Lần đầu tiên tại VN, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng đã nghiên cứu thành công máy xử lý nước biển ra nước ngọt. Sáng 2/6, chiếc máy đầu tiên thuộc loại này được bàn giao thử nghiệm cho 1 ngư dân tại Đà Nẵng.
|
Lắp máy xử lý nước biển thành nước ngọt trên tàu của ông Phạm Thuận. (Ảnh: Trà Bang) |
Ngư dân được nhận chiếc máy trên là ông Phạm Thuận, chủ tàu ĐNa 90261-TS, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, Đà Nẵng.
Theo bà Lê Khắc Hoàng Lan, chủ nhiệm đề án nghiên cứu, (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ VN):
"Công nghệ này là của Mỹ. Hiện đã có nhiều nước trên thế giới ứng dụng rộng rãi, phục vụ hải đảo, tàu thuyền ngư dân. Tuy vậy, với giá thành hàng nhập ngoại rất đắt, quy trình vận hành, bảo dưỡng... không phù hợp với Việt Nam nên ngư dân ta chưa từng dùng". Tháng 12/2007, UBND TP Đà Nẵng đã đặt hàng hơn 350 triệu đồng với Viện Khoa học và Công nghệ VN để tiến hành dự án nghiên cứu này. Theo bà Lan, chiếc máy chỉ dùng màng lọc là thiết bị nhập của Mỹ, còn lại sản xuất trong nước. Công nghệ thì phức tạp, song vận hành đơn giản ngay đối với ngư dân.
Chỉ cần đấu nối nguồn điện 2,2kW từ máy nổ tàu cá, máy có thể vận hành. Nước biển được hút vào bể tiền xử lý (lọc thô rong rêu, cặn, bụi bẩn), sau đó qua hệ thống màng lọc rồi ra nước ngọt mà không có bất cứ hoá chất xử lý nào. Nước sau khi lọc tinh khiết, không có vi trùng, vi khuẩn nên có thể uống ngay. Công suất mỗi giờ trung bình 1,4m3 nước biển sẽ cho ra 300 lít nước ngọt, sau 7 năm vận hành liên tục mới phải thay thế màng lọc.
|
Nước sau xử lý có thể uống trực tiếp. (Ảnh: Trà Bang) |
Theo ông Phạm Thuận, chủ tàu được nhận máy, với thiết bị này mỗi tàu cá sẽ tiết kiệm được cả trăm triệu đồng cho chuyến ra khơi câu mực. Thông thường với mỗi chuyến ra khơi hơn 2 tháng, trung bình 1 tàu phải chở theo 20-30 m3 nước ngọt, nặng tương đương 20-30 tấn, và cũng chỉ đủ dùng cho ăn và uống của hơn 30 ngư phủ trong 2 tháng.
Việc lắp đặt máy lọc nước biển sẽ tiết kiệm được nhiên liệu 10-15 lít dầu/ngày bởi bớt được tải trọng 20-30 tấn nước ngọt chở theo. Ngoài ra sẽ không còn cồng kềnh chỗ chứa trên khoang có nơi chất hàng hoá khác. Ngư dân không chỉ ăn, uống mà có thể tắm thoả mái nước ngọt nếu có thiết bị này khi ra khơi.
Với thực trạng trượt giá như hiện nay, nhiều ngư dân khốn đốn khi ra khơi thì thành công nghiên cứu và đưa vào sử dụng này sẽ giúp ngư dân
"nhẹ gánh" hơn. Sau thử nghiệm thành công, Đà nẵng sẽ có phương án hỗ trợ ngư dân mua hàng loạt máy này trên các tàu đánh bắt xa bờ.