộc rạn san hô Great Barrier Reef và đặt tên cho nó là “cây thông Noel”. Các "nhánh" xoắn ốc thực chất là hệ thống thở và kiếm ăn của loài giun này, trong khi bản thân chúng sống trong một cái ống bên dưới. Những bộ phận giống như tán cây này được bao phủ bởi phần phụ giống như lông, được gọi là đài. Chúng được sử dụng để thở và bắt mồi, nhưng chúng có thể rút lại nếu con giun cảm thấy bị đe dọa.

7. Cua hộp (Box Crab)

Cua hộp

Giống như rất nhiều sinh vật biển khác, cua hộp là bậc thầy về ngụy trang. Trong trường hợp này, loài giáp xác - chủ yếu sống dưới đáy biển - chôn mình dưới cát, chỉ với đôi mắt nhô lên. Một trong những khía cạnh hấp dẫn nhất trong vòng đời của cua hộp là thói quen giao phối của nó. Khi cua hộp đực tìm thấy bạn đời của mình, nó sẽ dùng càng bám chặt lấy con cái và mang nó đi vòng quanh đáy biển cho đến khi cái lột vỏ.

8. Giun Squidworm

Giun Squidworm

Các nhà nghiên cứu lần đầu tiên phát hiện ra loài “giun mực” vào năm 2007 gần 3 km dưới mặt nước. Cái tên được đặt dựa trên hình dáng kỳ lạ của nó với 10 phần phụ nhô ra khỏi đầu, trông giống như những chiếc xúc tu của mực. Loài giun mực sử dụng những thứ này để thu thập các mảnh vụn thức ăn rơi xuống từ vùng nước ở trên, được gọi là "tuyết biển".

9. Bọ biển khổng lồ (Giant Isopod)

Bọ biển khổng lồ

Những con vật này có nguồn gốc từ vùng nước lạnh, sâu và có thể phát triển khá lớn; vào năm 2010, một tàu nghiên cứu đã phát hiện ra một bọ biển khổng lồ có kích thước 76 cm. Những loài giáp xác này là động vật ăn thịt và thường ăn những động vật chết rơi xuống từ bề mặt đại dương. Mặc dù được phát hiện vào năm 1879, những sinh vật này hầu như vẫn là một bí ẩn. Tuy nhiên, người ta tin rằng chúng phát triển lớn để có thể chịu được áp lực dưới đáy biển.

10. Sên biển (Nudibranch)

Sên biển (Nudibranch)

Với hơn 3.000 loài khác nhau được ghi nhận, nudibranch cực kỳ đa dạng. Những sinh vật nhỏ bé này được tìm thấy khá nhiều ở khắp mọi nơi, ở cả vùng nước nông và sâu, từ cực Bắc và cực Nam và đến vùng nhiệt đới. Chủ yếu phân thành hai loại: dorid nudibranch với các mang giống như lông trên lưng để giúp chúng thở; và aeolid nudibranch, thở bằng một loại cơ quan khác, cũng nằm trên lưng của chúng, được gọi là cerata.

Sên biển nhỏ bé và không có lớp vỏ bảo vệ, thay vào đó nó tự bảo vệ mình bằng lớp ngụy trang sáng sủa, là một tín hiệu cảnh báo. Nhưng có lẽ khả năng thích nghi ấn tượng của chúng là khả năng nuốt, tiêu hóa và tái sử dụng các tế bào đốt của con mồi.

11. Sên “thiên thần biển” (Sea Angel)

Sên thiên thần biển

Mặc dù chúng được gọi là thiên thần biển nhưng những sinh vật này thực sự là loài sên biển săn mồi. Platybrachium antarcticum "bay qua các vùng nước sâu ở Nam Cực để săn loài pteropods có vỏ (một loại ốc) mà nó ăn", theo các nhà nghiên cứu. Các thiên thần biển có phần mở rộng của bàn chân, giúp chúng di chuyển trong nước.

12. Cá chình bồ nông (Pelican eel)

Cá chình bồ nông

Cá chình gulper (hay còn gọi là cá chình bồ nông) được đặt tên vì cái miệng và hàm khổng lồ, giúp chúng có thể nuốt trọn con mồi. Chúng có thể dài tới gần 2 m và cái miệng khổng lồ cho phép chúng săn lùng những con mồi có kích thước lớn. Điều này thường xảy ra khi thức ăn khan hiếm - thông thường, chúng ăn động vật giáp xác và các động vật biển nhỏ khác.

13. Marrus Orthocanna

Marrus Orthocanna

Trông giống như một tên lửa, sinh vật cực nhỏ kỳ lạ này được tạo thành từ nhiều phần lặp đi lặp lại, bao gồm cả xúc tu và nhiều dạ dày. Chúng có liên kết với loài sứa man o'war. Marrus orthocanna là một loài sứa ống - một động vật gồm tổ hợp phức tạp các zooids. Loài này sinh sống ở các vùng nước Bắc Cực và các vùng nước lạnh.

14. Mực khổng lồ

Mực khổng lồ

Mực khổng lồ, Architeuthis dux, lớn nhất từng được ghi nhận có chiều dài 13 m, gần bằng nửa chiều dài của cá voi xanh. Đầu năm 2021, các nhà khoa học đã tạo ra một bản thảo trình tự bộ gen cho loài mực khổng lồ, với nỗ lực để hiểu rõ hơn về nó. Với khoảng 2,7 tỷ cặp base DNA, bộ gen của nó có kích thước khoảng 90% so với bộ gen người. Các nhà khoa học vẫn không biết nhiều về con quái vật khổng lồ này, bởi vì hầu hết những gì chúng ta biết đều đến từ xác trôi dạt vào bờ biển. Hầu hết thời gian, mực khổng lồ sống ở vùng nước sâu đến nỗi chúng ta không bao giờ nhìn thấy chúng.

15. Bọ Munnopis (Munnopis Isopod)

Bọ Munnopis

Ngay cả các nhà khoa học cũng chưa tìm ra nhiều về loài sống ở vùng biển sâu thẳm phía Nam này. Isopod là những sinh vật cổ đại (chúng đã ở trên Trái đất, dạng này hay dạng khác, trong 300 triệu năm hoặc lâu hơn) không có xương sống mà có bảy cặp chân. Trên đất liền, bạn có thể quen thuộc với người anh em họ của chúng, con rận gỗ.

16. Cá dơi môi đỏ (Red-lipped Batfish)

Cá dơi môi đỏ

Loài cá có vẻ ngoài kỳ lạ này có thể được tìm thấy dưới đáy đại dương. Nó được đặt tên nhờ đôi môi đỏ, trông có vẻ như đang tô son. Mặc dù cá dơi môi đỏ dường như có chân, nhưng các phần phụ giống như chi của nó thực chất là vây mà sinh vật này sử dụng để đứng và kiểm tra môi trường xung quanh.

17. Ốc bọc giáp (Armored Snail)

Ốc bọc giáp

Không có loài ốc nào khác trên thế giới được “bọc giáp” như Crysomallon squamiferum, sống trong các miệng phun thủy nhiệt sâu ở Ấn Độ Dương. Nó có khá nhiều tên gọi khác, bao gồm "động vật chân bụng có vảy", "ốc chân có vảy" và thậm chí là "tê tê biển". Ngày nay, cấu trúc vỏ nhiều lớp của nó đang tạo cảm hứng cho các vật liệu bền hơn, từ vỏ máy bay đến thiết bị quân sự.

18. Bạch tuộc phát quang sinh học (Bioluminescent Octopus)

Bạch tuộc phát quang sinh học

Một trong số ít loài bạch tuộc được biết đến có khả năng sử dụng phát quang sinh học, bạch tuộc Stauroteuthis syrtensis sống sâu khoảng 1,6 km trong Vịnh Maine. Nó có thể định vị các tế bào quang điện (cơ quan phát sáng) để đánh lừa con mồi bơi ngay vào miệng.

19. Ốc lưỡi hồng hạc (Flamingo tongue Snail)

Ốc lưỡi hồng hạc

Với cái tên như vậy và màu sắc rực rỡ phù hợp, bạn có thể nghĩ rằng loài Cyphoma gibbosum này có một chiếc vỏ đáng để sưu tầm. Không phải như vậy. Tất cả màu sắc của ốc lưỡi hồng hạc đến từ các phần mềm của cơ thể, bao bọc bên ngoài vỏ của nó. Khi bị đe dọa, nó có thể thu mình lại , để lộ lớp vỏ thực sự.

20. Mực ma cà rồng (Vampire Squid)

Mực ma cà rồng

Điều kỳ lạ là sinh vật biển này không phải là mực, cũng không phải là bạch tuộc, mặc dù bề ngoài rất giống của nó. Các nhà khoa học đã chỉ định mực ma cà rồng là một loài động vật hoàn toàn riêng biệt. Một lần nữa, cái tên có thể gây nhầm lẫn - những sinh vật này không hút máu và thực sự là những kẻ săn mồi khá thụ động, vì chúng là động vật ăn lọc. Thay vào đó, cái tên này được đặt dựa vào vùng da giữa hai cánh tay của nó, giống như một chiếc áo choàng, loài vật nhỏ bé này cũng sống trong vùng nước tối đen như mực, khiến ta liên tưởng đến ma cà rồng.

21. Cá quan tài (Coffinfish)

Cá quan tài

Còn được gọi là "ếch biển", những loài cá nước sâu này là họ hàng của cá vây chân. Những sinh vật này có một mồi nhử nhỏ, cá quan tài sử dụng nó để dụ con mồi về phía chúng, và vì có quá ít ánh sáng ở độ sâu nơi chúng sống, nên nó cho phép chúng nhanh chóng tấn công. Theo Tạp chí Smithsonian, những con cá này cũng "tự hào về những chiếc mang lớn đến mức chúng có thể tăng thể tích cơ thể lên đến 30% khi hít một lượng nước đáng kể." Điều đó tương đương với việc một con người thổi phồng phổi của họ lên kích thước bằng cả bụng. Chúng làm điều này khi phát hiện có mối đe dọa.

22. Hải long lá (Leafy Seadragon)

Hải long lá

Được tìm thấy dọc theo bờ biển phía tây nam của Australia, loài hải long lá, tên khoa học là Phycodurus eques, sử dụng vây của nó không chỉ để di chuyển trong nước mà còn dùng để ngụy trang giống như một mảnh rong biển trôi dạt. Vì chúng có cái đầu khá to so với phần còn lại của cơ thể nên chúng có khả năng tập trung áp lực ở miệng để hút con mồi vào. Tương tự như cá ngựa, con đực mang theo trứng đã thụ tinh. Nhưng chúng không có một chiếc túi đặc biệt, loài hải long mang những quả trứng bên dưới đuôi của nó.

23. Cá giọt nước (Blobfish)

Cá giọt nước

Loài cá này có tên khoa học là Psychrolutes microporos, nhưng cũng được gọi là “cá đầu béo”. Tạp chí Smithsonian thậm chí còn cho biết đây được xem là "động vật xấu xí nhất thế giới". Nhưng cá blobfish là một loài sinh vật biển khá đáng kinh ngạc, sống sót ở độ sâu hơn 1.200 m, nơi có áp suất cao hơn 120 lần so với bề mặt. Và đây là vấn đề: cá blobfish chỉ thực sự xấu xí khi được đưa lên mặt nước. Hầu hết các loài cá đều có một bọng bơi, hoặc một túi khí bên trong cơ thể để giữ cho chúng nổi. Khi cá bị đưa ra khỏi môi trường điển hình của chúng, các túi này sẽ phình lên, dẫn đến các bộ phận bên trong bị đẩy ra ngoài qua miệng. Do đó, chúng ta chỉ thấy cá blobfish xấu xí đến như vậy khi nó đã chết và bị đưa ra khỏi môi trường sống, dù bình thường nhìn nó cũng không đẹp gì.

24. Sứa Crossota Norvegica

Sứa Crossota Norvegica

Được biết đến với màu đỏ rực rỡ, Crossota norvegica là một loại sứa được thấy từ biển sâu lưu vực Bắc Cực Canada. Nó sống ở độ sâu hơn 1.000 m và sử dụng các tế bào ngoại bì để đốt con mồi. Không rõ chính xác những sinh vật này ăn gì, nhưng rất có thể đó là sự kết hợp của động vật phù du và thực vật phù du.

25. Cua Yeti

Cua Yeti

Loài cua có lông này trông khác thường đến nỗi khi các nhà khoa học phát hiện ra nó ở độ sâu 1.500 m trên một lỗ phun thủy nhiệt ở phía nam Đảo Phục Sinh, họ đã chỉ định nó không chỉ là một chi mới, Kiwa, mà còn là một họ mới, Kiwidae. Có khả năng nó bị mù và có thể sử dụng vi khuẩn trong càng phủ lông để khử độc thức ăn.

(còn tiếp)...

Cập nhật: 03/09/2021 Theo Pháp luật & bạn đọc
  • 1.946