Học giả người Pháp có công giải mã chữ viết tượng hình của người Ai Cập cổ đại đã chết trẻ sau khi bị bệnh lạ hành hạ.
Theo Ancient Origins, Jean-Francois Champollion, người được coi là cha đẻ của ngành Ai Cập học, đã sớm qua đời sau khi giải mã phiến đá Rosetta khắc nhiều chữ viết tượng hình bí ẩn, giúp con người hiện đại hiểu rõ hơn về một trong những nền văn minh vĩ đại của lịch sử loài người.
Jean-Francois Champollion chết trẻ trong cảnh bệnh tật hành hạ. (Ảnh: Wikimedia Commons).
Champollion sinh năm 1790 ở Pháp và mất tại đây vào năm 1832. Trước khi khởi hành đến Ai Cập năm 1829, ông cảm thấy khó chịu trong người. Sau khi Champollion mất ở tuổi 42, gia đình ông từ chối mổ tử thi, nhưng những báo cáo nghiên cứu về tình trạng của ông cho phép các bác sĩ rút ra một số kết luận.
Tại Ai Cập, Champollion không bị sốt hay mắc bệnh bạch huyết. Tuy nhiên, về cuối đời, Champollion bị suy yếu cơ, liệt chi và cuối cùng không thể thở. Trong những tuần cuối cùng, tâm trạng của ông trở nên không ổn định cùng với việc phát triển căn bệnh liệt giả tổn thương hành tủy, khiến Champollion không thể diễn đạt những suy nghĩ của mình trước khi chết. Đây là một bi kịch đối với người đàn ông đã giải mã thành công ngôn ngữ của người Ai Cập cổ đại và mở ra thế giới của họ.
Phiến đá Rosetta giúp các nhà khoa học hiện đại hiểu được chữ tượng hình Ai Cập. (Ảnh: Bảo tàng Anh).
Phiến đá Rosetta được những người Pháp phát hiện vào năm 1799 tại một pháo đài ở thị trấn Rosetta thuộc vùng châu thổ sông Nile. Trên phiến đá khắc một sắc lệnh ban hành năm 196 trước Công nguyên nhân danh nhà vua Ptolemy V. Sắc lệnh này được viết bằng ba loại chữ: trên cùng là chữ tượng hình Ai Cập cổ đại, ở giữa là ký tự Demotic và dưới cùng là tiếng Hy Lạp cổ đại. Bởi vì phiến đá trình bày cùng một văn bản với cả ba hệ chữ viết (có một vài khác biệt nhỏ giữa chúng), nó cung cấp chìa khóa giúp các học giả hiện đại hiểu được chữ tượng hình Ai Cập.