Cân nhắc phá đường để cứu lụt cho Bangkok

  •  
  • 510

Trung tâm Điều hành Chống Lũ lụt Thái Lan (FROC) đang tính tới khả năng đào các kênh thoát nước tại một số con đường ở phía đông thủ đô Bangkok, để cứu thành phố này khỏi cảnh ngập lụt.

Sơ đồ cho thấy các kênh thoát nước được tạo nên bằng việc phá 5 con đường ở phía đông thủ đô Bangkok.
Sơ đồ cho thấy các kênh thoát nước được tạo nên bằng việc phá 5 con đường
 ở phía đông thủ đô Bangkok.
(Đồ họa: Bangkok Post)

Các kênh này sẽ đưa nước lũ chảy từ phía bắc sang phía đông của thành phố 12 triệu dân, rồi sau đó đổ ra biển, thay vì chảy theo hướng bắc xuống nam, Bangkok Post cho hay. Việc làm này nhằm khống chế dòng nước lụt, khiến nó không thể đi vào các khu vực trung tâm của thủ đô Bangkok.

Đây là đề xuất của một nhóm các kỹ sư và chuyên gia quản lý nguồn nước, đứng đầu là ông Ninnart Chaithirapinyo, phó chủ tịch Toyota chi nhánh Thái Lan. Nhóm này đã gặp Thủ tướng Yingluck Shinawatra hôm qua để bàn về đề xuất giải cứu Bangkok. Theo ông Ninnart, các chuyên gia đều nhất trí rằng 5 con đường ở phía đông Bangkok được cho là sự lựa chọn lý tưởng để ngăn chặn dòng nước từ phía bắc đổ về.

Các con kênh sẽ được đào trên bề mặt của những con đường nói trên, để dẫn dòng nước lũ sang phía đông thủ đô Bangkok trước khi đổ ra biển. Độ rộng của một con kênh thoát nước trên mỗi con đường sẽ vào khoảng từ 5 tới 6 m, tức là đủ để dòng nước lụt có thể chảy một cách bình thường.

Ông Ninnart giải thích rằng, nhóm chuyên gia đưa ra đề xuất táo bạo nói trên sau khi nhận thấy rằng các máy bơm nước và hệ thống thoát nước ở phía đông Bangkok đang không làm việc ở công suất cao nhất. Nguyên nhân của điều này là vì các con đường đã chặn dòng chảy của lũ, khiến nước không tới được các vùng này, nơi các máy bơm đang ở trạng thái "nghỉ ngơi" vì không có nước. Nếu các con kênh được tạo ra, chúng có thể giúp tiêu thoát khoảng 60 triệu m3 nước lũ mỗi ngày.

Ông Ninnart cũng cho hay nhóm của ông sẽ cố gắng huy động các nhà thầu giúp đỡ công việc đào các kênh thoát nước. Nếu đề xuất này được chính phủ Thái Lan thông qua, giới chức nước này sẽ phải sớm đánh giá được tác động của kế hoạch này đối với người dân sống ở gần các con đường được chọn để "hy sinh".

Các tình nguyện viên tham gia đắp đê ngăn lũ tại Tòa nhà Chính phủ Thái Lan.
Các tình nguyện viên tham gia đắp đê ngăn lũ tại Tòa nhà Chính phủ Thái Lan.
(Ảnh: Bangkok Post)

Sau cuộc gặp gỡ với nhóm của ông Ninnart, Thủ tướng Yingluck cho hay bà đã nói rằng sẽ bàn bạc chi tiết hơn với Bộ Giao thông, Cục Đường cao tốc, Cục Thủy lợi và chính quyền vùng thủ đô Bangkok. Bà cũng nói sẽ kêu gọi triệu tập một cuộc họp của các quan chức liên quan, nhằm đánh giá những tác động có thể xảy đến nếu kế hoạch đào các con kênh được tiến hành.

Bộ trưởng Giao thông Sukumpol Suwanatat cho rằng nếu kế hoạch được thông qua, "tác dụng phụ" của nó đối với người dân là khó tránh khỏi. Các chuyên gia lúc này đang tiếp tục kiểm tra các con đường và nghiên cứu các chi tiết liên quan. "Sẽ phải có sự hy sinh nếu không chúng ta chẳng thể nào giải quyết được bài toán về một khối lượng nước khổng lồ từ phía bắc đổ về", ông Sukumpol nói.

Bộ trưởng Giao thông Thái Lan cũng cho biết toàn bộ quá trình đạo các con kênh sẽ diễn ra trong vòng hai giờ đồng hồ. Chawalit Chantararat, giám đốc điều hành đơn vị kinh doanh nguồn nước của tập đoàn TEAM, đồng ý với quan điểm trên, nhưng đồng thời cho rằng độ rộng mỗi con kênh khoảng 5 tới 6 m là chưa đủ hiệu quả để kiểm soát lượng nước khổng lồ. Ông Chanwalit đề xuất đào thêm các con kênh ở một số khu vực khác để tăng hiệu quả của chiến dịch bẻ dòng chảy của nước lũ.

Trong lúc này, một nguồn tin từ FROC cho hay một số thành viên của cơ quan này không đồng ý với đề xuất phá đường làm kênh thoát lũ để cứu Bangkok. Họ lo ngại rằng nó có thể là một phương án "lợi bất cập hại", và chưa có lý giải rõ ràng nào được đưa ra về việc phương pháp đào các con kênh sẽ thực sự giúp tiêu thoát nước lũ. Họ cũng lo ngại những con đường bị phá để làm kênh sẽ có tác động lớn đối với cư dân ở khu vực đó.

Sơ đồ cho thấy dòng nước lụt (màu xanh) đang bao vây thủ đô Bangkok.
Sơ đồ cho thấy dòng nước lụt (màu xanh) đang bao vây thủ đô Bangkok.
(Đồ họa: UNOSAT)

Phó Thống đốc Bangkok Thirachon Manomaipibul hôm qua lại cho hay FROC và chính quyền thành phố đồng ý rằng việc phá đường làm kênh sẽ được tiến hành trên tuyến đường cao tốc Bangkok - Chon Buri và tuyến đường Bang Na - Trat, nhằm khiến dòng nước lũ chảy ra biển nhanh hơn. Ông Thirachon cho hay các con kênh thoát nước đã bị chặn lại bởi hai tuyến đường kể trên.

Những cây cầu tạm cũng sẽ được xây dựng tại các khu vực mà hai tuyến đường nói trên chạy qua, sau khi việc phá đường làm kênh được thực hiện xong. Phó Thống đốc Bangkok cho rằng công việc phá đường làm kênh dự kiến sẽ được hoàn tất trong 3 ngày.

Tuy nhiên, Seri Supparathit, một chuyên gia về thảm họa thiên nhiên ở trường đại học Rangsit cho rằng các phương án phá đường làm kênh thoát nước không có tính thực tế, bởi vì mực nước hiện nay ở khu Bang Pakong, ở phía đông Bangkok và là cửa ngõ dự kiến để nước lụt đổ ra biển, lại đang cao hơn mực nước tại thủ đô Thái Lan. Theo ông Seri, các tốt nhất lúc này là dỡ các đê chắn lũ tại kênh Rangsit ở phía đông thủ đô Bangkok, rồi sử dụng ít nhất 10 máy bơm nước công suất lớn để tiêu thoát dòng nước lũ.

Theo Vnexpress
  • 510