Chim lợn đi săn: Dọa con mồi khiếp vía đến mức không dám di chuyển, đành đứng im chờ chết

  •  
  • 2.802

Chim lợn (hay còn gọi là cú lợn - barn owl) là một cái tên quen thuộc mà chúng ta đã nghe đến quá nhiều lần, với những câu chuyện “dự báo cái chết” rùng mình. Thế nhưng kỳ lạ thay, ngoài cái tên ra, những đặc điểm, phong tục của loài chim này vẫn còn là một bí ẩn mà ngay cả giới khoa học vẫn chưa thể nào tìm hiểu hết được.

Chim lợn là loài động vật sống về đêm, thường xuất hiện ở những khu vực nông thôn trên toàn thế giới. Một trong những đặc điểm thú vị nhất ở chim lợn chính là sự khác biệt về màu lông của chúng: Có con lông trắng, và cũng không ít con lông đỏ thẫm. Và phải mất đến 20 năm nghiên cứu, các nhà khoa học đến từ những trường đại học hàng đầu thế giới (Lund, Alexandre Roulin…) mới phát hiện ra rằng: Chính sự khác biệt tưởng chừng như rất nhỏ này lại ảnh hưởng cực lớn đến khả năng săn mồi của chim lợn, đặc biệt là trong những đêm trăng tròn, sáng rõ.


Sự khác biệt trong màu lông cũng ảnh hưởng đến khả năng săn mồi của chim lợn, đặc biệt là trong những đêm trăng sáng tỏ.

Theo đó, những con chim lợn mang màu lông trắng sẽ có khả năng phản xạ ánh trăng tốt hơn, khiến con mồi của chúng (thường là loài gặm nhấm) hoảng sợ đến mức “tê liệt”, không thể di chuyển được trong một thời gian dài.

Sự thay đổi của ánh trăng ảnh hưởng đến khả năng săn mồi của chim lợn như thế nào?

Chu kỳ của mặt trăng có ảnh hưởng rất lớn đến độ sáng của ánh trăng trong đêm. Những người sống ở nông thôn, những khu vực không có đèn đường, sẽ cảm nhận điều này rõ hơn: Vào những đêm trăng khuyết, bạn khó có thể tự tin đi lại ngoài đường mà không mang theo đèn pin hay bất cứ vật gì có khả năng phát sáng. Vào những đêm trăng tròn thì ngược lại. Vậy chim lợn sẽ phải làm thế nào để thích nghi với những thay đổi theo chu kỳ này? Liệu chúng có cần phải điều chỉnh chiến thuật săn mồi của mình hay không?


Chim lợn lông trắng rất dễ bị con mồi phát hiện trong những đêm trăng sáng do bộ lông phản chiếu ánh trăng cực tốt của mình.

Các nhà khoa học vẫn luôn tin rằng vào những đêm trăng tròn, các loài gặm nhấm, điển hình là chuột, sẽ dễ dàng phát hiện ra chim lợn hơn nhờ ánh trăng sáng rõ. Những con chim lợn lông trắng thậm chí sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn, do bộ lông của chúng phản chiếu ánh sáng tốt hơn nhiều so với những đồng loại có lông đỏ thẫm.

Thế nhưng, kết quả của nghiên cứu kéo dài 20 năm của họ lại chứng minh điều hoàn toàn ngược lại.

Con mồi nhìn thấy rõ thì đã sao, chim lợn lông trắng có cách lợi dụng ánh trăng khiến chúng phải đứng im chờ chết.

Dựa vào hệ thống camera theo dõi 24/7 cùng các thiết bị GPS tiên tiến, các nhà khoa học đã có thể theo dõi hành vi săn mồi cũng như sinh sản của chim lợn lông trắng và lông đỏ thẫm trong suốt 20 năm vừa qua. Với nguồn cơ sở dữ liệu khổng lồ thu được, họ rút ra kết luận rằng: Vào những đêm trăng sáng, chim lợn lông đỏ thẫm sẽ có hiệu suất săn mồi kém hơn, dẫn đến việc thiếu hụt thức ăn để nuôi con, và những con non yếu ớt nhất sẽ khó có thể sống sót được lâu. Với chim lợn lông trắng thì khác, dù là đêm trăng sáng tỏ hay lờ mờ, chúng vẫn là những tay săn mồi cự phách.

Lấy ví dụ từ trường hợp của những con chuột đồng. Khi trăng tròn sáng rõ, chuột đồng có khả năng nhận biết được sự xuất hiện của chim lợn bất kể màu lông chúng là gì. Tuy nhiên, thay vì chạy trốn, tìm chỗ ẩn nấp, một trong những chiến thuật chúng thường xuyên áp dụng đó là… đứng im một chỗ, hi vọng kẻ săn mồi sẽ không nhìn thấy mình và đợi cho mối nguy hiểm qua đi.

"Tôi đã tu luyện thành công kỹ năng đứng bất động, cực kỳ bất động đến mức tôi trở nên vô hình trong mắt người khác" .

Và chính từ tập tính kỳ lạ này, các nhà khoa học đã quan sát được vào những đêm trăng tròn, khi phải đối mặt với chim lợn lông trắng, những con chuột đồng sẽ có xu hướng bất động lâu hơn so với khi gặp phải loài lông đỏ. Không phải chúng muốn vậy. Đơn giản là do chúng thực sự không thể di chuyển được. Từ chỗ chủ động đứng im như một chiến thuật ẩn thân, những con chuột đồng giờ đây sợ đến mức không dám nhúc nhích và có thể bị chim lợn sà xuống vồ lấy bất cứ lúc nào.

Cụ thể hơn, chuột đồng rất sợ ánh trăng chói lóa phản chiếu từ bộ lông trắng của loài chim lợn. Theo các nhà dược học cho biết, để điều chế thuốc an thần, họ đã từng tiến hành thí nghiệm mức độ sợ hãi của nhiều loài gặm nhấm đối với cường độ ánh sáng mạnh. Chính điểm yếu này đã bị loài chim lợn lông trắng nắm bắt và lợi dụng thành công, biến điểm yếu của mình (không thể ẩn thân trong môi trường nhiều ánh sáng) thành một thứ vũ khí săn mồi lợi hại.

Cập nhật: 28/12/2019 Theo Trí Thức Trẻ
  • 2.802