Cảnh báo "mã đỏ" cho thấy Trái đất đối diện nguy cơ sụp đổ

  •  
  • 267

Các nhà khoa học cho rằng 16 trên 35 dấu hiệu quan trọng cho thấy chúng ta đang ở mức độ cực đoan kỷ lục về biến đổi khí hậu.

Bất chấp những cảnh báo lặp đi lặp lại về biến đổi khí hậu, phá hủy môi trường sống, nhiều xu hướng hiện nay vẫn đang đi sai hướng.

Đây là nhận định của các nhà khoa học tới từ Đại học Independent ở Bangladesh. Họ khẳng định nhân loại đang phải đối mặt với một lựa chọn rõ ràng, đó là thực hiện những thay đổi nhanh chóng và có ý nghĩa đối với hành tinh, hoặc đối mặt với khả năng rất thực tế của sự sụp đổ xã hội toàn cầu.

Trái đất đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ không thể hoàn tác.
Trái đất đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ không thể hoàn tác.

Theo nghiên cứu của nhóm, có tới 16 trên 35 dấu hiệu quan trọng, đến từ các hiện tượng như việc tăng tần suất những ngày nắng nóng khắc nghiệt, tỷ lệ cây cối bị mất đi trên toàn cầu, dịch bệnh và virus gia tăng, sự thay đổi khối lượng băng ở Nam Cực, hay mức độ carbon dioxide trong khí quyển... cho thấy chúng ta đang ở mức độ cực đoan kỷ lục về biến đổi khí hậu.

Báo cáo đề cập đến nhiều sự kiện liên quan đến biến đổi khí hậu vừa xảy ra trong năm nay, điển hình như trận hạn hán tồi tệ nhất ở châu Âu trong 500 năm; lượng mưa kỷ lục ở bờ biển phía đông Australia; đợt nắng nóng chết người ở Ấn Độ và Pakistan; bão bụi lan rộng ở Trung Đông; trận lũ lụt nghiêm trọng đã phá hủy những con đường trong Công viên Quốc gia Yellowstone ở Mỹ.

Theo họ, đây là những cảnh báo "mã đỏ", cho thấy Trái đất đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ không thể hoàn tác, nếu như con người kịp thời tạo ra sự khác biệt trong tương lai gần.

"Biến đổi khí hậu không phải là một vấn đề riêng lẻ. Đó là một phần của vấn đề mang đến tính hệ thống lớn hơn, nơi mà nhu cầu của con người đang vượt quá khả năng tái tạo của sinh quyển", nhóm nghiên cứu cho hay.

"Để tránh một tương lai đau khổ, chúng ta cần bảo vệ thiên nhiên, loại bỏ hầu hết lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và ưu tiên tập trung vào các khu vực dân cư đời sống thấp, cũng như dễ bị tổn thương nhất".

Các chuyên gia dự đoán mức độ nóng lên toàn cầu sẽ tăng 3 độ C vào năm 2100. Đây là mức nhiệt mà hành tinh của chúng ta chưa từng chứng kiến trong khoảng 3 triệu năm.

Các nhà nghiên cứu cũng đã thực hiện một bộ phim tài liệu dài 35 phút có tên "Lời cảnh báo của các nhà khoa học" để thúc đẩy hành động và nâng cao nhận thức của người dân trên toàn thế giới.

Họ hy vọng rằng sẽ có ngày càng nhiều các nhà khoa học, các nhà vận động đưa ra quan điểm của mình để thúc đẩy những hành động khẩn cấp, thiết thực vì lợi ích của thế hệ tương lai.

Cập nhật: 02/11/2022 Dân Trí
  • 267