Phiến đá giúp giải mã ngôn ngữ Ai Cập cổ đại

  •  
  • 2.307

Phiến đá Rosetta là tạo tác khảo cổ vô giá nắm giữ chìa khóa mở cánh cửa 3.000 năm lịch sử của Ai Cập.

Phiến đá Rosetta là khối đá bazan cao 114cm, rộng 72cm, thể hiện hai ngôn ngữ Ai Cập và Hy Lạp cổ đại. Lý do phiến đá Rosetta thể hiện hai ngôn ngữ bắt nguồn từ cuộc chinh phạt Ai Cập của Alexander Đại đế vào năm 332 trước Công nguyên, theo Discovering Ancient Egypt.

Từ thời điểm này, tiếng Hy Lạp cổ đại trở thành ngôn ngữ của giới tinh hoa cầm quyền ở Ai Cập. Nhưng việc lực lượng cai trị người Hy Lạp không thể nói ngôn ngữ của dân chúng và không đọc được chữ tượng hình Ai Cập gây nên sự phẫn uất trong dư luận.


Phiến đá Rosetta là chìa khóa để bước vào lịch sử Ai Cập cổ đại. (Video: GreshamCollege).

Đất nước Ai Cập nằm trong tình trạng khởi nghĩa trước thời điểm Pharaoh Ptolemy V lên nắm quyền từ năm 205 trước Công nguyên. Năm 196 trước Công nguyên, Ptolemy ra lệnh tạo ra phiến đá Rosetta trong chiến dịch tuyên truyền chính trị nhằm bố cáo thiên hạ việc ông xưng là pharaoh hợp pháp của Ai Cập.

Bối cảnh ra đời này biến phiến đá Rosetta thành chìa khóa để người hiện đại bước vào thế giới của người Ai Cập cổ đại với những chi tiết về lịch sử 3.000 năm của dân tộc.

Năm 1799, phiến đá Rosetta được Pierre Bouchard, một học giả, sĩ quan quân đội Pháp phát hiện trong lúc kiểm tra công tác phục dựng pháo đài cổ gần thành phố Rosetta ở châu thổ sông Nile, trong giai đoạn Các cuộc chiến của Napoleon.

Bouchard ngay lập tức nhận ra tầm quan trọng của phiến đá này với các học giả Pháp được đưa sang Ai Cập. Năm 1801, người Pháp từ bỏ Ai Cập sau thất bại dưới tay người Anh. Phiến đá Rosetta đổi chủ và được trưng bày ở Bảo tàng Anh.

Tầm quan trọng của phiến đá Rosetta không nằm ở nội dung của sắc lệnh chính trị mà ở văn bản thể hiện bằng hai ngôn ngữ Ai Cập và Hy Lạp cổ đại theo ba hệ thống chữ viết: chữ tượng hình chính thức (hieroglyphic), chữ tượng hình bình dân (demotic) và chữ Hy Lạp để tất cả người dân có thể đọc hiểu.

Nhờ chữ Hy Lạp cổ đại không bị thất truyền, bản khắc bằng tiếng Hy Lạp trở thành chìa khóa để giải mã hai bản khắc bằng chữ Ai Cập cổ đại. Câu cuối trong bản tiếng Hy Lạp viết: "Được viết bằng các ký tự linh thiêng, bản địa và Hy Lạp". "Linh thiêng" ám chỉ chữ tượng hình chính thức, "bản địa" ám chỉ chữ tượng hình bình dân.

Phiến đá Rosetta.
Phiến đá Rosetta.

Người đầu tiên góp công giải mã phiến đá Rosetta là Thomas Young, một thầy thuốc và nhà vật lý người Anh. Ông bắt đầu công việc vào năm 1814.

Trên bản hieroglyphic, sau khi xác định chính xác các chữ là tên của Pharaoh Ptolemy nhờ so sánh với bản tiếng Hy Lạp, ông nhận diện tiếp các ký tự thể hiện các chữ p, t, m, y và s. Thông qua nghiên cứu tính định hướng của các ký tự động vật và chim của người Ai Cập, ông tìm ra chiều đọc của chữ hieroglyphic.

Young có những phát hiện vô giá nhưng không tập trung giải mã do ấp ủ quá nhiều dự án. Nhờ Jean-Francois Champollion, người sáng lập ngành Ai Cập học, chữ hieroglyphic mới được giải mã hoàn toàn.

Là một sử gia và nhà ngôn ngữ, đến năm 16 tuổi, Champollion đã nắm vững tiếng Latinh, Hy Lạp cùng 6 ngôn ngữ cổ khác ở phương Đông, bao gồm chữ coptic, loại chữ Ai Cập phát triển về sau, dùng các ký tự Hy Lạp kết hợp chữ demotic để bổ sung các âm không có trong ký tự Hy Lạp.

Champollion kế thừa di sản ngôn ngữ Ai Cập cổ đại của Young từ năm 1821 và cuối cùng xác định toàn bộ các biểu tượng của chữ Ai Cập với các chữ Hy Lạp tương đương. Ông là nhà Ai Cập học đầu tiên nhận ra ngoài chữ cái, người Ai Cập cổ đại còn dùng biểu tượng để thể hiện vần và trong một số trường hợp là từ hạn định (chẳng hạn như này, kia, mọi,...).

Ông cũng phát hiện văn bản dùng chữ tượng hình chính thức trên phiến đá Rosetta là bản dịch từ văn bản tiếng Hy Lạp. Phát hiện này trái ngược hoàn toàn với quan điểm trước đó.

Công trình của Young và Champollion tạo cơ sở để người hiện đại dịch toàn bộ văn bản sử dụng chữ tượng hình chính thức của Ai Cập. Cuộc sống của các pharaoh lẫn thường dân Ai Cập cổ đại cũng nhờ đó được hé lộ qua những bức thư được viết trên loại giấy papyrus trường tồn hàng nghìn năm trong khí hậu nóng ẩm của Ai Cập.

Cập nhật: 20/07/2017 Theo VnExpress
  • 2.307