Cấy ghép thành công thận lợn đột biến gene cho bệnh nhân chết não

  •  
  • 225

Thành công của ca phẫu thuật mang tính đột phá là điều mong mỏi của hàng triệu bệnh nhân đang chờ hiến, ghép tạng trên khắp thế giới.

Ngày 16/8, các bác sĩ tại Bệnh viện N.Y.U. Langone thông báo đã ghép thành công quả thận từ một con lợn được biến đổi gene cho bệnh nhân chết não.

Robert Montgomery chuẩn bị quả thận lợn để cấy ghép cho một người đàn ông chết não
Robert Montgomery, giám đốc Bệnh viện N.Y.U. Langone, chuẩn bị quả thận lợn để cấy ghép cho một người đàn ông chết não vào ngày 14/7. (Ảnh: AP).

Theo tờ Washington Post, quả thận sau được cấy ghép, đã tiếp tục hoạt động trong 32 ngày, và chưa có dấu hiệu bị đào thải. "Tính đến nay, nó vẫn làm tốt chức năng của thận như sản xuất nước tiểu, lọc bỏ chất độc...", các bác sĩ cho biết tại một cuộc họp báo.

Trong ca cấy ghép trên, con lợn được lai tạo theo một chu trình đặc biệt để lấy quả thận chỉ cần duy nhất 1 lần biến đổi gene. Quá trình này nhằm loại bỏ một protein mà hệ thống miễn dịch của con người sẽ lập tức đào thải ngay sau khi được phẫu thuật.

Các bác sĩ dự kiến sẽ theo dõi bệnh nhân thêm một tháng nữa để đảm bảo rằng quá trình đào thải sẽ không xảy ra.

Cách đây không lâu, vào tháng 1/2022, các bác sĩ phẫu thuật tại Đại học Maryland đã cấy ghép tim lợn biến đổi gene cho một người đàn ông bị bệnh nặng. Tuy nhiên, người này đã chết hai tháng sau đó do quả tim được phát hiện bị nhiễm virus.

Rút kinh nghiệm từ trường hợp này, các bác sĩ phẫu thuật của NYU Langone cho biết họ đã sử dụng một chu trình xét nghiệm phức tạp hơn, với hy vọng có thể sàng lọc những loại virus như vậy trước khi cấy ghép.

Họ cũng ghép tuyến ức của lợn vào cơ thể của bệnh nhân để rèn luyện cho hệ miễn dịch làm quen với quả thận không cùng chủng loài.


Thận lợn đột biến gene được ghép cho một người đàn ông chết não ở New York vào ngày 14/7. (Ảnh: AP).

Cũng trong ngày 16/8, một nghiên cứu từ Trường Y khoa Birmingham Heersink đã công bố kết quả khả quan tương tự về trường hợp một bệnh nhân chết não, được ghép 2 quả thận lợn vào đầu năm nay.

Các kết quả được công bố trên tạp chí Phẫu thuật JAMA cho biết, quả thận đến từ con lợn đã trải qua 10 lần biến đổi gene, vẫn hoạt động tốt các chức năng cơ bản như lọc thải chất độc và tích tụ urine sau khi được ghép vào cơ thể người.

Jayme E. Locke, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, bất kỳ ai cũng có thể được ghép thận lợn biến đổi gene nhằm duy trì chức năng, và duy trì sự sống".

Thành công của 2 ca phẫu thuật mang tính đột phá này là điều mong mỏi của hàng triệu bệnh nhân đang chờ hiến, ghép tạng trên khắp thế giới. Nghiên cứu cũng mở ra tiềm năng có thể tạo ra các cơ quan thay thế khác từ lợn như tim, phổi, gan để phục vụ cho việc ghép tạng ở người.

Vì sao ghép thận lợn cho bệnh nhân chết não?

Trong suốt hàng thập kỷ, các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu để có thể đưa nội tạng từ động vật được chỉnh sửa gene vào hoạt động trong cơ thể người mà không bị đào thải.

Đó là vì nguồn cung từ những nội tạng như tim, thận, gan... còn hoạt tốt từ người sống khỏe và đã qua đời là vô cùng hạn chế.

Tuy nhiên khi nói đến việc cấy ghép các bộ phận không "thuộc về" con người như tim, thận, dạ dày... một khó khăn nữa lại nảy sinh. Đó là quá trình đào thải sẽ diễn ra như một hệ quả tất yếu.

Chỉ vài giờ sau khi cấy ghép, ngay cả khi các loại thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng, cái gọi là "hệ thống đào thải siêu cấp" xảy ra, khiến quá trình cấy ghép thất bại, và bệnh nhân tử vong.

Kết quả này khiến những công trình nghiên cứu dù được đầu tư lớn và có sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ, cũng như y tế hiện đại, nhưng chưa thể được áp dụng như một phương pháp khả thi để duy trì sự sống và chức năng của cơ quan.

Bởi đó, các nhà khoa học chỉ biết trông đợi vào những thử nghiệm trên bệnh nhân đã chết não, hoặc tự nguyện ghép tạng, như những "bài test" trước khi nó trở thành một liệu pháp y tế khả thi và được công nhận.

Cập nhật: 21/08/2023 Dân Trí
  • 225