Maruf Karimov, một học sinh 15 tuổi ở thành phố Samarkand (Uzbekistan) đã phát minh ra một động cơ xe hơi chạy bằng một loại nhiên liệu đặc biệt - không khí nén.
Nhiên liệu (tức là không khí) được thổi vào động cơ này từ một bồn chứa khí nén dưới áp suất cao. Điều đáng nói là bồn sẽ tự động nạp đầy liên tục không nghỉ. Chính vì thế, động cơ này có thể được mô tả như là "vĩnh cửu".
Karimov đã xây dựng phát minh của mình trong chiếc ô tô cũ của bạn và lái nó đi vài trăm mét. Tốc độ xe còn rất chậm, nhưng cậu kỹ sư nhỏ tuổi chắc chắn rằng sự ra đời của loại động cơ này chỉ còn là vấn đề thời gian và cố gắng. Các bản vẽ và tính toán của cậu đã được gửi tới các chuyên gia Đức. Không loại trừ khả năng Maruf Karimov sẽ tiếp tục nghiên cứu của mình ở Đức.
Động cơ vĩnh cửu từ lâu vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều nhà khoa học. (Ảnh: Pravda) |
Các nhà khoa học và các kỹ sư đều nhất trí rằng sự hiểu biết hiện tại của con người về các định luật vật lý có thể là chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác. Một thiết bị chuyển động không ngừng là điều không thể, nhưng người ta cần bằng chứng mạnh mẽ hơn để biện minh cho việc viết lại các định luật đó.
Tài liệu lịch sử về các động cơ vĩnh cửu có từ thế kỷ 12. Công trình sớm nhất đề cập vấn đề này là vào năm 1150, do nhà thiên văn và toán học Bhaskara II đưa ra. Ông mô tả một cái bánh xe được khẳng định là có thể chạy mãi không nghỉ. Villard de Honnecourt vào năm 1235 mô tả, trong một bản thảo dài 33 trang, một động cơ vĩnh cửu thuộc loại thứ hai.
Cốc tự chảy của Robert Boyle dường như cũng tự mình vận hành thông qua hoạt động của siphon. Nhưng thực tế điều này không diễn ra, một siphon đòi hỏi phần chảy ra ít hơn phần đi vào.
Năm 1775, Viện khoa học hoàng gia ở Paris tuyên bố Viện sẽ "không bao giờ chấp nhận hoặc đàm phám về các đề nghị liên quan đến động cơ vĩnh cửu nữa".
Trong thế kỷ 19, phát minh về động cơ vĩnh cửu trở thành nỗi ám ảnh của nhiều nhà khoa học. Nhiều động cơ được thiết kế dựa trên điện năng, nhưng không cái nào trong số chúng sống thọ như hứa hẹn.
T. An