Cặp côn trùng “yêu nhau” suốt 165 triệu năm

  •  
  • 1.991

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa khai quật được hóa thạch của 2 côn trùng cổ đại vẫn còn đang trong tư thế giao phối do bị gián đoạn bởi một vụ phun trào núi lửa.

Phát hiện này được công bố trên tạp chí Plos One. Theo tác giả nghiên cứu Chung Kun Shih - giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Captial Normal (Trung Quốc) - hóa thạch côn trùng giao phối bị mắc kẹt trong hổ phách là khá hiếm. Cho đến nay, trên toàn thế giới chỉ có 40 hóa thạch được tìm thấy, đa số đều ở khoảng 100 triệu năm về trước.

Cặp côn trùng “yêu nhau” suốt 165 triệu năm
Côn trùng cổ đại được phát hiện trong tư thế giao phối. (Ảnh: businessinsider.com)

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khai quật một khu vực giàu hóa thạch ở Nội Mông và phát hiện 2 sinh vật này. Giáo sư Shih nói: “Hóa thạch côn trùng ở khu vực này rất tốt. Chúng tôi có thể nhìn thấy cấu trúc của từng chi tiết của bộ phận sinh dục đực và cái”.

Mặc dù đã 165 triệu năm trôi qua nhưng những cấu trúc giải phẫu lẫn tư thế giao phối ở 2 sinh vật cổ kỷ Jura này vẫn không thay đổi nhiều so với loài froghoppers (sâu bọ thuộc họ ve sầu nhảy) hiện đại. Bộ phận sinh dục của chúng thường đối xứng nhau và loài này rất chuộng tư thế giao phối “mặt đối mặt” khi đứng trên nhánh cỏ, cành cây, chiếc lá...

Nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng 2 sinh vật này bị mắc kẹt khi giao phối do một vụ phun trào núi lửa đã sinh ra khí độc phá hủy toàn bộ sự sống trong khu vực. Sau đó, chúng được gió hoặc các yếu tố tự nhiên khác đưa lại hồ nước gần đó và cuối cùng bị vùi sâu dưới lớp trầm tích hàng triệu năm.

Theo NLĐ
  • 1.991