Momilactones B tách chiết từ gạo trắng cho tác động lên tế bào ung thư vú ở người làm ức chế sự phát triển vì tạo môi trường oxy thấp.
Cơ chế phân tử mà Momilactone B (MB) phát huy tác dụng ức chế đối với các tế bào ung thư vú được các nhà khoa học Hàn Quốc công bố trên tạp chí quốc tế nghiên cứu về ung thư (International Journal of Oncology) năm 2008.Trong thí nghiệm Youn-Hee Young (Đại học KonKuk, Hàn Quốc) và đồng nghiệp thực hiện, chất MB chiết xuất từ vỏ gạo được dùng tác động lên tế bào ung thư vú. Khi đó các tế bào apoptotis tăng lên trong điều kiện thiếu oxy (apoptotis là thuật ngữ được sử dụng trong sinh học phân tử, nghĩa là quá trình tự hủy diệt của tế bào theo chương trình có sẵn trong gene).
Kết quả này chỉ ra rằng, MB ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư vú, điều chỉnh biểu hiện của các gene liên quan đến apoptosis. Từ nghiên cứu này, các nhà khoa học kết luận MB làm tăng tốc độ apoptosis gây thiếu oxy của tế bào ung thư vú ở người và có thể đại diện cho một tác nhân hóa trị liệu hoặc điều trị hiệu quả chống lại ung thư vú.
Hợp chất MA và MB tách chiết từ gạo. (Ảnh: Đại học Hiroshima).
Cơ chế cảm ứng oxy này cũng vừa được trao giải Nobel Y sinh 2019 cho ba nhà khoa học William Kaelin, Gregg Semenza (người Mỹ) và Peter Ratcliffe (người Anh). Giới khoa học cho rằng, hiểu biết mới về cơ chế kiểm soát một quá trình sinh lý thiết yếu của sự sống như thế này có tính ứng dụng lớn trong nghiên cứu điều trị nhiều bệnh. Việc xác định được cơ chế tác động của chất MB lên tế bào ung thư vú cũng mở ra triển vọng cho các nghiên cứu sâu hơn của chất này trong các ứng dụng điều trị ung thư ở người.
Hợp chất MA và MB lần đầu tiên được nhà khoa học Nhật Bản Tadahiro Kato tìm thấy trong vỏ trấu của lúa vào năm 1973. Đến năm 2019 nhà khoa học người Việt - PGS Trần Đăng Xuân, Trưởng phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và Hóa sinh, Đại học Hiroshima (Nhật Bản) và cộng sự tách chiết thành công từ gạo và trấu. Từ 20 kg vỏ trấu, sau gần 3 tháng, khoảng 300 mg MA và 200 mg MB (chiếm khoảng 1/100 -150 nghìn trọng lượng vỏ trấu) được tách chiết.
Thành công này mở ra triển vọng thu hồi các chất quý từ trấu, gạo bởi trước đó rất hiếm phòng thí nghiệm thành công trong việc tách chiết. Cũng vì khó tách chiết, chất MA và MB từng được một công ty ở Anh bán với giá 1.25 triệu USD cho 1g (đắt gấp 30 ngàn lần giá trị 1g vàng) và các nghiên cứu sâu về hợp chất này cũng vắng bóng trên thế giới.
PGS Trần Đăng Xuân (trái) và Bác sĩ Đàm Duy Thiên (phải) kiểm tra mô hình canh tác lúa hữu cơ tại tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: VQ).
Theo PGS Trần Đăng Xuân, việc làm rõ cơ chế tác động chất MB lên tế bào ung thư do gây thiếu oxy khiến chúng tự hủy diệt sẽ giúp các nhà khoa học thuận lợi hơn khi nghiên cứu tiếp theo với các loại ung thư khác.
Hiện PGS Trần Đăng Xuân đang cùng với Bác sĩ - Tiến sĩ Đàm Duy Thiên tiếp tục tìm hiểu hoạt tính và cơ chế ức hoạt nhiều loại ung thư khác nhau trên thí nghiệm lâm sàng tại Đại học Hiroshima, Nhật Bản. Ông và nhóm nghiên cứu cũng đang phát triển các giống lúa dược liệu giàu hàm lượng MA và MB theo phương pháp thông thường và canh tác hữu cơ ở Việt Nam.