Các chuyên gia y tế Thái-lan cảnh báo nước này đang đối mặt mối đe doạ của các chủng HIV mới, có khả năng làm dịch HIV / AIDS lan rộng và nhanh hơn.
Trung tâm Thông tin sinh học và HIV quốc gia Thái Lan trong một xét nghiệm hồi cuối năm ngoái đã phát hiện loại virus mới nói trên. Trung tâm sau đó thường xuyên tiến hành các xét nghiệm để tìm hiểu xem loại virus này có biến đổi nào đáng kể trong cấu trúc gene hay không.
Virus AIDS (Ảnh: lanl.gov) |
Giáo sư Ruengpung, giám đốc trung tâm cho biết, chủng virus E-C mới này xuất hiện trong koảng 0,5% của 201 mẫu xét nghiệm. Hầu hết những người nhiễm virus mới này ở các tỉnh miền đông, như Rayong hay Chonbủi.
Một báo cáo của trường Đại học John Hopkins đưa ra hồi cuối năm ngoái cũng chỉ rõ các chủng "virus kết hợp" có khả năng đẩy tốc độ lây lan bệnh nhanh hơn.
Theo giáo sư Prasert Thongcharoen, nhà khoa học chuyên nghiên cứu về siêu vi khuẩn hàng đầu ở Thái-lan, hiện nay trên thế giới có khoảng 20 chủng virus kết hợp có khả năng lây lan nhanh. Các chủng HIV ở Thái-lan cũng đang phát triển theo hướng kết hợp một cách nhanh chóng đáng báo động.
Giáo sư Reupung cũng cho rằng, ngoài khả năng lây lan nhanh, sự kết hợp của chủng C với các chủng khác gây lo ngại về tính kháng thuốc của các chủng virus kết hợp, ảnh hưởng các thử nghiệm vaccine HIV đang được tiến hành hiện nay. Ở Thái Lan các thử nghiệm vaccine chỉ được tiến hành đối với các chủng E và B.
Các chuyên gia cho rằng, trong khi các cuộc thử nghiệm vẫn đang được tiến hành, trước sự xuất hiện của các chủng HIV kết hợp mới hết sức phức tạp, thì cần đề cao các biện pháp phòng ngừa.
Trưởng đại diện Văn phòng Liên hợp quốc về ma tuý và tội phạm khu vực Nam Á Gary Lewis kêu gọi các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đẩy nhanh chiến dịch ngăn chặn dịch HIV/AIDS, đặc biệt trong nhóm đối tượng tiêm chích ma tuý. Ông cho rằng, ở một số quốc gia HIV lây lan nhanh trong các nhóm nguy cơ cao, trong đó có tiếm chích ma tuý, vì vậy "cần phải hành động ngay".
Phát biểu tại hội nghị nhóm công tác khu vực do Liên hợp quốc điều phối về HIV/AIDS trong nhóm tiêm chích ma tuý (IDUs), vừa họp tại Kuala Lumpur, ông Lewis nói: "Nếu chúng ta hướng mục tiêu vào nhóm đối tượng này, chúng ta có thể có một cơ hội thực tế để kiềm chế lây lan HIV sang cộng đồng".
Liên hợp quốc ước tính rằng, ở khu vực Nam và Đông Nam Á hiện có khoảng từ 1,3 triệu đến 5,3 triệu người tiêm chích ma tuý. HIV/AIDS vẫn hoành hành trong nhóm IDUs ở một số nước, như Malaysia và Việt Nam ở Đông Nam Á, hay Nepal và Bangladesh ở Nam Á.
Tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ trong nhóm tiêm chích ma túy không tới 5% ở hầu hết các nước trong khu vực. Các dịch vụ bao gồm giáo dục, phát kim tiêm, các liệu pháp điều trị, kể cả các loại thuốc như methadone (thuốc gây mê).
Liên hợp quốc khuyến cáo, nếu các quốc gia không thể nâng tỷ lệ này lên từ 50% đến 80%, thì sẽ không tạo được thay đổi trong việc ngăn chặn HIV lây lan. Muốn tạo thay đổi, trong 3 đến 5 năm tới các nước cần thúc đẩy chiến dịch "phê phán rộng rãi" trong cộng đồng những người tiêm chích ma túy để ngăn chặn lây lan virus.
CHU HỒNG THẮNG