Cảnh quay hiếm về khoảnh khắc cá mập hổ cát ghép đôi

  •  
  • 123

Camera của thủy cung ghi lại khoảnh khắc cá mập hổ cát đực ngoạm vào thân con cái, hành vi thường thấy trong quá trình giao phối.

Camera hoạt động liên tục trong triển lãm Secret Reef của thủy cung Tennessee, Mỹ, ghi hình đôi cá mập hổ cát giao phối hôm 29/1. Trong video, cá mập đực thể hiện tình cảm với con cái bằng cách sử dụng răng.

Những nhát cắn "tình yêu" của cá mập tương đối dữ dội. Theo đó, con đực sử dụng hàm và răng để giữ con cái ở đúng vị trí. Sự tương tác này trông có vẻ hơi thô bạo với những con chưa thành thạo và có thể để lại vết thương trên vây và thân con cái. Tuy nhiên, chúng đã được chuẩn bị cho sự tương tác này.

"Nếu cùng quay mặt về một hướng, cá mập đực thường ngoạm con cái ở vị trí chiếc vây lớn bên sườn rồi uốn lượn cơ thể quanh con cái. Trông khá dữ dội, nhưng đó là cách những con cá mập này sinh sản. Chúng được cấu tạo cho việc này. Da cá mập cái gồm những chiếc vảy chắc khỏe và có thể dày hơn nhiều so với con đực. Chúng chịu một vài vết thương trong quá trình giao phối, nhưng thường chỉ ở mặt ngoài và sẽ lành lại", Thom Demas, giám đốc thủy cung, cho biết.

Hai con cá mập hổ cát ghép đôi với nhau.
Hai con cá mập hổ cát ghép đôi với nhau.

Nhóm chuyên gia tại thủy cung đang theo dõi để phát hiện các dấu hiệu cho thấy nỗ lực sinh sản đã thành công và con cái mang thai. Nếu vậy, họ có thể chào đón những thành viên mới trong khoảng 9 - 13 tháng.

Cá mập con sẽ phát triển trong bụng mẹ trước khi chào đời và bơi lội. Trong bụng mẹ, những con cá mập lớn hơn sẽ ăn thịt các anh chị em non nớt để lấy dưỡng chất. Điều này đồng nghĩa cá mập hổ cát có thể đã giết con mồi đầu tiên trước cả khi chào đời.

Dù tạo ra những con non khỏe mạnh và tài giỏi, việc ăn thịt đồng loại trong tử cung dẫn đến tỷ lệ sinh sản thấp. Cá mập hổ cát là một trong những loài cá mập sinh sản ít nhất. Đây không phải điều tốt cho loài vật được xếp vào nhóm động vật cực kỳ nguy cấp từ năm 2020 như cá mập hổ cát. Do đó, việc chúng mang thai và sinh sản trong môi trường nuôi nhốt là tin đáng mừng.

"Việc ghép cặp diễn ra không có sự trợ giúp của con người mà chỉ là kết quả của việc chăm sóc và ăn uống tốt, môi trường sống lành mạnh. Đây là dấu hiệu tốt cho thấy tính khả thi của việc sinh sản trong một môi trường nhân tạo thích hợp. Điều đó thật tuyệt vời với cá mập hổ cát, vì mục tiêu của chúng tôi là chăm sóc chúng, giúp bảo vệ và bù đắp sự suy giảm ngoài tự nhiên", Demas giải thích.

Cập nhật: 18/02/2022 Theo VnExpress
  • 123