Cảnh giác với ngộ độc ở trẻ em

  •  
  • 393

(Ảnh minh họa: TTO)Tại TP.HCM chưa có thống kê chính thức từ Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 nhưng ước lượng có 300-400 trường hợp ngộ độc ở trẻ em mỗi năm. Nguyên nhân chủ yếu là do nhầm lẫn hay tai nạn.

Nhà thuốc bán nhầm thuốc!

Thường các trường hợp ngộ độc do nhầm lẫn xảy ra ở trẻ từ 1-6 tuổi. Đây là lứa tuổi phát triển nhanh về nhận thức thế giới xung quanh, do đó trẻ rất tò mò và hay bắt chước nên chúng rất dễ bị ngộ độc do uống phải các loại hóa chất sử dụng trong nhà hay các thuốc mà người lớn uống. Các hóa chất thường gây ngộ độc ở trẻ nhỏ là dung dịch tẩy rửa, dầu hôi hay xăng, thậm chí là thuốc trừ sâu, rầy. Ở bệnh viện, chúng tôi gặp nhiều trường hợp trẻ nhỏ uống nhầm dầu hôi đựng trong chai nước suối.

Trẻ nhỏ còn hay bắt chước người lớn uống một số loại thuốc mà người lớn uống, đặc biệt hay gặp trẻ uống nhầm các loại thuốc viên ngừa thai hay các loại thuốc an thần của người lớn. Các loại thuốc này đều có thể gây ngộ độc nặng dẫn đến tử vong.

Một dạng nhầm lẫn khác thỉnh thoảng gặp là cha mẹ cho con uống nhầm thuốc hoặc nhà thuốc bán nhầm thuốc vì một số thuốc có tên gần giống nhau hay có vỏ bao gần giống nhau. Tại phòng khám đã gặp một trường hợp ngộ độc thuốc Haloperidol (thuốc chống loạn thần) do nhà thuốc bán nhầm vì tưởng đó là viên Prednisone (có bao bì gần giống nhau).

Sự nhầm lẫn dẫn đến ngộ độc không chỉ do bản thân trẻ mà còn do nhận thức chưa đúng của phụ huynh. Trước đây, các bậc phụ huynh hay ông bà thường hay nghĩ rằng cho bé chừng vài tháng tuổi uống thứ nước đỏ đỏ như nước củ dền có thể bổ máu cho bé. Đây là quan niệm sai lầm vì trong các loại củ hay rau quả ở một số mùa trong năm có thể có hàm lượng nitrate và nitrite cao. Chính các chất này khi vào cơ thể (nhất là ở các trẻ nhũ nhi) sẽ làm trẻ tím tái, khó thở.

Trẻ em đôi khi cũng bị ngộ độc do tự tử. Ở lứa tuổi 10-17, trẻ rất nhạy cảm với các lời chỉ trích phê bình, đặc biệt trong lĩnh vực học tập. Nhiều trường hợp ngộ độc do tự tử ở trẻ em là do buồn giận vì bị điểm kém, bị thầy cô hay cha mẹ la rầy. Các trường hợp này thường rất nặng, có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. 

Ở trẻ em cũng hay gặp các trường hợp tai biến điều trị hoặc quá liều thuốc. Có một số thuốc rất ít gây tác hại ở người lớn nhưng có thể gây hại ở trẻ em. Chúng tôi hay gặp trường hợp bị loạn trương lực cơ cấp với các triệu chứng như ưỡn cổ, mắt trợn lên, có khi ưỡn cong người như uốn ván sau khi uống thuốc chống ói Metoclopramide. Thậm chí có trường hợp trẻ uống loại thuốc ho có chứa Dextromethorphan quá liều và gây ngừng thở. Trường hợp ngừng thở do ngộ độc Dextromethorphan rất hiếm xảy ra. Cũng may là trường hợp này được cứu sống.

Để rượu, cồn xa tay trẻ

Khi trong nhà có trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh nên phòng ngừa ngộ độc cho bé. Sau đây là một số khuyến cáo: nhớ để thuốc và hóa chất trong tủ có khóa và ngoài tầm với của trẻ em. Phải cất các hóa chất như nước thông cống, thuốc men, thuốc trừ sâu rầy... chỗ nào cho an toàn. Không để các chai chứa rượu cồn trong tầm với của trẻ. Chất rượu cồn có thể gây ngộ độc nặng. Chỉ cần khoảng 100ml rượu mạnh có thể giết chết một bé 2 tuổi. Cần lưu ý trong các loại nước súc miệng cũng chứa 15-25% cồn.

Bất cứ khi nào con bạn được kê toa thuốc, hãy chắc chắn là bé uống đúng và đủ liều, nếu là chai thuốc thì phải có nắp an toàn. Luôn luôn đọc kỹ toa thuốc và tờ giấy thông tin về thuốc đi kèm theo thuốc. Không tự ý mua thuốc cho con bạn uống. Hãy đưa bé đi khám bệnh để được chẩn đoán và cho thuốc đúng. Có nhiều bệnh không nhất thiết phải uống thuốc.

Đừng bao giờ dụ trẻ uống thuốc bằng cách nói rằng thuốc là kẹo; không nên uống thuốc trước mặt trẻ; rửa sạch tay trước khi chuẩn bị thức ăn; không để bất cứ hóa chất nào (đặc biệt là xăng dầu hay thuốc trừ sâu rầy) trong các chai nước uống hay hộp chứa thức ăn. Cha mẹ phải luôn giám sát xem trẻ ở đâu và đang làm gì.

 Bác sĩ NGUYỄN TRÍ ĐOÀN (Phòng khám Victoria Healthcare Mỹ Mỹ)

Theo Tuổi trẻ
  • 393