Những thuỷ thủ La Mã cổ đại có mái tóc cắt ngắn như cái bát úp và khuôn mặt mang nét trẻ thơ - đó là những gì được miêu tả trên bức chân dung đầu tiên về một sĩ quan hải quân mới được khai quật ở Italy.
Được khắc trên một tấm bia đá, bức chân dung nằm sâu 3 mét dưới nước gần nghĩa địa Classe ở Ravenna, thành phố cảng nơi hạm đội Adriatic của thành Rome chiếm đóng.
Được làm từ đá cẩm thạch, tấm bia dài 1 m có từ thế kỷ 1 sau Công nguyên có một lỗ trống ở trên đỉnh, ban đầu để đặt tro của người lính quá cố. Theo chữ viết miêu tả đã bị hư hỏng, tấm bia do một người đàn ông tên là Cocneus đặt làm cho Monus Capito - sĩ quan phục vụ trên con thuyền galê mang tên Aurata.
Là một phần quan trọng trong hạm đội La Mã, thuyền galê là một loại thuyền chạy nhanh, nhẹ, cơ động, dùng để chiến đấu với cướp biển trên vùng biển Adriatic - một nỗi lo thường trực cho các tàu buôn La Mã.
"Cuối cùng chúng ta cũng biết rằng một lính thuỷ La Mã hồi xưa trông như thế nào. Khi khai quật chúng tôi còn tìm thấy những tấm bia đá khác, nhưng tất cả những người được miêu tả đều mặc thường phục với áo choàng rộng", nhà khảo cổ Maria Grazia Maioli cho biết.
Mang một áo giáp bảo vệ vùng ngực và lưng, với chiếc váy quân sự có tua da, và đôi sandal chuyên dụng đế dày, Monus Capito được trang bị hoàn toàn kỹ lưỡng. Trên chiếc thắt lưng được trang trí cầu kỳ có dắt một thanh gươm ngắn sắc nhọn - vũ khí chính của thuỷ quân La Mã trong các cuộc chiến giáp là cà. Tay phải Monus Capito cầm một thanh giáo. Đó là thứ vũ khí vô cùng lợi hại bởi nó có một đầu nhọn có thể đâm xuyên qua khiên hoặc thậm chí làm thương một người đàn ông mặc áo giáp.
"Ông ta còn đeo một cái thắt lưng dài qua vai. Nó không phải để giắt vũ khí mà chỉ như một đồ trang trí quân sự", Maioli nói. Việc trang bị hoàn toàn phù hợp với một lính thuỷ đánh bộ.
Được coi là một bộ phận thấp hơn trong lực lượng vũ trang, hải quân La Mã sử dụng phương pháp chiến đấu truyền thống. Các thuyền galê áp sát thuyền của quân địch để binh lính có thể trèo lên và đánh nhau. Tuy vậy, cho dù mang đầy áo giáp và vũ khí, Monus Capito không hề có vẻ nhìn dữ tợn hay oai vệ.
Theo nhà khảo cổ Valentina Manzelli, vẻ mặt trẻ thơ của người lính chứng tỏ chất lượng kém của bức điêu khắc. "Có thể thấy rõ rằng người hoạ sĩ khắc tấm bia này không hề chuyên nghiệp. Nhưng cho dù đây không phải là tác phẩm xuất sắc, nó có ý nghĩa vô cùng lớn. Điều làm nó độc đáo là ở tính giàu chi tiết của nó", Manzelli nói.
Bức chân dung của Monus Capito sẽ được trưng bày tại Bảo tàng khảo cổ Classe vào tháng tới.
M.T. (theo Discovery)