Loài chim nhại có thể phân biệt khuôn mặt của nhiều người, đặc biệt là những cá nhân mà chúng coi là mối đe dọa.
Một con chim nhại ở Mỹ. Ảnh: floridaholidayreview.com.
Chim nhại (Mimus polyglottos) có khả năng bắt chước tiếng hót của hơn 20 loài chim khác. Với mỗi kiểu giọng mới, chúng chỉ cần 10 phút để nhại lại. Chim nhại phân bố trên một khu vực từ phía bắc nước Mỹ tới Brazil. Tại Mỹ chim nhại chủ yếu sống ở các khu vực đô thị. Chiều dài trung bình của chúng là 27 cm. Chúng hót suốt ngày đêm và sẵn sàng liều chết để bảo vệ tổ.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Florida (Mỹ) phát hiện ra rằng chim nhại ở đô thị có thể phân biệt mặt người và sẵn sàng tấn công những cá nhân mà chúng cho là nguy hiểm. "Con người luôn nghĩ rằng mọi con chim đều như nhau, song chim nhại không nghĩ như thế về chúng ta. Chúng luôn xác định được những người có thể đe dọa sự an toàn của chúng", giáo sư Doug Levey, một nhà sinh học của Đại học Florida, phát biểu.
Để chứng minh giả thuyết trên, Levey yêu cầu vài sinh viên tiếp cận tổ chim nhại trong khuôn viên của Đại học Florida, chạm nhẹ vào trứng của chúng rồi bỏ đi. Bất chấp phản ứng dữ dội của những con chim, họ lặp lại hành vi trong 4 ngày liên tục. Vào ngày thứ ba và ngày thứ tư, khi nhìn thấy các sinh viên, những con chim đồng loạt rời tổ và bay về phía họ. Chúng kêu thất thanh và thậm chí mổ vào đầu sinh viên.
Tuy nhiên, khi một nhóm sinh viên khác tới gần lũ chim trong ngày thứ năm, lũ chim không có phản ứng gì. "Chúng nhận ra những sinh viên này không chạm vào trứng của chúng trong 4 ngày trước. Lũ chim chỉ mất 60 giây để nhận ra điều đó", Levey kết luận.
Theo nhiều chuyên gia điểu học, phát hiện của Levey giải thích tại sao số lượng chim nhại ở các thành phố liên tục tăng lên, trong khi đồng loại của chúng ở khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến vì sự sinh tồn.