Cảnh giác với Paracetamol

  •  
  • 1.224

Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt, ít tác dụng phụ, hiệu quả và khá an toàn. Song, nếu dùng quá liều hay coi đó như một loại thuốc giải rượu sẽ gây tổn thương nhiều bộ phận trong cơ thể, thậm chí dẫn đến tử vong.

Ngộ độc Paracetamol không còn là chuyện hiếm

Cảm cúm đang là căn bệnh của thời đại. Chỉ cần thấy toàn thân đau mỏi, khó chịu, sốt, nhức đầu..., nhiều người vội uống ngay thuốc để chặn trước. Thực sự, họ không biết rằng, các thuốc cảm cúm (thành phần chính là Paracetamol) đều gây hại cho cơ thể, thậm chí dẫn tới tử vong. Đó là ý kiến của TS Phạm Duệ, Phó Giám đốc Trung tâm Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai.

Từ năm 2002 trở về trước, tình trạng ngộ độc do thuốc cảm cúm gần như không có. Chỉ vài năm trở lại đây, số người nhập viện do ngộ độc Paracetamol đã tăng đột biến, đứng hàng thứ hai sau ngộ độc thuốc ngủ và thuốc an thần.

Rất nhiều ca ngộ độc rơi vào trẻ em

Nguyên nhân trẻ bị ngộ độc thường là do các bậc phụ huynh tự ý dùng nhiều loại thuốc với tên khác nhau (thực chất cũng là dòng Paracetamol) dẫn đến hậu quả quá liều hoặc nôn nóng hạ sốt nhanh mà "nhắm mắt" cho dùng thuốc nhiều hơn chỉ dẫn. Cũng có khi, bố mẹ cho dùng đúng liều nhưng không biết trẻ đang có thể trạng yếu, chức năng gan có vấn đề (trường hợp này phải giảm liều) dẫn đến trẻ vẫn bị ngộ độc.

Ngộ độc do thiếu hiểu biết

(Ảnh: Drugscope)

Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt được coi là khá an toàn. Song, tình trạng ngộ độc có xu hướng gia tăng cũng do Paracetamol được bán rộng rãi, người bệnh có thể tự mua không cần đơn bác sĩ. Trong hầu hết các thuốc cảm cúm đều có hoạt chất chính là Paracetamol, nếu dùng nhiều loại cùng lúc là gây quá liều. Ví dụ, có người uống đủ liều Decolgen chưa đỡ lại uống thêm một loại thuốc cảm cúm khác "mạnh hơn" như Tiffy chẳng hạn, thì sẽ dẫn đến quá liều Paracetamol. Nếu bệnh nhân có bệnh gan tiềm tàng (xơ gan hoặc viêm gan mãn...), việc lạm dụng Paracetamol sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm độc.

Rượu + Paracetamol = Hoại tử gan

TS Duệ cho biết, hiện chưa có nghiên cứu nào cho rằng paracetamol có thể "giải rượu". Khi uống nhiều rượu bia, cơ thể có cảm giác hưng phấn, sảng khoái giả tạo, nhưng nếu uống quá mức, cơ thể sẽ trở nên mệt mỏi, đờ đẫn. Paracetamol có tác dụng ức chế thần kinh trung ương khiến người uống đỡ choáng váng ngay lúc đó. Nhưng rượu bia vốn là thứ gây độc cho gan, nếu lại dùng thêm cả Paracetamol thì cơ thể sẽ chịu một lúc hai loại độc tố, tăng gánh nặng cho gan gấp nhiều lần.

Hiện tượng gan bị nhiễm độc

Hiện tượng ngộ độc thường không có triệu chứng rầm rộ ở giai đoạn đầu. Sau khi uống thuốc vài giờ, người dùng thuốc cảm thấy buồn nôn, nôn, chán ăn, mệt mỏi. Trong vòng 18-72 giờ có thể xuất hiện đau bụng kèm theo gan sưng to, sờ thấy gan đau. Suy gan sẽ tiến triển nặng nề trong thời gian từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6. Các triệu chứng gồm vàng da, hôn mê, tăng áp lực nội sọ, đông máu nội mạch rải rác, chảy máu, hạ đường huyết, suy thận và dẫn tới tử vong. Hầu hết các bệnh nhân suy gan nặng (hôn mê gan) đều dẫn tới tử vong.

Bác sĩ khuyên

- Không được dùng Paracetamol để tự điều trị cảm sốt quá 5 ngày ở trẻ em (người lớn không quá 10 ngày), trừ khi được bác sĩ hướng dẫn. Những người bị bệnh gan, suy dinh dưỡng, nghiện rượu, những người đang bị mất nước (do sốt cao kéo dài), người đang dùng các thuốc chống co giật (điều trị động kinh) phải thận trọng và chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ.

- Liều thông thường giảm sốt cho trẻ là 10-15mg/kg cân nặng, ngày uống 3-4 lần, và liều tối đa cho trẻ không quá 60mg/kg/ngày. Người lớn mỗi lần uống 500-1000mg, ngày uống 3 lần, không nên quá 3g trong ngày. Riêng đối với người cao tuổi, liều dùng nên thấp hơn do chức năng gan đã kém.

- Tuyệt đối không nên uống rượu khi dùng thuốc và uống nhiều loại thuốc cảm cúm cùng một lúc. Khi có biểu hiện ngộ độc, bằng mọi cách phải gây buồn nôn, cho uống than hoạt tính giải độc Antipois B.Mai và đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu, giải độc bằng thuốc N-acetylcystein.

Theo Sức khoẻ gia đình, VTV
  • 1.224