Châu Á hướng tới nguồn mở để thoát khỏi Microsoft

  •  
  • 60

Bên ngoài nước Mỹ và châu Âu, chi phí là một động lực lớn để chính phủ các nước chuyển sang sử dụng phần mềm nguồn mở. Tuy nhiên, đó không phải là lý do duy nhất. 

Nguồn: Microsoftwatch

Ông Rishab Ghosh, người đứng đầu dự án nghiên cứu nguồn mở của Viện Kinh tế Maastricht, Hà Lan gần đây đã tiến hành so sánh chi phí bản quyền phần mềm với GDP đầu người của một quốc gia.

Kết quả là kể cả sau khi phần mềm đã được chiết khấu, chi phí mua phần mềm hợp pháp tại những thị trường đang phát triển vẫn quá cao. Giá của Microsoft Windows XP và Office XP tại Amazon.com tại Mỹ tương đương với 3 tháng GDP đầu người tại Nam Phi, và hơn 16 lần GDP đầu người tại Việt Nam. Còn tại Mỹ, hãy hình dung giống như bạn phải nộp khoản tiền lên tới 7541 USD hoặc 48.011 USD vậy.

Nói tóm lại, kể cả khi Microsoft có "hào phóng" tuyên bố rằng họ đã giảm giá phần mềm cho những thị trường ưu đãi, đây vẫn là những sản phẩm xa xỉ và chẳng có gì đảm bảo là chính sách giảm giá này sẽ kéo dài vĩnh viễn.

Tại các thị trường đã phát triển, khi triển khai nguồn mở, doanh nghiệp, nhà nước và cá nhân phải tốn nhiều chi phí để thay thế hệ thống mới, cập nhật các ứng dụng liên quan và đào tạo lại đội ngũ nhân viên. Nhưng ở các thị trường đang phát triển, cả 3 khâu trên đều không xảy ra, và việc họ cởi mở hơn với "nguồn mở" cũng là chuyện tất yếu.

Hơn thế nữa, một ưu điểm nổi bật của nguồn mở là nó cho phép các nước đang phát triển cơ hội vực lên ngành công nghiệp IT nội địa. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, bởi thường thì những nước này không có nền công nghiệp phần mềm, hoặc nếu có cũng rất èo uột.

"Các công ty bản địa bị bó tay bó chân với những dịch vụ và phần mềm độc quyền. Hỗ trợ sâu, vá lỗi, tùy biến theo yêu cầu khách hàng hay tích hợp rộng với những phần mềm khác - đó là điều họ không thể làm được với Microsoft", Ghosh phát biểu.

Chưa hết, với nguồn mở, các nước còn có thể phát triển những hệ điều hành dùng chính ngôn ngữ địa phương, từ đó phổ cập rộng rãi tin học đến những khu vực hẻo lánh, lạc hậu. Lấy thí dụ, chính phủ Nam Phi đã tài trợ cho một dự án chuyển ngữ OpenOffice.org thành 11 thứ tiếng đang được sử dụng tại nước này. Dự án này sắp hoàn thành, trong khi Microsoft Office 2003 chỉ hỗ trợ có duy nhất một ngôn ngữ trong số đó là tiếng Anh.

"Từ góc nhìn của một nước đang phát triển, nguồn mở cực kỳ hiệu quả trong việc địa phương hóa. Trong khi ấy, Microsoft lại chỉ ưu đãi sau khi cân nhắc chán chê thị trường đó lớn đến mức nào và chiếm giữ vị trí chiến lược ra sao mà thôi", nhà phân tích James Governor của Red Monk nhận định.

1. Trung Quốc: người nội xài phần mềm nội

Chính phủ Trung Quốc dự định cung cấp hơn 140.000 máy tính Linux cho các trường tiểu học và phổ thông cơ sở trên toàn tỉnh Giang Tô. Thỏa thuận này đã được công bố trong hội thảo Sun Wah Linux hồi tháng 10 năm 2005 và đây được coi là chiến dịch triển khai desktop Linux lớn nhất châu Á từ trước tới nay.

Theo cam kết khi gia nhập WTO, Trung Quốc buộc phải thay thế các phiên bản phần mềm lậu trước đây bằng phần mềm hợp pháp. Tuy nhiên, để giảm bớt mức độ phụ thuộc vào các sản phẩm độc quyền nước ngoài, Trung Quốc đã quyết định thay thế ít nhất là vài chương trình Windows bằng Linux.

Nhiều cơ quan công quyền tại địa phương và Trung ương đã bắt đầu cài đặt phần mềm nguồn mở, từ Bộ Khoa học, Bộ Thống kê , Ủy ban Lao động Quốc gia cho đến thành ủy Bắc Kinh. Chiến dịch chuyển đổi sang Linux này được cánh truyền thông đưa tin rất rầm rộ.

Ngoài Linux, chính phủ Trung Quốc cũng hỗ trợ rất nhiều sản phẩm nguồn mở khác. Trong số này có NeoShine, một biến thể tiếng Trung của OpenOffice.org. Bản thân OpenOffice cũng được Trung Quốc đưa vào danh sách các sản phẩm văn phòng cần ưu tiên của chính phủ.

Việc hậu thuẫn mạnh mẽ cho các phần mềm nội địa được giới phân tích nhìn nhận như một nhân tố quyết định trong sự lên ngôi của nguồn mở tại Trung Quốc, dẫu rằng không có quy định nào cấm sử dụng sản phẩm của Microsoft.

Hàng loạt sáng kiến và dự án nghiên cứu về nguồn mở đã nhận được tài trợ từ chính phủ. Năm ngoái, Bộ Thông tin Trung Quốc đã thành lập Liên minh Quảng bá Phần mềm nguồn mở để khuyến khích ngành công nghiệp phần mềm nguồn mở nước này phát triển. Các mối quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nguồn mở cũng được xúc tiến, với các đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản và Ủy ban Năng lượng Nguyên tử của Pháp.

Theo nhà phân tích DiMaio của Gartner, tình cảm mặn mà mà chính phủ Trung Quốc giành cho nguồn mở chia đều cho hai lý do: Giá rẻ và làm lợi cho ngành công nghiệp phần mềm trong nước. Ngoài ra, cũng còn một số lý do về văn hóa và chính trị thúc đẩy nước này theo đuổi một chính sách "thân nguồn mở".

2. Ấn Độ: Hãy nói theo cách (và tiếng) của bạn

Dự án tiêu điểm:

Chính phủ Ấn Độ đã tài trợ cho một sáng kiến phân phát miễn phí các đĩa CD có chứa phần mềm nguồn mở. Khoảng 3,5 triệu đĩa CD có chứa các ứng dụng nguồn mở bằng tiếng Tamil và 3,5 triệu CD bằng tiếng Hindi đã được phát hành đến tận tay cộng đồng.

Tuy nhiên, theo kế hoạch, chính phủ sẽ còn phân phát tiếp đĩa CD phần mềm bằng đủ 22 thứ tiếng đang được sử dụng chính thống tại nước này. 

Nguồn: Linux-mag.com

Có thể nói, tại quốc gia Nam Á này, phần mềm nguồn mở đang được cài đặt rộng rãi ở cả chính phủ trung ương lẫn các bang. Điểm đặc biệt là dường như các bang tỏ ra cởi mở và mạnh dạn hơn với ý tưởng nguồn mở hóa, trong khi Chính phủ giữ một thái độ "trung lập hơn".

Maharashtra, bang lớn thứ ba tại Ấn Độ đã cài đặt OpenOffice.org trên hàng ngàn desktop và sử dụng Linux trong quản lý ngân khố cũng như đất đai địa phương.

Trong khi ấy, bang Kerala lại sử dụng phần mềm nguồn mở trong nhiều sáng kiến chính phủ điện tử. Nhiều trường học trong bang cũng đang sử dụng hoàn toàn máy tính Linux.

Một trung tâm mang tên Nghiên cứu phần mềm nguồn mở đã được chính phủ thành lập để phát triển phần mềm nguồn mở và các chương trình đào tạo đi kèm những phần mềm đó. Họ cũng tạo ra một website để chia sẻ các kinh nghiệm của chính phủ trong chiến dịch nguồn mở hóa.

Chủ tịch nước Ấn Độ, ông APJ Abdul Kalam không ngại ngần lên tiếng ca ngợi nguồn mở trong mọi dịp có thể. Năm ngoái, ông từng kêu gọi quân đội nước này ứng dụng nguồn mở để chống lại các nguy cơ bảo mật mạng. Năm trước nữa, ông từng kết luận thật "bất hạnh" khi những phần mềm độc quyền kiểu như Windows quá phổ biến tại Ấn Độ.

Tuy nhiên, theo giới phân tích thì chính phủ Ấn Độ vẫn phải theo đuổi chính sách tương đối trung lập đối với nguồn mở, bởi họ không muốn làm mất lòng bạn hàng lớn nhất - Mỹ. Ngành công nghiệp gia công thô có vai trò sống còn đối với nền kinh tế Ấn Độ, khi mà 20 nhà dịch vụ IT hàng đầu nước này tạo ra tới 5,77 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong năm 2004.

Giới quan sát nói thêm rằng chính sách này còn chịu ảnh hưởng mạnh bởi hoạt động "lobby" liên tục từ Microsoft. Gã khổng lồ phần mềm đã hào phóng hợp tác với rất nhiều công ty gia công thô Ấn Độ, trong số này có Infosys.

Tuy nhiên, nếu như Ấn Độ quyết tâm theo đuổi nguồn mở thì Microsoft sẽ gặp phải rắc rối thật sự, bởi Ấn Độ có một đội ngũ kỹ sư phần mềm đông đảo, có trình độ cao và chuyên nghiệp hơn bất cứ quốc gia đang phát triển nào. Hơn thế nữa, ai cũng muốn kiểm soát công nghệ của chính mình thay vì làm khách hàng.

3. Động thái từ Microsoft

Trước tình hình một loạt chính phủ quyết định cho rơi Windows và Office để chuyển sang phần mềm nguồn mở, Microsoft quyết định vãn hồi tình thế bằng một chiến lược mới dành cho thị trường IT chính phủ. Đây là khu vực đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt và có vẻ như nguồn mở đang giành thế thượng phong.

Mục tiêu của Microsoft là giúp đỡ chính phủ các nước xây dựng được những hệ thống IT ít tốn kém hơn nhưng vẫn phục vụ người dân tốt hơn.

Theo kế hoạch, chiến lược mới mang tên Dịch vụ công và Chính phủ điện tử, sẽ tập trung vào những khả năng "cốt lõi" của công việc quản trị IT chính phủ, bao gồm: Quản lý nhân thân, danh tính, quản trị quan hệ khách hàng, quản lý đơn thư, tài liệu v..v...

Đây là một phần trong Khung Chương trình Chính phủ Kết nối (Connected Government Framework) mà Microsoft đang nỗ lực xây dựng, với mục đích hỗ trợ chính phủ các nước xây dựng được những hệ thống IT ít tốn kém hơn, mà phục vụ người dân vẫn tốt hơn.

Để triển khai chiến lược mới, Microsoft sẽ bắt tay cùng WiSeKey trong lĩnh vực quản lý chứng minh thư số, với Accenture và Avanade trong việc thay thế đơn từ giấy với các công nghệ tự động, điện tử hiện đại.

Thiên Ý

Theo CNET, VietNamNet
  • 60