Những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời Lý Quang Diệu

  •  
  • 1.027

Sinh ra trong một gia đình giàu gốc Hoa, Lý Quang Diệu học tại các trường danh tiếng trước khi tham gia chính trường và trở thành thủ tướng đầu tiên của Singapore.

>> Singapore: Hành trình từ vũng lầy tới con rồng châu Á

Cuộc đời “huyền thoại” của ông Lý Quang Diệu

Những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời Lý Quang Diệu
Ông Lý Quang Diệu phát biểu trước dân chúng năm 1972. (Ảnh: Singapore Gov)

Ngày 16/9/1923, Lý Quang Diệu chào đời trong một gia đình giàu có người Trung Quốc tại Singapore. Từ năm 1936 đến năm 1942, ông học trong các ngôi trường nổi tiếng của đảo quốc sư tử, Japan Times đưa tin.

Ngày 15/2/1942, quân Nhật chiếm Singapore. Từ ngày 18 đến ngày 22/2/1942, phát xít Nhật tàn sát khoảng 50.000 tới 100.000 người Singapore gốc Trung Quốc. Lý Quang Diệu buộc phải quy thuận quân Nhật.

Năm 1943 đến 1944, Lý Quang Diệu trở thành biên tập viên tiếng Anh cho Hobudu - bộ phận tuyên truyền của Nhật.

Từ năm 1946 đến 1949, ông học tại Trường kinh tế London và khoa Luật của Đại học Cambridge, Vương quốc Anh.

Ngày 23/12/1947, Lý Quang Diệu bí mật kết hôn với bà Kha Ngọc Chi, sinh viên khoa Luật của trường Cambridge.

Năm 1950, ông vượt qua các kỳ sát hạch tại Anh, trở về Singapore hành nghề luật sư. Các công đoàn thương mại là khách hàng thân thiết của ông.

Tháng 11/1954, Lý Quang Diệu trở thành người đồng sáng lập Đảng Nhân dân Hành động (PAP).

Tháng 4/1955, người dân bầu ông Lý vào Hội đồng Lập pháp.

Năm 1959, đảng PAP giành 43 trong tổng số 51 ghế trong Hội đồng. Anh trao cho Singapore cơ chế tự quản. Ông nhậm chức thủ tướng ở tuổi 35 và là thủ tướng đầu tiên của đảo quốc sư tử.

Những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời Lý Quang Diệu
Lý Quang Diệu khóc trên truyền hình. (Ảnh: Channel News Asia)

Ngày 16/9/1963, Singapore và Malaysia hợp nhất vào Liên bang Malaysia.

Tuy nhiên, ngày 9/8/1965, Malaysia khai trừ Singapore vì khủng hoảng chính trị và chủng tộc. Ông Lý khóc trên truyền hình khi tuyên bố tách khỏi Malaysia.

Ngày 8/8/1967, Singapore trở thành quốc gia sáng lập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).

Từ năm 1968 đến 1972, chính quyền Lý Quang Diệu áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế đình công, thu hút đầu tư quốc tế và thực hiện kế hoạch hóa gia đình, kêu gọi các cặp vợ chồng chỉ sinh hai con.

Năm 1971, lính Anh cuối cùng rút khỏi Singapore.

Năm 1975, Lý Quang Diệu phê duyệt xây dựng sân bay Changi. Nó nhanh chóng trở thành một trong những trung tâm hàng không lớn nhất thế giới.

Ngày 28/11/1990, Lý Quang Diệu rời ghế thủ tướng, trao quyền lại cho Phó thủ tướng Ngô Tác Đống. Tuy nhiên, ông vẫn đảm trách cương vị “Bộ trưởng Cấp cao” trong nội các tới năm 2004.

Những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời Lý Quang Diệu
Lý Quang Diệu nói chuyện với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng năm 2009. (Ảnh: Reuters)

Tháng 8/2004, Lý Hiển Long, thế hệ thứ hai trong nhà họ Lý, đảm trách cương vị thủ tướng Singapore. Ông Lý Quang Diệu giữ chức “Bộ trưởng cố vấn”.

Ngày 2/10/2010, bà Kha Ngọc Chi, bạn đời ông Lý Quang Diệu, qua đời sau nhiều năm mắc bệnh.

Tháng 5/2011, Singapore tổng tuyển cử. Đảng cầm quyền PAP vẫn chiếm đa số nhưng bị mất nhiều lá phiếu phổ thông. Ông Lý rời cương vị bộ trưởng cố vấn.

Tháng 2/2013, Lý Quang Diệu bị đột quy.

Ngày 5/2/2015, ông nhập viện vì viêm phổi nặng. Tuổi cao sức yếu khiến tình trạng sức khỏe của ông ngày càng xấu.

Cựu thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời ngày 23/3/2015, hưởng thọ 91 tuổi.

 

Theo Zing.vn
  • 1.027