Chiến dịch "hải ly nhảy dù" thành công bất ngờ 70 năm trước

Vì sao Mỹ cho 76 con hải ly nhảy dù xuống Lưu vực Chamberlain sau Thế chiến thứ 2?
  •  
  • 370

Những năm 1940, các chuyên gia sử dụng một biện pháp di dời khác lạ với máy bay và dù nhằm đưa hải ly đến nơi ở mới thích hợp.

Hải ly là loài động vật được nhiều người trong chúng ta yêu thích. Chúng không chỉ dễ thương mà còn cần cù trong việc việc xây đập giúp giữ cho hệ sinh thái nơi chúng sinh sống khỏe mạnh. Đập hải ly giúp làm chậm dòng chảy của sông suối, giảm thiểu xói mòn đất và các ao được hình thành bởi những con đập đó sẽ bổ sung nguồn cung cấp nước ngầm. Ao hải ly trở thành nhà của nhiều loài động vật khác. Và các con đập đóng vai trò như bộ lọc tự nhiên đối với dòng nước chảy, cải thiện chất lượng ở hạ lưu.

Nhưng các đập hải ly cũng có thể làm tăng nhiệt độ dòng chảy ở thượng nguồn và hút oxy trong nước về lâu dài. Và hải ly có thể gây hại đến cây trồng và vườn nhà. Theo National Geographic, đó là lời phàn nàn chính của các gia đình chuyển từ thành phố lớn đến tây nam Idaho trong những năm ngay sau Thế chiến thứ hai.


Phương pháp di dời hải ly bằng máy bay và dù. (Video: Time).

Khi người Mỹ di chuyển khỏi các thành phố và lấn sâu hơn vào vùng hoang dã, Sở Cá và Động vật hoang dã Idaho (IFG) nhận thấy vấn đề hải ly mà họ cố gắng xử lý từ những năm 1930 sẽ càng trở nên tệ hơn. Tuy nhiên, tiêu diệt hải ly không phải là lựa chọn được ưa chuộng vì chúng cung cấp các "dịch vụ" hệ sinh thái giá trị, tạo ra một môi trường giúp nâng cao chất lượng nước và đa dạng sinh học, đồng thời giảm nguy cơ xói mòn. Do đó, họ cần các phương pháp di dời để giải quyết tình trạng quá tải hải ly ở một số khu vực, đưa chúng đến những nơi sống thích hợp hơn.

Trung tâm Idaho nắm giữ một khu vực được bảo vệ, khu vực hoang dã Frank Church-River of No Return. Trong khu vực đó là lưu vực Chamberlain, một nơi có nhiều rừng và một con lạch nổi bật. Nó dường như là nơi lý tưởng để di dời hải ly. Tuy nhiên, câu hỏi lúc này là làm thế nào để đưa chúng đến đó?

Elmo W. Heter, nhân viên của Fish and Game Department, viết trong một bài báo trên Tạp chí Quản lý Động vật hoang dã (Journal of Wildlife Management): "Phương thức vận chuyển thông thường trong trường hợp này sẽ rất tốn kém, gian khổ, với thời gian kèo dài và dẫn đến tỷ lệ tử vong cao". Một số yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong của hải ly trong những chuyến đi như vậy bao gồm: mùi của hảy ly làm phiền những con ngựa chịu trách nhiệm chở chúng; việc bắt và vận chuyển có thể khiến nhiều hải ly khó chịu, khiến chúng trở nên hung dữ; hải ly có khả năng chịu nhiệt kém khi ra khỏi nước; ap lực về nhiệt độ và việc di chuyển khắc nghiệt đến mức một số hải ly không chịu ăn sau một thời gian.

Hải ly
 Hải ly có thể gây hại đến cây trồng và vườn nhà.

Sau khi viết về những vấn đề của cách vận chuyển hải ly, Elmo W. Heter bắt đầu tìm ra một cách tốt hơn. Anh ấy nghĩ ra rằng tốt nhất là nên chuyển chúng vào giữa mùa hè; mùa di cư của chúng kết thúc và chúng sẽ có thời gian để thích nghi với ngôi nhà mới. Và anh ấy biết từ những nỗ lực di dời trước đây rằng tốt hơn là nên di chuyển những con hải ly non, lý tưởng nhất là bốn con mỗi lần với một con đực cùng ba con cái hoặc hai con đực, hai con cái. Nhưng câu hỏi vẫn còn đó: hải ly sẽ di chuyển như thế nào?

Trong một tài liệu năm 1950 với tiêu đề "Di dời hải ly bằng máy bay và dù", Elmo Heter, nhân viên tại IFG, giải thích lý do tại sao các phương pháp di dời truyền thống hơn lại thất bại. Heter miêu tả rằng các phương pháp này rất gian khổ, tốn thời gian và tiền bạc với tỷ lệ hải ly chết cao.

Ví dụ, sau khi bị chất lên lưng ngựa, hải ly tiếp xúc với sức nóng trực tiếp từ Mặt Trời liên tục nhiều ngày, khiến chúng không thể ăn uống, ngày càng trở nên hung hăng và nhiều con mất mạng. "Rõ ràng một phương thức vận chuyển nhanh hơn, rẻ hơn và an toàn hơn là điều thiết yếu. Việc sử dụng máy bay và dù đã đáp ứng yêu cầu đó", ông viết.

Trước khi thả hải ly, IFG đã thử nghiệm với các vật nặng để xác định rằng loại dù 7 m bằng tơ nhân tạo dùng trong Thế Chiến II là thích hợp nhất. Các cặp hải ly được đặt vào hộp và vận chuyển bằng một chiếc dù duy nhất. Lợi ích của phương pháp này là giúp giảm một nửa số dù, đồng thời giảm khả năng hải ly rời khỏi khu vực hạ cánh vì việc có bạn đồng hành dường như khuyến khích chúng ở lại.

 Các cặp hải ly được đặt vào hộp và vận chuyển bằng một chiếc dù duy nhất.
Các cặp hải ly được đặt vào hộp và vận chuyển bằng một chiếc dù duy nhất.

"Một con hải ly đực già mà chúng tôi đặt tên thân thương là Geronimo đã bị rơi nhiều lần ở khu vực cất cánh. Mỗi lần nó trèo ra khỏi hộp thì đều có người đến bắt lại. Cuối cùng nó cũng trở nên cam chịu và ngay khi chúng tôi đến gần, nó chui vào lại hộp của mình và sẵn sàng bay lên lần nữa", Heter viết.

"Geronimo có vị trí ưu tiên trên chuyến đi đầu tiên đến vùng đất mới, và 3 con cái trẻ đã đi cùng nó. Kể cả lúc đến nơi, nó vẫn ở trong hộp một lúc lâu trong khi những con cái đã bận rộn khám phá môi trường mới. Tuy nhiên, nhóm của nó sau đó được báo cáo là phát triển rất tốt", ông cho biết thêm.

Chuyến bay đầu tiên của Geronimo mở đường cho 76 con hải ly khác vào mùa thu năm 1948, trong đó chỉ có một trường hợp thiệt mạng, nhiều khả năng do lỗi của chính hải ly. Sau khi thả xuống, một sợi cáp bị lỏng tạo ra kẽ hở nhỏ trong hộp, đủ để hải ly thò đầu ra và chui lên phía trên. Theo Heter, nếu con vật ở yên tại chỗ thì mọi việc vẫn ổn, nhưng vì lý do nào đó, khi cách mặt đất 23m, nó đã nhảy hoặc bị rơi khỏi hộp.

Các chuyên gia sau đó phân tích phương pháp thả hải ly bằng dù và nhận thấy, cách này rẻ hơn cách cũ khoảng 16 USD với mỗi con hải ly, đồng thời giảm số lượng hải ly chết và số giờ lao động cần thiết để thực hiện hành trình.

Cập nhật: 29/05/2024 VnExpress/ĐSPL
  • 370