Chế tạo máy hút lúa bằng phương pháp khí động học

  •  
  • 4.103

Sau một thời gian miệt mài nghiên cứu, anh Võ Văn Vô Ngại, chủ doanh nghiệp sản xuất máy cơ khí nông nghiệp Mai Hồng Phượng ở xã Định An, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang chế tạo thành công máy hút lúa bằng phương pháp khí động học.

Máy hút lúa bằng phương pháp khí động học
Máy hút lúa bằng phương pháp khí động học

Máy giúp làm sạch bụi bặm trong lúa hạt, không gây ô nhiễm môi trường, góp phần thay thế lao động thủ công đang khan hiếm ở nông thôn hiện nay.

Xuất thân từ gia đình kinh doanh xay xát lúa gạo ở huyện Gò Quao, nhưng có kiến thức về nghề cơ khí, trong 3 năm qua, anh Ngại đã đầu tư nhiều công sức, miệt mài nghiên cứu và đầu tháng 6, chế tạo thành công chiếc máy hút lúa cải tiến mới công suất 30 tấn/giờ.

Đây là loại máy vận hành theo nguyên lý khí động học, trong đó quạt hút và mô tơ điện nhập từ nước ngoài. Máy hút thổi được lúa từ ghe, xà lan lên lò sấy, nhà máy và ngược lại, với khả năng có thể hút thổi lúa đi trên chiều dài 800m và đưa lên độ cao khoảng 30m.

Anh Ngại cho biết để hạn chế tối đa lượng bụi bậm phát tán ra ngoài môi trường không khí trong quá trình hút lúa, máy được thiết kế bằng công nghệ tách bụi ly tâm. Khi lúa vào ba lon theo hình xoắn ốc sẽ đi về đáy được đẩy ra ngoài, còn bụi được tách ra theo dòng khí đi qua một ba lon kép đưa xuống bao chứa riêng. Do máy sản xuất theo công nghệ hút chân không và không đi qua quạt, nên mức độ hao hụt hoặc gãy hạt không đáng kể, đảm bảo chất lượng lúa.

Máy hút lúa của anh Ngại có nhiều tính năng vượt trội, bước đầu đã tạo ấn tượng và niềm tin của nhiều hộ nông dân kinh doanh lò sấy lúa trong và ngoài tỉnh. Giá thành đầu tư lắp đặt một chiếc máy hút lúa hạt này khoảng 250 triệu đồng.

Anh Vũ Minh Thắng, Chủ cơ sở sấy lúa Minh Thắng 1, 2 và 3, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ là người đặt mua máy hút này đầu tiên.

Khi đưa vào hoạt động, anh Thắng chỉ cần 5-6 công nhân làm việc, sản lượng đạt 150 tấn lúa/ngày, so với trước đây thực hiện bằng phương pháp thủ công chỉ đạt khoảng 100 tấn lúa/ngày, với số lượng công nhân 35-40 người, bình quân mỗi tấn lúa giảm được 50% chi phí.

Vấn đề quan trọng là loại máy hút lúa này là lượng bụi thải ra ngoài rất ít, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, công nhân làm việc an tâm hơn cho sức khỏe của mình.

Hiện tại cơ sở sản xuất máy cơ khí nông nghiệp Mai Hồng Phượng có thể sản xuất máy hút lúa công suất từ 3-300 tấn lúa/giờ. Theo anh Ngại loại máy này còn ứng dụng được trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, lúa mỳ, ngô, càphê, hạt điều, ngũ cốc và các nguyên vật liệu dạng rời.

Việc chế tạo ra máy hút lúa hạt bằng phương pháp khí động học của anh Ngại không những tiết giảm được chi phí, nhân công lao động, không gây ô nhiễm môi trường, mà còn mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp.

Theo Vietnam+
  • 4.103